Ở phương Đông nhà nước phong kiến xuất hiện sớm hơn ở phương Tây, do nhu cầu trị thủy, làm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, đoàn kết chống ngoại xâm; và hình thành sớm nhất ở Trung Quốc, từ thế kỷ III trước công nguyên. Tuy nhiên, quá trình phát triển lại rất chậm (Trung Quốc thế kỷ VII – XVI), các nước Đông Nam Á (thế kỷ X – XIV). Quá trình suy vong dài, bởi có sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân nên mâu thuẫn dân tộc, giai cấp đã làm chế độ phong kiến suy yếu, khủng hoảng. Nhân dân phương Đông phải tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chống thực dân, lật đổ phong kiến. Ở phương Tây, chế độ phong kiến xuất hiện muộn hơn (thế kỷ V – X), nó được hình thành sớm nhất đã là thế kỷ V sau công nguyên (ở Tây Âu). Nó phát triển rất nhanh (Thế kỷ XI – XIV) và thời gian suy vong ngắn (Thế kỷ XV – XVI). Ở phương Tây, nhà nước phong kiến ra đời trên cơ sở chế độ chiếm hữu nô lệ đã từng phát triển đến đỉnh cao, quan hệ nô lệ mang tính chất điển hình. Sự hình thành quan hệ phong kiến trong lòng đế quốc La Mã là yếu tố cơ bản, quyết định, công cuộc chinh phục các bộ lạc của người Giécmanh là yếu tố thúc đẩy quá trình phong kiến hóa. Còn ở phương Đông, chế độ phong kiến ra đời trên cơ sở chế độ nô lệ phát triển không đầy đủ, quan hệ nô lệ mang tính chất gia trưởng.