Nguyễn Trãi là một vị quan nhưng đồng thời cũng là nhà văn, là danh nhân văn hóa lớn của dân tộc. Ông đã góp vào kho tàng văn học trung đại nói riêng và kho tàng văn học Việt Nam nói chung nhiều tác phẩm văn học có giá trị và “Bình Ngô đại cáo” là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Bài cáo được xem là “bản tuyên ngôn độc lập thứ hai” của dân tộc. Đặc biệt, qua đoạn thứ nhất và đoạn hai của bài cáo, người đọc sẽ thấy rõ được luận đề chính nghĩa của dân tộc ta cũng như tội ác man rợ của kẻ thù.
Trước hết, đoạn trích mở đầu tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” đã nêu lên luận đề chính nghĩa và chân lí độc lập dân tộc, đó chính là nền tảng, là tiền cơ sở lý luận xuyên suốt cuộc kháng chiến của quân và dân ta.
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Có thể thấy, “nhân nghĩa” từ xưa đến nay luôn là một phạm trù tư tưởng lớn của Nho giáo, nó thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người trên cơ sở của tình thương và đạo lí. Là một nhà nho, chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo nên nền tảng tư tưởng của Nguyễn Trãi cũng chính là tư tưởng “nhân nghĩa”. Với Nguyễn Trãi, “nhân nghĩa” luôn gắn liền với việc “yên dân” và muốn “yên dân” thì phải trừ bạo để đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, yên bình. Như vậy, có thể thấy, cốt lõi tư tưởng “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi chính là lấy dân làm gốc, làm nền tảng, vì cuộc sống yên ấm, hạnh phúc của nhân dân mà đánh đuổi bọn cường bạo.
Thêm vào đó, tác giả còn nêu lên chân lí độc lập của dân tộc từ ngàn đời nay.
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Chỉ với một đoạn văn ngắn nhưng tác giả Nguyễn Trãi đã gợi lên cả một chặng đường lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc. Cũng như bao dân tộc, quốc gia khác, đất nước, dân tộc Đại Việt chúng ta từ ngàn đời nay có một nền văn hiến lâu đời, có bờ cõi, lãnh thổ riêng và có phong tục, tập quán riêng của hai miền Nam Bắc. Dân tộc ấy đã trải qua các triều đại khác nhau, sánh vai cùng các triều đại phong kiến của phương Bắc. Và với việc đặt các triều đại của dân tộc ta sánh ngang hàng với các triều đại phong kiến Trung Quốc vừa là lời khẳng định nền độc lập, truyền thống của dân tộc vừa thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc của tác giả. Thêm vào đó, để khẳng định chân lí độc lập của dân tộc, tác giả Nguyễn Trãi đã khéo léo kể ra những chiến thắng vang dội, lẫy lừng của quân và dân ta trong lịch sử.
Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Trên cơ sở tiền đề lý luận đã được nêu ra, trong phần tiếp theo của bài cáo, tác giả đã soi chiếu lí luận ấy vào thực tiễn để vạch rõ những tội ác dã man của kẻ thù. Tội ác của bọn giặc trước hơn hết chính là ở việc lợi dụng tình hình rối ren ở trong nước để từ đó chúng lấy cớ và tiến vào xâm lược nước ta.
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng minh thừa cơ gây họa
Bọn gian tà bán nước cầu vinh.
Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi tiến vào xâm lược nước ta chúng còn thi hành hàng loạt chính sách phi nhân đạo, tàn nhẫn.
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Bọn giặc thật tàn nhẫn, chúng giết hại dân lành bằng những hành động rất man rợ, đến cả “dân đen” - những người dân vô tội và cả những đứa trẻ thơ chúng cũng không tha. Bằng việc sử dụng nghệ thuật đảo ngữ, đặt động từ “nướng” và “vùi” lên đầu các câu thơ, dường như tác giả muốn nhấn mạnh thêm sự tàn nhẫn, độc ác của bọn giặc. Cùng với đó, bọn giặc còn tàn sát nhân dân bằng cách đẩy chúng vào những nơi chứa đầy những hiểm nguy, ở những nơi mà người ta biết khi đi sẽ khó lòng có thể trở về được nữa.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc
Cùng với đó, tội ác của giặc còn ở chỗ chúng đã ra sức vơ vét của cải, thuế khóa vô lý và phá hoại môi trường, cảnh quan trên đất nước ta.
Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Và để rồi, tác giả đã khép lại đoạn hai của tác phẩm bằng hai câu thơ giàu hình ảnh và đầy sức ám ảnh về những tội ác mà bọn giặc Minh đã gây ra trên đất nước ta.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Tác giả Nguyễn Trãi đã dùng cái vô hạn, vô cùng của “trúc Nam Sơn” và “nước Đông Hải” để nói về tội ác của kẻ thù. Từ đó, người đọc có thể thấy được tội ác không gì có thể kể hết, có thể diễn tả được của kẻ thù. Và trước những hành động ấy của giặc Minh, nhân dân ta, dân tộc ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài con đường đứng lên để hành động.
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần nhân chịu được?
Tóm lại, với những hình ảnh thơ độc đáo cùng ngôn ngữ sắc sảo, giọng điệu linh hoạt, hai đoạn thơ mở đầu tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” không chỉ nêu lên cho người đọc thấy được luận đề chính nghĩa, chân lí độc lập của dân tộc ta mà qua đó người đọc còn thấy được những tội ác không thể nào tha thứ được của kẻ thù.