Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Tìm các bài viết ca ngợi về nét đẹp đa dân tộc của Việt Nam chúng ta? Cho ví dụ minh họa thể hiện Việt Nam là nước có nhiều dân tộc nhưng đoàn kết?

2 trả lời
Hỏi chi tiết
1.359
1
0
Thuỳ Linh
13/10/2017 19:38:38
Tìm các bài viết ca ngợi về nét đẹp đa dân tộc của Việt Nam chúng ta? 
Bài viết 1: 

Do người Mường có nguồn gốc gần với người Kinh nên ngôn ngữ của họ thuộc nhóm  Việt-Mường. Đồng bào Mường định canh định cư ở miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Người Mường có truyền thống làm ruộng và cây lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Đến thăm những bản làng của đồng bào Mường, chúng ta sẽ thấy những ngôi nhà sàn dựa lưng vào đồi núi, mặt hướng ra cánh đồng xanh bát ngát, xung quanh nhà là cây cối bốn mùa đơm hoa, kết trái. Ngôi nhà sàn dựng theo kiểu truyền thống của người Mường, vì được bố trí khéo léo nên không gian rất thoáng đãng và đặc biệt tiện lợi. Với đặc trưng kiểu nhà này, người Mường đã tạo nên cho mình một tập quán riêng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong lao động sản xuất, vừa trồng lúa, làm nương rẫy, vừa chăn nuôi gia súc gia cầm. Nhà sàn của người Mường ngoài công năng để ở và cất trữ tài sản, phòng tránh thú dữ, rắn, rết và phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở vùng núi, còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa, giáo dục các thành viên trong gia đình.

Trang phục cũng như tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục của người Mường có đặc trưng riêng. Đàn ông thường là mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Quần của của đàn ông thường có ống rộng và dùng khăn thắt giữa bụng (còn gọi là khăn quần). Đàn ông đầu thường cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Khi nhà có lễ hay dịp Tết, đàn ông Mường thường mặc áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác đôi áo chùng đen dài tới gối, cài cúc nách và sườn phải. Anh Quách Văn Sướng, thôn Vó Dò, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Từ nhỏ, chúng tôi đã được các tầng lớp cha ông truyền lại bản sắc văn hóa của dân tộc Mường thông qua những bộ trang phục truyền thống như thế này. Bởi vậy, chúng tôi rất thích mặc, không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà đặc biệt là những dịp lễ tết, hay hội hè, đình đám. Phải mặc để con cháu mình về sau cũng duy trì bản sắc riêng của dân tộc Mường, để không bị mai một”.

Trong khi đó nữ giới hằng ngày thường mặc áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, ống tay dài, áo màu nâu hoặc trắng, bên trong mặc áo yếm trắng. Đầu thường đội khăn trắng, xanh với phong cách không cầu kỳ như một số tộc người khác. Váy là loại váy kín màu đen. Nét đặc sắc trên trang phục của người Mường chính là những mảng hoa văn nổi lên giữa trang phục và cạp váy, thắt lưng. Kỹ thuật dệt cạp váy rất khó, bao gồm nhiều khâu, thao tác phức tạp hơn dệt vải thông thường, do vậy, đòi hỏi sự khéo léo cao. Đặc biệt, tài năng của người dệt còn thể hiện ở việc bố cục, sắp xếp hoa văn trên từng bộ phận sao cho hợp lý, đẹp mắt, để các họa tiết có thể hỗ trợ, làm nổi bật lẫn nhau mà không phá vỡ bố cục chung. Chị Quách Thị Lan, ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết: có gần 40 mẫu hoa văn, hình tượng được trang trí trên trang phục của đồng bào Mường, đặc biệt hình tượng con rồng được đồng bào ưa chuộng nhất: “Điều khó nhất là trước hết chúng ta phải tính toán, phải nhặt ra trước hết là chúng ta làm con rồng thì con rồng gồm bao nhiêu cái chùm để chúng ta biết có bao nhiêu sợi để tạo thành cái đầu. Ví dụ như cái râu, hoặc cái mình của nó hoặc cái đuôi uốn lượn là mình phải nhặt ra để mình làm cái co. Mỗi hoa văn lại có một cái co này để sau này để nhấc lên, rồi xuyên chỉ để nó có màu trắng, màu đen hoặc màu đỏ để nó kết hợp hoặc làm nổi bật con rồng bay”.

Đồng bào Mường có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với nhiều thể loại như: thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Người Mường còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi... Cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường, ngoài ra còn nhị, sáo trống, khèn lù. Đặc sắc nhất trong các loại hình này chính là những làn điệu của những bài dân ca Mường. Bà Bùi Thị Xuân, thành viên Câu lạc bộ “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân gian dân tộc Mường” thôn Lục Đồi, xã Kim Bình, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, cho biết: Dân ca Mường nhiều thể loại như: Thường đang (hát mừng nhà mới), bọ mẹng (hát giao duyên), hay trường ca như Nghê Nga – Út Lót. Những lời ca trong dân ca Mường thường có câu 6 và câu 8 xen kẽ nhau như một câu thơ lục bát của người Việt cùng những thang âm luyến láy: “Câu lạc bộ đang cố gắng tìm lại những làn điệu dân ca cổ và truyền dạy lại cho con cháu. Hát “rặm thường” và “hát đúm” được thanh niên nam nữ ngồi hát với nhau hoặc khi có đám cưới… Ngày xưa tôi vẫn nhớ là thanh niên đi lao động sản xuất, vừa làm vừa hát với nhau cả ngày không hết bài, vì làn điệu và lời bài hát rất đa dạng”.

Mộc mạc và giản dị nhưng nền văn hóa đặc sắc của người Mường cùng trường ca “Đẻ đất đẻ nước”đã được truyền lại qua bao thế hệ, để ngày nay mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền. Mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng, những thế hệ đồng bào Mường cùng nhau xây dựng bản làng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần, cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc… và cùng các dân tộc anh em xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh./.

Bài viết 2:

Bản sắc văn hóa của các dân tộc được thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng tộc người. Một trong những đặc trưng chung tạo nên phẩm chất con người và văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước, đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, gắn bó, hòa đồng với thiên nhiên, cộng đồng làng xóm và đức tính nhân hậu, vị tha của mỗi con người.

54 dân tộc Việt Nam được xếp theo 3 ngữ hệ và 8 nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường, Tày - Thái, Mông - Dao, Ka Đai, Tạng Miến, Nam Đảo, Hán.

Nhóm  Việt - Mường có 4 dân tộc: Kinh, Mường, Thổ, Chứt. Đồng bào sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và đánh cá. Trong đời sống tâm linh có tục thờ cùng ông bà tổ tiên và các nghề thủ công truyền thống phát triển ở trình độ cao.

Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái có 8 dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y. Đồng bào cư trú tập trung ở các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái.... Các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày Thái nói ngôn ngữ Nam Á, ở nhà sàn, cấy lúa nước kết hợp với làm nương rẫy, biết lợi dụng địa hình thung lũng, sáng tạo ra chiếc cối giã gạo, con quay cùng hệ thống mương, phai, lái, lín đưa nước về ruộng. Các nghề thủ công khá phát triển như: Rèn, dệt với các sản phẩm đẹp và tinh tế. Họ có quan niệm chung về vũ trụ, con người và những vị thần. Bên cạnh đó, mỗi tộc người lại có những bản sắc riêng, được biểu hiện thông qua trang phục, nhà cửa, tập quán ăn uống, phong tục, lối sống và nếp sống tộc người.

Nhóm ngôn ngữ Mông - Dao có 3 dân tộc: Mông, Dao, Pà Thẻn; nhóm ngôn ngữ Ka Đai có 4 dân tộc: La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo; nhóm ngôn ngữ Tạng Miến có 6 dân tộc: Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La. Các tộc người thuộc 3 nhóm này cư trú tập trung đông ở các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu. Làng bản của họ được xây dựng trên các triền núi cao hay lưng chừng núi. Một số các tộc người như La Chí, Cống, Si La và một vài nhóm Dao dựng làng ven các con sông, con suối. Tuỳ theo thế đất, đồng bào dựng nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất.

Đồng bào giỏi canh tác ngô, lúa nếp, lúa tẻ và các loại rau, đậu trên nương rẫy và ruộng bậc thang, đồng thời phát triển các nghề thủ công như rèn, dệt vải, đan lát. Đặc biệt phụ nữ vùng cao rất giỏi dệt vải, thêu thùa, làm ra những bộ trang phục độc đáo cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Chợ phiên là nơi thể hiện rõ bản sắc văn hoá vùng cao, phô diễn toàn bộ đời sống kinh tế từ văn hoá ẩm thực, văn hoá mặc, nghệ thuật thêu thùa, in hoa, biểu diễn âm nhạc, múa khèn... mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người.

Nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me có 21 dân tộc: Ba Na, Brâu, Bru - Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Giẻ Triêng, H’rê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Mnông, Ơ Đu, Mạ, Rơ Măm, Tà ôi, Xơ Đăng, Xtiêng. Đồng bào cư trú rải rác ở khu vực Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Đời sống kinh tế chủ yếu canh tác nương rẫy theo phương pháp chọc lỗ tra hạt. Kiến trúc nhà rông, nhà dài Tây Nguyên, chùa của dân tộc Khơ Me; nghề thủ công đan lát và lễ hội văn hoá cộng đồng là những nét văn hoá độc đáo của cư dân Môn - Khơ Me.

Nhóm ngôn ngữ Nam Đảo có 5 dân tộc: Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru. Đồng bào cư trú tập trung trên các cao nguyên đất đỏ Tây Nguyên và dải đất ven biển miền Trung; Văn hoá Nam Đảo mang đậm nét mẫu hệ.

Nhóm ngôn ngữ Hán có 3 dân tộc: Hoa, Ngái, Sán Dìu. Đồng bào cư trú trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, văn hoá Hán mang đậm nét phụ hệ.
Có thể nói văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, trong đó có những tộc người bản địa sống trên lãnh thổ Việt Nam, có những dân tộc di cư từ nơi khác đến; có những dân tộc chỉ có số lượng vài trăm người, có những dân tộc có hàng triệu người, nhưng các dân tộc luôn coi nhau như anh em một nhà, thương yêu đùm bọc lẫn nhau chung sức xây dựng bảo vệ Tổ quốc như lời Bác Hồ đã căn dặn trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai, Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự chủ của chúng ta”.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
15/10/2017 20:02:17
Toàn cầu hoá, quốc tế hoá đã trở thành một xu thế tất yếu trong đời sống kinh tế hiện nay. Bất kỳ quốc gia nào muốn hoà mình vào nền kinh tế thế giới, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia còn lại đều phải quan tâm đến quá trình này.
 
Ông đồ già (họa phẩm “Lão say”, 1975) trong nét vẽ của danh họa Bùi Xuân Phái 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận được, quá trình toàn cầu hoá, quốc tế hoá cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thể xem thường, nhất là trong hoàn cảnh của Việt Nam. Làn gió ngoại lai mạnh mẽ, mới mẻ, bên cạnh khả năng thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống kinh tế, xã hội của Việt Nam, còn có thể đem lại nhiều sự cạnh tranh mới, đe doạ sự tồn tại của nhiều ngành nghề, doanh nghiệp của Việt Nam, thậm chí còn cuốn đi nhiều giá trị cổ truyền tốt đẹp của chúng ta. 
 
Hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ Vũ Đình Liên đã từng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ này.
 
Nhiều người trong chúng ta chắc đã có lần đọc bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên và khi đó, hẳn chúng ta đều dễ dàng chia sẻ với tác giả cảm giác xót xa, mất mát. Không khỏi ngậm ngùi trước tình cảnh “chợ chiều xế bóng” của ông đồ già, nhưng mặt khác, cũng phải thừa nhận một sự thật tất yếu là ông đồ già, cùng mặt hàng “mực tàu, giấy đỏ” của ông đã lỗi thời, không còn phù hợp với nhu cầu cuộc sống nữa, do đó đương nhiên sẽ bị đào thải. 
 
Mặc dù nhận thức như vậy nhưng khi đọc “Ông đồ”, chúng ta vẫn không thể không động lòng trắc ẩn trước tình cảnh của một lớp người, một ngành nghề đã bị bỏ rơi, bị mai một trước sự thay đổi của thời đại. Trong bài thơ, dù rất ngắn ngủi, tác giả đã tái hiện một cách sinh động toàn bộ “vòng đời sản phẩm” của nghề viết chữ thuê ngày Tết của ông đồ. 
 
Trong hai khổ thơ đầu, tác giả vẽ nên “giai đoạn phát triển” trong công cuộc kinh doanh của ông đồ: 
 
Mỗi năm hoa đào nở 
Lại thấy ông đồ già 
Bày mực tàu, giấy đỏ 
Trên phố đông người qua. 
 
Bao nhiêu người thuê viết 
Tấm tắc ngợi khen tài 
Hoa tay thảo những nét 
Như phượng múa rồng bay. 
 
Trong chuyên môn của mình, ông đồ là người có tay nghề cao, được tín nhiệm và cũng có chú ý tiếp thị cho “mặt hàng” của mình. Chúng ta đều biết thư pháp chữ Nho đòi hỏi trình độ nghệ thuật cao, muốn viết chữ đẹp phải trải qua một quá trình luyện tập lâu dài và phải có “hoa tay”. Thậm chí, ngày xưa còn có tục “xin chữ” của những nhà Nho tên tuổi về treo trong nhà để lấy khước, mà cụ Nguyễn Khuyến là một ví dụ. 
 
Tại Trung Quốc, những bức thư hoạ của những nhà thư pháp nổi tiếng thời xưa còn được lưu giữ đến tận bây giờ và được bán với giá rất cao. Ở Việt Nam, khi chữ Nho còn thịnh hàng năm vào ngày Tết, dân gian có lệ đi mua những bản viết chữ Nho trên giấy đỏ về treo trong nhà như một vật trang trí. Ông đồ trong bài thơ này là người kinh doanh nghề đó. 
 
Ông có tay nghề cao, có “hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay”, lại biết chọn chỗ “đông người qua” lại để “chào hàng” của mình. Và công cuộc kinh doanh của ông tỏ ra khá phát đạt. Tuy nhiên giai đoạn hưng thịnh này rồi cũng qua. Khi thực dân Pháp sang đô hộ Việt Nam, văn hoá phương Tây tràn vào nước ta. Chữ Nho dần dần mất chỗ đứng trong xã hội, nhất là từ khi dưới áp lực của người Pháp, Triều đình nhà Nguyễn chính thức bãi bỏ các kỳ thi chữ Hán hàng năm. 
 
Các nhà Nho lúc ấy đều rơi vào cảnh “chợ chiều xế bóng”, một số nhạy bén hơn thì phải “vứt bút lông đi, giắt bút chì” (Tú Xương), số còn lại đều thất nghiệp và dần bị quên lãng. Ông đồ của chúng ta cũng nằm trong số này. Vì không chịu thay đổi “mẫu mã hàng hoá” cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới nên việc kinh doanh của ông đồ nhanh chóng chuyển từ giai đoạn “bão hoà” sang “suy thoái”: 
 
Nhưng mỗi năm mỗi vắng 
Người thuê viết nay đâu 
Giấy đỏ buồn không thắm 
Mực đọng trong nghiên sầu 
 
Ông đồ vẫn ngồi đó 
Qua đường không ai hay 
Lá vàng rơi trên giấy 
Ngoài đường mưa bụi bay. 
 
Qua hai khổ thơ này, dù không một lời miêu tả cụ thể về ông đồ, ngòi bút tài hoa của tác giả cũng cho chúng ta thấy tình cảnh đáng buồn của ông khi chữ Nho ngày càng yếu thế, “mặt hàng” tiêu thụ kém khiến “khách hàng” thưa thớt, “mỗi năm mỗi vắng người thuê viết”. Vì thế, đến “giấy đỏ” cũng “buồn không thắm” nổi, “mực tàu” vì không dùng đến nên cũng “đọng trong nghiên sầu”. 
 
Bản thân “người sản xuất” là ông đồ thì tuy vẫn phải ngồi đấy nhưng “qua đường không ai hay” , khung cảnh trời mùa Đông cận Tết với “lá vàng”, “mưa bụi” như cũng chia buồn với ông. Cuối cùng, cũng như tất cả các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ khác, việc kinh doanh của ông đồ cũng dần đi đến chỗ phá sản và ông phải từ giã thương trường. Với tấm lòng đồng cảm của nhà thơ, cảnh này đã được mô tả thấm đượm tình người: 
 
Năm nay hoa đào nở 
Không thấy ông đồ xưa 
Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ? 
 
Đọc hai câu đầu, ta không khỏi liên tưởng tới hai câu Kiều nổi tiếng của Nguyễn Du, lấy ý từ bài thơ (1) của Thôi Hộ đời Đường: 
 
Trước sau nào thấy bóng người 
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. 
 
Hai câu thơ này đặc biệt thành công khi dùng thủ pháp so sánh giữa cảnh và người để nêu bật lên sự thay đổi của con người. Cảnh vật là “hoa đào” thì vẫn còn đó, vẫn nở đón xuân như mọi năm nhưng “ông đồ xưa” thì không thấy nữa. Chắc cũng như những nhà Nho thất thế khác, ông đồ đã lui về quê, dựa vào con cháu để sống nốt những ngày tàn của đời mình trong sự tiếc nuối “thời oanh liệt nay còn đâu?”. 
 
Bên cạnh nỗi đau mất nghề, cùng với cả dân tộc, ông còn mang nặng nỗi đau mất nước, khi cùng với sự tràn ngập của chữ quốc ngữ, thực dân Pháp ngang nhiên thống trị trên đất nước ta trước sự bất lực của vua quan triều Nguyễn. Cũng vì cùng tâm sự đó, tác giả đã kết thúc bài thơ bằng hai câu tuyệt tác: 
 
Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ? 
 
Ở đây, tác giả không chỉ muốn nói lên sự xót xa cho thân phận của một ông đồ, một ngành nghề mà như muốn nói lên nỗi đau trước sự mất mát của một lớp người tinh hoa cũ, cùng với họ là cả “quốc hồn, quốc tuý” của cả dân tộc trước sự xâm lăng của văn hoá ngoại lai. 
 
 
“Bình cũ, rượu mới”, sau hơn nửa thế kỷ đọc lại bài thơ này, ta thấy vấn đề nhà thơ đặt ra ngày ấy vẫn giữ nguyên giá trị thời sự của nó. Ngày nay, dù không còn bị ngoại bang thống trị nhưng việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc vẫn đang là vấn đề cần được quan tâm. 
 
Công bằng mà nói, công cuộc đổi mới đã đem lại một sự khởi sắc rõ rệt cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng bên cạnh đó, nó cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ, đặc biệt là về văn hoá. Sự giao lưu với các nền văn hoá bên ngoài đã giúp chúng ta tiếp nhận được nhiều thành tựu mới của văn hoá thế giới nhưng cũng mở đường cho nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Nguy cơ này đang lan tràn khắp mọi nơi, trong mọi tầng lớp nhân dân. 
 
Hiện tượng sùng bái hàng ngoại, sùng bái tư tưởng ngoại quốc đã xuất hiện ở nhiều nơi, gây nên những xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống nhân dân. Thực tế đã chứng tỏ, nếu chỉ chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua yếu tố văn hoá, nhất là văn hoá dân tộc sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như băng hoại các giá trị tinh thần, phá huỷ các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc... dẫn đến sự bất ổn sâu sắc trong xã hội. 
 
Văn hoá là sự vận động không ngừng để loại bỏ cái cũ, cái lỗi thời, xây dựng những nét văn hoá mới, phù hợp với thời đại. Vì vậy, “bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá các dân tộc khác đồng thời chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục tập quán cũ” (2). Đây chính là mong mỏi của đông đảo người Việt Nam để bảo vệ và duy trì truyền thống của cha ông! 
 
Nhìn rộng ra, điều này cũng đúng trong lĩnh vực kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường, hàng ngày, hàng giờ chúng ta phải chứng kiến những mặt hàng, những doanh nghiệp “một thời vang bóng” của Việt Nam đang dần đi vào suy thoái rồi phá sản, đẩy hàng ngàn con người vào cảnh thất nghiệp, trong khi hàng ngoại tràn ngập trên thị trường. Những cảnh tượng này chắc cũng gây nên nhiều nỗi xót xa không kém gì tình cảnh của ông đồ thời xưa. 
 
Trước tình cảnh đó, chúng ta không khỏi đặt ra câu hỏi: ”Phải chăng không có cách nào để tránh khỏi tình trạng này?” Cũng giống như trong vấn đề bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, câu trả lời là: trong thương trường cũng như trong văn hoá và như trong nhiều lĩnh vực khác, việc biết phát huy thế mạnh sẵn có, kết hợp với việc học hỏi những kiến thức mới luôn là chìa khóa để dẫn đến thành công. 
 
Thực tế, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã nhanh nhậy cải tiến mẫu mã, tìm ra mặt hàng mới để kinh doanh nên đã vượt qua các khó khăn ban đầu khi chuyển sang kinh tế thị trường, củng cố được vị trí của mình và ngày càng phát triển hơn như Trung Nguyên, FPT... 
 
Có lẽ trong tất cả các ngành khoa học xã hội, kinh tế là ngành đòi hỏi sự năng động nhất. Để xây dựng được lòng tin với khách hàng, giữ vững uy tín của doanh nghiệp và của sản phẩm, nhà kinh doanh cần có kiến thức cơ bản vững vàng và luôn học hỏi để cập nhật với những thông tin mới nhất của thời đại. 
 
Có như vậy chúng ta mới tránh khỏi nguy cơ trở thành những “Ông đồ” mới và xây dựng cho mình một hành trang vững vàng trên bước đường tham gia ào quá trình Toàn cầu hóa, quốc tế hoá của thế kỷ XXI.
 
Ghi chú (của NCTG): 
 
(1) Bài “Đề Đô thành Nam Trang” (Đề (thơ) ở trại phía Nam Đô Thành), một kiệt tác của Thôi Hộ về mối tình mang màu sắc huyền thoại của ông với một người con gái mà ông gặp ở phía Nam thành Lạc Dương (Trường An, kinh đô nhà Đường), sau này trở thành vợ ông. 
 
Khứ niên kim nhật thử môn trung 
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng 
Nhân diện bất tri hà xứ khứ 
Đào hoa y cựu tiếu đông phong 
 
Dịch nghĩa: 
 
Ngày này năm ngoái tại cửa đây 
Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng 
Gương mặt người xưa giờ không biết chốn nao 
(Chỉ thấy) hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông (gió mùa xuân). 
 
Bản dịch của Trần Trọng Kim: 
 
Hôm nay, năm ngoái, cửa cài 
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi 
Mặt người chẳng biết đâu rồi 
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông. 
 
Bản dịch của Tản Đà: 
 
Cửa đây năm ngoái cũng ngày này, 
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây. 
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá, 
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây. 

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Giáo dục Công dân Lớp 9 mới nhất
Trắc nghiệm Giáo dục Công dân Lớp 9 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k