LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nếu là người được chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo trong truyện ngắn của Nam Cao thì em sẽ ghi lại câu chuyện đó như thế nào

nếu là người đc chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo trong truyện ngắn của Nam Cao thì em sẽ ghi lại câu chuyện đó như thế nào

3 trả lời
Hỏi chi tiết
584
1
2
CAT Creater
24/11/2020 21:21:43
+5đ tặng

Từ nhỏ, tôi rất thích đi học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không được đến trường. Khi ông giáo dọn nhà về đây, tôi qua làm quen và nhờ ông giáo chỉ dạy những con chữ. Kể từ đó, tôi trở thành học trò của một ông giáo tốt bụng mặc dù lúc đó tôi cũng đã lớn tuổi. Do thường hay qua nhà ông giáo nên một lần tôi được chứng kiến câu chuyện hết sức xúc động: lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo. Bạn có thể nghĩ: “Có gì to tát đâu, chỉ là bán một con chó thôi mà!”. Nhưng bạn ơi, nếu bạn hiểu về hoàn cảnh sống và phẩm chất của lão Hạc thì hẳn bạn sẽ hiểu vì sao đây là một câu chuyện mà dù nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nào quên.

Tôi vẫn nhớ như in hôm ấy! Khi đang ngồi trò chuyện cùng ông giáo thì bất chợt thấy lão Hạc từ đằng xa đi lại. Cả cái làng này ai cũng biết lão Hạc – một lão nông già có hoàn cảnh hết sức đáng thương.Lão Hạc rất nghèo, vợ lão mất, lão sống cô độc, chỉ có con chó Vàng làm bạn. Con trai lão vì nghèo, không lấy được vợ đã phẫn chí bỏ làng đi xa. Lão ở nhà chờ con về, làm thuê để sống. Dù đói, lão quyết không bán đi mảnh vườn và ăn vào tiền dành dụm do “bòn vườn”, lão giữ cả lại cho con trai. Nhưng một trận ốm dai dẳng, lão không còn sức đi làm thuê nữa. Và mấy ngày nay, tôi cũng ít thấy lão. (tóm tắt hoàn cảnh lão Hạc)

Thế mà, có ngờ đâu, hôm nay trông lão tiều tụy quá. Dáng đi thất thiểu như một người không còn sức sống. Da lão xanh xao, vàng vọt, gương mặt sầu khổ và vừng trán hiện lên rất nhiều nếp nhăn. Mái tóc lão bạc phơ, trông xơ xác quá. Nhìn thấy lão như thế ai mà không chạnh lòng cho được. Mà hình như lão có chuyện gì đó thì phải?! (miêu tả và biểu cảm)

Đúng như dự đoán, vừa bước vào nhà, thấy chúng tôi, lão báo ngay:

- Cậu Vàng đi đời rồi, các bác ạ!

- Cụ bán rồi? – Ông giáo hỏi với vẻ ngạc nhiên.

- Bán rồi! Họ vừa bắt xong. – lão trả lời giọng như có vật gì trong cổ họng.

Rồi sau đó, lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước. Thấy thế, trong chúng tôi, ai muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc, vì chúng tôi hiểu lão quý “cậu vàng” như thế nào. Thật ái ngại cho lão Hạc làm sao. Như để thay đổi không khí trầm lắng, ông giáo hỏi lão Hạc:

- Thế nó cho bắt à?

Sau câu hỏi của ông giáo, tôi bỗng thấy mặt lão đột nhiên co rúm và những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc... Tội nghiệp cho lão! Như muốn bộc lộ nỗi lòng dằn vặt, lão chợt thốt lên:

- Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi ; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng : “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

Rất khéo léo, ông giáo vội an ủi lão:

- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác.

Thế nhưng, lão chua chát bảo:

- Ông giáo nói phải! Kiếp cho chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn...

Tôi cũng bùi ngùi nhìn lão, chua chát nói:

- Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng chúng tôi sung sướng hơn chăng?

- Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng.

Lão cười và ho sòng sọc. Ông giáo nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo:

- Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào... Thế là sướng.

- Vâng! Ông giáo dạy phải! Ðối với chúng mình thì thế là sung sướng.

Lão nói xong lại cười đưa đà. Tiếng cười gượng nhưng nghe đã hiền hậu lại. Chúng tôi đều nhẹ người hẳn lại.

Tôi vui vẻ bảo:

- Thế là được, chứ gì? Vậy cụ ngồi xuống đây, nói chuyện với thầy tôi, để tôi đi luộc khoai, nấu nước.

- Nói đùa thế, chứ ông giáo và bác để khi khác vậy?...

Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì câu nói của lão. Hình như lão có chuyện gì chăng???

- Việc gì còn phải chờ khi khác?... Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại cụ ơi. Cụ cứ ngồi xuống đây đi ạ! Tôi làm nhanh lắm!

- Ðã biết thế, cảm ơn bác, nhưng tôi còn muốn nhờ ông giáo một việc...

Rồi tự dưng mặt lão nghiêm trang lại...

- Việc gì thế, cụ? – Ông giáo nhẹ nhàng hỏi.

- Ông giáo để tôi nói... Nó hơi dài dòng một tí.

- Vâng, cụ nói.

- Nó thế này, ông giáo ạ!

Tôi cũng thôi nấu khoai, ngồi xuống cùng ông giáo nghe lão Hạc kể. Lão kể nhỏ nhẹ và dài dòng thật. Nhưng đại khái có thể rút vào hai việc. Việc thứ nhất: Lão thì già, con đi vắng, vả lại nó cũng còn dại lắm, nếu không có người trông nom cho thì khó mà giữ được vườn đất để làm ăn ở làng này. Thầy của tôi là người nhiều chữ nghĩa, nhiều lý luận người ta kiêng nể, vậy lão muốn nhờ thầy cho lão gửi ba sào vườn của thằng con lão, lão viết văn tự nhượng cho thầy tôi để không ai còn tơ tưởng dòm ngó đến; khi nào con lão về thì nó sẽ nhận vườn làm, nhưng văn tự cứ để tên thầy tôi cũng được,... Việc thứ hai: Lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào : con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt. Lão còn được hăm nhăm đồng bạc với năm đồng vừa bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi thầy để lỡ có chết thì thầy đem ra, nói với hàng xóm giúp, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả... Ôi lão Hạc quả thật xứng đáng để người ta kính trọng và yêu quý. Sau đó, lão về. Chúng tôi nhìn theo dáng gầy gò của lão mà không cầm được nước mắt. Rồi lão sẽ sống ra sao những ngày tháng sau này?... Cuộc đời sao mà thật đáng buồn!!!

Nhìn đời sống hạnh phúc ấm no và khá đầy đủ của người nông dân thời bây giờ, tôi chợt chạnh lòng xót xa cho số phận cùng cực khổ đau mà người nông dân trong xã hội cũ âm thầm gánh chịu. Câu chuyện tôi chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó mãi mãi in sâu vào trong tâm trí cũng như làm sao tôi có thể quên hình ảnh người nông dân nghèo nhưng giàu tình cảm, giàu lòng tự trọng, yêu thương con – Lão Hạc!

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
1
Đỗ Chí Dũng
24/11/2020 21:22:16
+4đ tặng

Năm nay tôi đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng mỗi lần nghe đứa cháu nội hỏi về chuyện xưa khi minh còn nhỏ được chứng kiến ngày giặc Pháp đô hộ và câu chuyện Lão Hạc trong sách giáo khoa Ngữ văn 8 cháu học là có thật không, thì lòng tôi lại trào lên bao cảm xúc với kỷ niệm về người hàng xóm già. Đó chính là nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao. Ký ức sâu đậm về lần ông lão kể chuyện bán chó cho thầy Thứ của tôi cứ hiện lên mồn một.

Ngày ấy tôi mới lên mười, xã hội hỗn loạn, nay thấy đánh nhau chỗ này, mai thấy Tây đi càn chỗ kia. Thầy giáo Thứ đang dậy chúng tôi lớp đệ nhị ở trường làng bên, phải cho đám trò nghỉ. Tôi không biết vì sao, chỉ thấy người ta láo pháo đồn rằng thầy tôi ghét Tây, ngán cảnh chúng dòm ngó trường lớp nên cho chúng tôi nghỉ.

Ngày ngày thầy vẫn sang nhà lão Hạc trò chuyện với ông cụ. Tôi ở gần hay sang qua lại cùng thầy lúc giúp lão dọn nhà, lúc đùa nghịch với con chó Vàng. Không ngờ những chuyện thật về lão Hạc lại được thầy giáo tôi viết thành câu chuyện cảm động đến thế. Cái cảnh lão Hạc kể với thầy tôi về chuyện bán chó là lúc tôi chứng kiến tất cả.

Chả là hôm ấy, tôi đang giúp thầy nhặt đống khoai và lân la hỏi thầy về mấy chữ Hán khó hiểu. Thầy đang giảng cho tôi thì thấy lão Hạc tiến vào. Cái dáng điệu gầy gò của lão, hôm nay trông buồn thảm quá. Vừa nhìn thấy thầy Thứ, lão đã báo ngay:

- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

- Cụ bán rồi?

- Bán rồi! Họ vừa bắt xong.

Lão Hạc cố làm ra vẻ vui vẻ nhưng tôi thấy lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước. Thầy tôi chắc cũng ái ngại cho lão nên chỉ ôm đôi bờ vai lão vỗ nhẹ như đồng cảm. Tôi thấy đôi mắt của thầy Thứ cũng như muốn khóc. Thầy hỏi lão Hạc:

- Thế nó cho bắt à?

Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những nếp nhăn xô lại với nhau ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...

- Khốn nạn... Ông giáo ơi!... Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy, hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục và thằng Xiên, hai thằng chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bây giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết!... Này! ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ nằm im như trách tôi, nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo rằng "A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này à?". Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

Thầy Thứ lại an ủi lão:

- Cụ cứ tưởng thế chứ nó chẳng hiểu gì đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt! Ta giết nó chính là ta hoá kiếp cho nó đấy. Hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác.

Lão Hạc chua chát bảo:

- Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra nó sung sướng hơn một chút... Kiếp người như tôi chẳng hạn!...

Câu nói của lão làm tôi bùi ngùi, thầy Thứ hạ giọng:

- Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?

- Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?

Lão cười và ho sòng sọc. Thầy tôi nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo:

- Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: Bây giờ cụ ngồi xuống phản chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc, ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào... thế là sung sướng.

- Vâng! Ông lão dậy phải! Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.

Lão nói xong lại cười đưa đà. Tiếng cười gượng nhưng nghe đã hiền hậu lại, thấy vậy tôi te tái đứng lên:

- Thầy để con đi luộc khoai thầy nhé.

- Ừ, luộc giúp thầy, nhặt những củ to ấy, để thầy pha nước mời ông xơi. - Thầy tôi nhắc nhở.

- Nói đùa thế chứ ông giáo cho để khi khác... Lão Hạc ngần ngại.

- Việc gì còn phải chờ khi khác... Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại, cụ cứ ngồi xuống đây.

Tôi đi luộc khoai. Thầy Thứ và lão Hạc ngồi nói chuyện lâu lắm, thầy tôi là người nhiều chữ nghĩa, hiểu biết và thương người nên có chuyện gì lão Hạc cũng tâm sự và sẻ chia.

Vừa luộc khoai, tôi vừa nghĩ về lão Hạc nhiều lắm. Tôi thương lão, con người già cả cô đơn nhưng ai cũng quý lão bởi lão sống lương thiện và nhân hậu. Tôi biết lão quý con Vàng của mình lắm vì nó là kỷ vật của anh con trai lão để lại mà. Tôi hiểu vì bần cùng lão mới làm như vậy.

Đã 60 năm, đất nước đổi thay chế độ, lão Hạc không còn, cuộc sống của người nông dân ngày nay đã khác. Nhưng hình ảnh lão Hạc đau đớn vì bán con chó cứ ám ảnh tôi mãi. Đó là kỷ niệm một thời khổ đau của đất nước mà người nông dân phải chịu nhiều cơ cực nhất. Nhưng chính trong hoàn cảnh đó tôi hiểu hơn về họ, về tình yêu thương chia sẻ của người thầy giáo tôi với những con người khốn khổ, về nhân cách và vẻ đẹp của người nông dân.

1
0
Esther
24/11/2020 21:23:56
+3đ tặng

Thời gian trôi qua mau, những năm tháng khổ cực ngày xưa đã lùi vào quá khứ. Vậy mà mỗi lần cô cháu gái 14 tuổi tò mò hỏi tôi câu chuyện Lão hạc trong sách giáo khoa của nó tôi lại không kìm được xúc động. Sáng nay, con bé vô tình hỏi tôi cảnh lão Hạc bán chó. Câu chuyện hôm ấy chợt hiện về trong trí nhớ.

     Thời ấy, người có học thức không nhiều nên mọi việc giấy tờ đều qua chỗ ông giáo cả. Nhà tôi với ông giáo là chỗ thân quen nên hay nhờ vả ông. Năm ấy, tôi mới 7 tuổi. Một hôm, thầy u bảo tôi sang nhờ ông viết một lá đơn xin cho chị tôi đi làm ở đâu đó. Tôi lon ton chạy đi, thầm nghĩ sẽ hỏi ông bài thơ mới học lén được hôm qua.

     Sang nhà ông giáo được một lúc, khi tôi đang chăm chú nghe ông giảng giải thì thấy lão Hạc từ phía ngõ đi vào. Tôi nhìn dáng đi của lão, chợt thấy thương lão vô cùng. Lão Hạc là một lão nông già nghèo khổ, vợ mất, lão sống cô độc, chỉ có con chó Vàng làm bạn. Con trai lão vì không lấy được vợ đã bỏ làng đi đồn điền cao su. Lão hay đi làm thuê nhưng từ bận ốm nặng, tôi cũng ít thấy lão. Lão tiều tụy hẳn đi, thất thểu đi đến. Tôi biết lão và ông giáo rất hay trò chuyện nên chào hỏi rồi chạy xuống bếp với vợ ông giáo.

     Tôi lễ phép chào bà giáo rồi ngồi đó, vừa đăm chiêu suy nghĩ câu thơ vừa rồi vừa lắng nghe câu chuyện của hai người. Tôi nghe giọng lão Hạc thốt lên:

- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

- Cụ bán rồi?  Tôi nghe tiếng ông giáo đáp lại

- Bán rồi! Họ vừa bắt xong.

     Nghe đến đây tôi ngạc nhiên ghé mắt qua cánh cửa hơi khép, không tin được lão đã bán con Vàng. Lão coi nó như con ruột, làm sao có thể? Nhưng nhìn khuôn mặt lão, tôi chợt hiểu. Lão Hạc cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt thì ầng ậng nước.

- Thế nó cho bắt à? Ông giáo vỗ vai lão và hỏi.

     Qua khe hở, tôi thấy mặt lão đột nhiên co dúm lại, những vết nhăn xô lại ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Rôi lão hu hu khóc...

 - Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

     Giọng lão run run, không kiềm chế được mà hòa trong tiếng khóc. Bất giác, tôi cũng thấy lòng mình nặng trĩu. Mấy hôm trước, tôi còn thấy con Vàng quanh quẩn ở cửa nhà lão. Chắc chẳn lão khổ tâm lắm.

     Tiếng ông giáo lại vang lên cắt đứt suy nghĩ của tôi:

- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác.

     Tiếng lão Hạc cất lên chua chát:

- Ông giáo nói phải! Kiếp cho chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn...

- Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng chúng tôi sung sướng hơn chăng?

- Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng

     Hai người đối đáp qua lại, tôi nghe hiểu câu được câu không, chỉ thấy thương lão Hạc phải cô độc một mình.Mãi sau, tôi nghe tiếng ông giáo ôn tồn:

- Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào... Thế là sướng.

- Vâng! Ông giáo dạy phải! Ðối với chúng mình thì thế là sung sướng.

     Sau đó, ông giáo và lão Hạc còn nói thêm chuyện gì đó nhưng tôi không theo dõi nữa. Trong đầu tôi chỉ băn khoăn, chua xót cho câu chuyện của lão Hạc. Lão đã già rồi mà vẫn phải sống trong đau khổ, lão vẫn chờ con trai trở về.

     Rồi bất ngờ, lão lựa chọn cách ra đi. Mãi tới luc ấy, tôi mới hiểu kiếp người khổ cực của lão và của biết bao người nông dân thời bấy giờ. Câu chuyện bán chó của lão Hạc đã qua đi nhiều năm, song hình ảnh người nông dân giàu tình yêu thương, lòng tự trọng ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi.



 

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập Ngữ văn Lớp 8 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư