Ôn tập: TRAO DUYÊN (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
I. GIỚI THIỆU ĐOẠN TRÍCH
– Vị trí: Sau đêm thề nguyền giữa Kim Trọng và Thúy Kiều, Kim Trọng phải về hộ tang chú ở Liêu Dương. Tai nạn ập đến khi gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan. Vương Ông và Vương Quan bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn, tài sản bị cướp hết. Kiều buộc phải bán mình chuộc cha và em. Đêm trước ngày phải theo Mã Giám Sinh, Thúy Kiều đã nhờ cậy Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.
– Nội dung: Đoạn trích miêu tả tình cảnh trớ trêu của Kiều khi phải trao duyên cho em.Đồng thời làm rõ diễn biến tâm trạng đau khổ tuyệt vọng của nàng khi tình yêu tan vỡ,mình buộc phải phụ tình với Kim Trọng.
II. PHÂN TÍCH
1. Thúy Kiều nhờ cậy, thuyết phục TV thay mình kết duyên với KT
a. Kiều thuyết phục Thúy Vân
– Lời lẽ tha thiết gửi gắm:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
+ “Cậy” (không phải “nhờ”):
• Nhờ với tất cả sự hy vọng, tin tưởng, tha thiết gửi gắm, phó thác tuyệt đối vào em.
• Âm nặng như dồn nén, chuyên chở, chứa chất sức nặng của một cõi lòng đang quằn quại, khó nói của một lời gửi gắm, nương tựa, trối trăng, một lời khẩn khoản thiết tha.
+ “Chịu” (không phải “nhận”):
• cũng là nhận lời nhưng là nhận lời trong tâm thế bị ràng buộc, khó có thể chối từ
• sự thấu hiểu những thiệt thòi, hy sinh, khó xử nếu Thúy Vân nhận lời (Thúy Vân sẽ phải kết duyên với người mình chưa hề quen biết) => Đòi hỏi phải có sự chia sẻ, thấu hiểu, cảm thông
– Thái độ, hành động khẩn khoản, chân thành: “lạy…thưa”
+ Phi lí: thay đổi thứ bậc, chị phải lạy em
+ Hợp lí:
• Tạo không khí thiêng liêng, trịnh trọng, hé lộ tính chất hệ trọng của sự việc sắp nói tới
• Kiều là người chịu ơn, muốn bày tỏ lòng biết ơn trước sự hy sinh to lớn của em, với Kiều thì Vân là ân nhân của mình vì đã hy sinh hạnh phúc cá nhân mình vị chị
=> Hiểu rõ việc mình sắp nhờ cậy em là một việc hết sức hệ trọng và tế nhị, Vân sẽ khó xử, vì vậy Kiều mở đầu lời trao duyên bằng những lời lẽ tha thiết gửi gắm, khéo léo ràng buộc và bằng cả một thái độ khẩn khoản, chân thành, đầy kính cần khiến Vân khó lòng từ chối.
b. Kiều tâm sự với Thúy Vân
* Về cảnh ngộ éo le của mình:
“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”
Tình yêu thơ mộng với chàng Kim Thực tế đắng cay
+ Điệp ngữ “Khi ngày…khi đêm” + phép đối ngày > < đêm thể hiện sự gắn bó sâu nặng của 2 người
+ Quạt ước, chén thề: những kỉ niệm tình yêu hạnh phúc, những lời thề thủy chung son sắt
=> Tình cảm sâu nặng, thắm thiết, khó có thể phai mờ + “Giữa đường đứt gánh tương tư”: với người xưa, tình yêu là gánh nặng, lúc tình cảm đang đậm sâu nhất, đắm say nhất thì gánh đứt, không sao mang xách lại được
+ “Sóng gió bất kì”: hình ảnh ẩn dụ cho tai họa bất ngờ ập đến phá tan tất cả, gia biến do thế lực PK gây ra
=> Thực tế đắng cay,
=> Thực tế tàn nhẫn buộc nàng phải chọn lựa giữa “tình” và “hiếu”: ý thức sâu sắc về tình cảnh ngang trái, éo le của mình + sự chọn lựa khó khăn, nghiệt ngã
• Quyết định: “Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”
+ “Keo loan” là loại keo bền nhất được làm từ máu chim loan => Hy vọng Thúy Vân sẽ nối lại tình duyên với KT một cách bền chặt, dài lâu, vĩnh cữu chứ không bị đứt gánh giữa đường như Thúy Kiều.
+ “Mối tơ thừa”: với TK thì đó là mối duyên nhưng với Thúy Vân đó là mảnh duyên do chị trao lại, là mối duyên không trọn vẹn => ý thức sâu sắc về sự thiệt thòi của Thúy Vân.
+ “Mặc em”: quyết định phó mặc, dứt khoát, trông cậy mọi việc vào em.
=> Lời Kiều nói với Vân tưởng như chỉ kể lể đơn thuần để Vân hiểu được tình cảnh của mình nhưng thật ra, bên trong đó là cả tấm lòng hiểu mình, hiểu người, hiểu đời và cả những đớn đau, mất mát, chia lìa.
c. Lời Kiều thuyết phục Thúy Vân
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”
• “Ngày xuân”: ẩn dụ cho tuổi xuân của người con gái. Vân vẫn còn trẻ, còn hạnh phúc, còn một tương lai đầy hứa hẹn (đồng thời ngầm so sánh với mình nay chẳng còn gì cả mất đi tình yêu, Kiều xem như mình đã không còn tuổi xuân, hy vọng, không còn hạnh phúc)
• “Xót tình máu mủ”: cách nói bình dân tác động đến tình cảm của TV, hãy vì tình cảm chị em ruột thịt thiêng liêng mà thay chị gánh lấy trách nhiệm nặng nề “thay lời nước non”
• “Thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”: thành ngữ dân gian thể hiện cái chết để ràng buộc em (nghĩa tử là nghĩa tận). Thúy Kiều sẽ thanh thản, toại nguyện vì dẫu chết vẫn mang tiếng thơm bởi là người có tình nghĩa. Đồng thời nàng mơ hồ nhận ra tương lai tăm tối đang chờ đợi mình phía trước, đó là dự cảm về cái chết đang chờ đợi.
=> Với cách nói đầy thương cảm, thống thiết, Kiều đã đưa ra những lý lẽ rất thuyết phục, vừa có lý vừa có tình để TV nhận lời trao duyên. Lúc này, con người lý trí đã chiến thắng những đau đớn, yêu thương đang trỗi dậy trong lòng.
2. Trao kỉ vật cho Thúy Vân và dặn dò những chuyện sau này
a. Trao kỉ vật
– Lí trí mách bảo: quyết định trao kỉ vật
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung”
+ Chiếc vành: chiếc vòng xuyến đeo tay của những thiếu nữ, là tín vật kỉ niệm mà KT đã tặng nàng.
+ Bức tờ mây: tờ giấy có trang trí hình mây ghi lời thề nguyền đôi lứa
=> Những kỉ vật gắn bó với tình yêu sâu đậm giữa Kim – Kiều. Kiều quyết định trao kỉ vật là hành động thể hiện sự dứt khoát trao duyên cho em, để thuyết phục, tạo niềm tin cho em và sự giải phóng cho mình : LÍ TRÍ
– Con tim trù trừ, do dự:
+ Nhìn thấy kỉ vật, bao kỉ niệm, tình yêu bỗng ùa về. Trao kết kỉ vật nghĩa là hoàn toàn đoạn tuyệt với mối duyên này, kể từ giây phút đó chàng Kim sẽ vĩnh viễn không thuộc về nàng nữa => Nhận thức đầy đủ nỗi mất mát của tình yêu tan vỡ.
+ Trong đau đớn tột cùng, Kiều cố gắng giữ lấy một chút an ủi nhỏ nhoi
• “giữ” không có nghĩa là trao hẳn, chỉ là “giữ” mà thôi
• “của chung”: Kỉ vật đó giờ là của chung 3 người, Kiều vẫn lưu luyến, níu kéo, vẫn muốn có sự tồn tại, hiện diện của mình trong những kỉ vật đó
=> Kiều có thể trao em chữ “duyên”(nhân duyên, duyên phận, cơ duyên: sự run rủi cho số phận hai người gặp nhau, kết đôi với nhau và lấy nhau), còn chữ “tình” thì không thể trao đi. Trao kỉ vật nhưng không thể trao hồn kỉ vật.
<=>Lí trí đã quyết nhưng con tim vẫn trù trừ do dự. Con tim muốn níu giữ tình yêu còn lí trí buộc phải dứt tình. Điều này khiến nàng thêm đau đớn, giằng xé tâm can.
b. Tâm trạng sau khi trao kỉ vật
Trao duyên xong, Kiều dường như đã chết:
– Hình ảnh cõi âm hiện lên nửa thực nửa mộng: cách mặt khuất lời, dạ đài, người mệnh bạc, người thác oan, thân bồ liễu … => tâm trạng đau đớn tột cùng khiến con người rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh, chỉ nhìn thấy phía trước một màu tăm tối của cái chết, của đau đớn, của oan khuất, cô đơn.
– Lời của Kiều là lời của một oan hồn mệnh bạc, âm dương cách trở, không nói được lời nào:
• Nhắc đến những kỉ niệm ngày xưa đầy xót xa “mảnh hương nguyền, phím đàn”, “lò hương”…trong đêm thề hẹn
• Hình dung oan hồn bơ vơ, thê thảm của mình: ngọn gió vật vờ nơi lá cây ngọn cỏ
• Khao khát nhận được sự đồng cảm nơi người còn sống: “Dạ đài…thác oan”: bấy giờ, Kiều và Vân sẽ thuộc về hai thế giới cách biệt, không thấy được nhau và nghe được nhau. Khi đó, Kiều mong em có thể rảy chén nước rửa nỗi oan khuất của Kiều => Trong hoàn cảnh ấy, Kiều vẫn ý thức sâu sắc về nỗi oan khuất của mình và đấu tranh đến cùng với sự bất công của xã hội phong kiến đương thời.
• Khát vọng trả món nợ nghĩa tình “Hồn còn…trúc mai” àMâu thuẫn trong Kiều: lúc thì cho rằng trao duyên xong sẽ ngậm cười nơi chín suối, khi trở thành oan hồn vẫn muốn đền đáp món nợ tình, lời thề năm xưa “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Rõ ràng đây là tâm lý mâu thuẫn, phức tạp, day dứt => Tư tưởng thủy chung son sắt dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
=>Chới với trước viễn cảnh tương lai, Kiều nửa tỉnh nửa mê, nửa như đang sống, nửa như người đã chết. Nói với em mà lời Kiều như phảng phất từ cõi bên kia đang vọng về.
3. Lời độc thoại nội tâm của Kiều
– Sau khi hoàn tất việc trao duyên, đáng lẽ Kiều phải thấy an tâm, yên lòng đằng này Kiều lại như thấy hụt hẫng, xót xa. Tiếng nói thành tiếng than khóc, nói với em mà như nói với chính mình, rời quên hẳn xung quanh, quên hẳn Vân trước mặt, chỉ còn lời độc thoại nội tâm:
• Ý thức được sự đối lập giữa:
+ Quá khứ: hạnh phúc, viên mãn “muôn vàn ái ân”, ân tình không đong đếm nổi
+ Hiện tại: bi kịch tình yêu tan vỡ, tâm hồn đau đớn nát tan “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”
=> Thúy Kiều nghẹn ngào đau đớn, xót xa trước thực tại, giọng thơ chua chát, cay đắng. Quá khứ giờ đây đã trở thành niềm khát khao mãnh liệt.
=>Bi kịch càng thêm sâu sắc
• Hướng tới Kim Trọng: “Trăm nghìn gửi lạy tình quân” thể hiện sự day dứt, giày vò, đồng thời thấy được tình yêu cao thượng của Thúy Kiều. (Tuy trao duyên cho TV nhưng vẫn thấy mình chịu muôn vàn tội lỗi, cái lạy này là cái lạy tạ lỗi vô cùng thóng thiết. Trong tình cảnh này, Kiều không thể làm gì hơn ngoài sự tạ lỗi với chàng Kim, cái lạy trong đau đớn, xót xa, trách đời, trách mình, đồng thời kết thúc mối tình đầu ngắn ngủi đầy tiếc nuối)
• Ý thức được tình trạng bi kịch của bản thân:
+ “Bạc như vôi”: số phận bất hạnh, cuộc đời bạc bẽo
+ “Nước chảy hoa trôi”:
=> Số phận long đong, lận đận, chịu kiếp dập vùi, trôi nổi trên dòng đời vô định, nhơ nhớp, cuộn xiết không thể nào cứu vãn
=> Thành ngữ thể hiện cảnh xuân đã hết, hoa rụng, tuyết tan, tượng trưng cho tuổi thanh xuân trinh trắng và đẹp đẽ của Kiều chấm dứt từ đây.
• Bi kịch tình yêu đến đỉnh điểm, Kiều thốt lên tiếng kêu xé lòng:
+ Thán từ “ôi hỡi”, nhịp thơ 3/3 như một tiếng nấc đau thương, nghẹn ngào, tiếng kêu than thảng thốt của người phụ nữ tuyệt vọng.
+ Lời gọi được lặp lại một cách trang trọng “Kim Lang”(cách xưng hô thể hiện quan hệ vợ chồng) như một lời kêu cứu tuyệt vọng
+ Điệp từ “thôi” vừa thể hiện sự dằn vặt, vừa xác nhận sự phụ bạc, nhịp thơ ngân dài như tiếng kêu than vọng mãi không có lời đáp
=> Kiều tự cho mình là người phản bội lại tình yêu, qua đó, ta nhận thấy thêm sự vị tha, thủy chung, giàu đức hy sinh của Kiều
=> Cuộc trao duyên kết thúc trong đỉnh điểm nỗi đau, trong tiếng kêu than tuyệt vọng bởi tình yêu tan vỡ nhưng đó cũng là lúc khát vọng tình yêu lên tiếng.
*** Đoạn trích kết lại bằng tiếng kêu xé lòng trong tột cùng đau đớn của Thúy Kiều khi nàng ý thức sâu sắc bi kịch tình yêu tan vỡ của mình. Kiều thương mình thì ít, thương cho chàng Kim thì nhiều. Nàng đã nhận hết mọi trách nhiệm của sự tan vỡ tình duyên về mình. Có thể nói, trong đau khổ tột cùng Kiều vẫn sáng lên vẻ đẹp của một nhân cách cao thượng: ân cần, chu đáo với Kim Trọng mà vẫn tự trách, nàng quên đi bất hạnh của mình để cảm thông cho người khác. Đây là giây phút độc thoại thật nhất, nhân bản nhất.