Câu 2
“Tổ quốc" - hai tiếng thiêng liêng ấy vang lên trong lòng mỗi con người gợi lên một niềm yêu thương bao hàm tất cả những gì thân yêu và quý báu nhất. Tình yêu Tổ quốc là một tình cảm cao cả, nó cũng vận động không ngừng cùng với lịch sử. Đi qua một thời kì, tư tưởng yêu nước lại mang những dấu ấn riêng biệt. Và trong văn học, tư tưởng lớn ẩy đã làm nên những giá trị bất diệt.
Nói đến Thầy Đồ Chiểu - cái tên trìu mến mà nhân dân miền Nam dùng để gọi nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu - người ta không thể không nhắc tới tình yêu đất nước thiết tha trong tâm hồn ông, trong thơ văn của ông. Bản thân cuộc đời đau khổ và nghị lực của ông đã là một tấm gương chói sáng biểu hiện của tình yêu vĩnh cửu ấy.
Trong văn học trung đại các thời kì trước, lòng yêu nước gắn liền với các khái niệm mang màu sắc chính trị và tôn giáo như sách trời định phận, lãnh thổ, quyền lợi chủ tướng, bản sắc văn hóa... Nguyễn Đình Chiểu yêu Tổ quốc mình bằng tình yêu máu thịt, từ những khái niệm quen thuộc, bình dị, “tấc đất, ngọn rau, bát cam, manh áo”. Phải chăng cuộc sống bấy nhiêu năm giữa lòng yêu thương đùm bọc của nhân dân đã giúp ông thấm nhuần tình yêu Tổ quốc từ những tâm hồn bình dị ấy.
Đặc điểm nổi bật nhất, riêng biệt nhất trong chủ nghĩa yêu nước Nguyễn Đình Chiểu có lẽ là yêu nước gắn liền với thương dân, vì dân. Ông ít nói đến sơn hà xã tắc ở một khái niệm trìu tượng, ông chỉ luôn nhắc đến nhân dân trong tình yêu thương gắn bó với tổ quốc:
Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang
Ghét đời U, Lệ đa đoan
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần
Nếu như cách đó nhiều thế kỉ, Trần Quốc Tuấn căm giận bọn cướp nước “đem thăn dê chó mà bắt nạt tể phụ”, Nguyễn Trãi căm giận ở vị thế của một người làm cha mẹ dân có tấm lòng bao dung, đau xót nhìn lũ giặc “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”, thì Nguyễn Đình Chiểu yêu nước, căm thù quân cướp nước ở chính tấm lòng của một người “dân ấp, dân lân” bình thường nhất mà cũng sâu sắc nhất.
Trong cơn khói lửa binh đao của Tổ quốc xa xưa, trong những loạn li tang tóc dưới vó ngựa xâm lăng, khi nhà vua gọi những trang nam nhi sĩ tử:
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu
Thì giữa thế kỉ XIX Đồ Chiểu tìm thấy ở những người dân quanh năm “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó” ngay xung quanh mình một tấm lòng yêu nước sâu xa hun đúc nên nhiệt huyết giúp họ xông ra giữa chiến trường “làm cho mã tà ma lí hồn kinh, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ” nào đâu còn những hình ảnh “tráng sĩ dưới nguyệt mài gươm” hào hùng, người anh hùng trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu “Ngoài cật có một manh áo vải, trong tay cầm một ngọn tầm vông" cùng đủ sức làm nên những chiến công đáng ngưỡng mộ. Tư thế của một đám đông có sức mạnh vũ bão thật hiên ngang được nhà thơ tạc nện, tràn đầy hào khí. Chính ông là tác giả đầu tiên đưa ảnh hình vốn mờ nhạt của những người dân bình dị lên tầm cao của khí phách anh hùng. Trước ông có lẽ chưa có ai nhắc đến những người dân bình thường với lòng cảm mến và tin tưởng đến thế.
Chủ nghĩa yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu còn vượt ra ngoài nhiều khuôn khổ. Người anh hùng trong văn thơ của ông hành động không chỉ vì hai chữ "trung quân” mà vì “ái quốc”, vì thương dân tộc, giống nòi:
Sớ mật lãnh binh lờ mắt giặc
Bằng son ứng nghĩa thắm lòng dân
Giúp đời dốc trọn ơn nam tử
Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần
Tất cả nhân vật thơ của ông: Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh cùng đều yêu đất nước bằng tình yêu máu thít, sâu sắc, xuất phát từ muôn ngàn điều bình dị trong cuộc sống, và hành động của họ cũng là vì dân, cho dân...
Nguyễn Đình Chiểu vẫn nói đến chúa, đến vua nhưng với một ước vọng thiết tha có một mình chúa:
Chừng nào thánh đế ân soi thấu
Một trận mưa nhuần rửa núi sông
Nhưng ông cũng biết oán trách sự đớn hèn nhu nhược của triều đình, đẩy đất nước vào vòng bi loạn, chia xẻ:
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này
Yêu nước, văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng biến thành những vù khi sắc bén, chiến đấu cho ngày mai độc lập của Tổ quốc.
Ngày nào trời đất an ngôi cũ
Mừng thấy non sông bặt gió Tây
Ngư tiều y thuật vấn đáp của ông chính là một đòn cân não giáng lên sự ươn hèn của lũ gian tham bán nước, cầu vinh.
Người ta nói rằng: Đồ Chiểu là người khai sáng chủ nghĩa yêu nước cận đại, phải chăng vì ông đã đem lại nhiều biểu hiện mới mẻ, tiến bộ cho chủ nghĩa yêu nước. Yêu nước ở trong ông không chỉ là căm thù bè lũ bán nước xót xa cho tình cảnh đất nước đến mức:
Xông hai con mắt bỏ liều cho đui để:
Thà cho trước mắt mù mu
Chẳng thà ngồi thấy kẻ thù quân thân
Mà còn gắn liền với tấm lòng rộng mở yêu thương, trân trọng nhân dân với những chiến công hiển hách:
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia
Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rơi đầu quan hai nọ.
Bước tiến vượt bậc của Đồ Chiểu trong chủ nghĩa yêu nước chính là gắn liền đất nước với nhân dân, với những điều bình thường trong cuộc sống như một nhà văn Nga từng viết: “Dòng suối đổ vào sông. Sông đổ vào đại trường giang Vonga. Đại trường giang Vonga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Chủ nghĩa yêu nước trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là sự kế thừa truyền thống yêu nước tự ngàn năm của dân tộc ta, đồng thời là sự kết tinh của tấm lòng yêu nước trong những người dân bình dị sống quanh ông, bởi thế nó mang tầm cao gần gũi với chủ nghĩa yêu nước ngày nay: yêu nước là yêu những điều xung quanh mình đế có thể sống cho Tổ quốc và chết vì Tổ quốc.
Bao năm đã trôi qua, vẫn còn lại sáng chói với tháng năm, với thời gian, với bao đổi thay của đất nước là tấm lòng Đồ Chiểu bất diệt để muôn đời ngợi ca.