Ngược dòng thời gian, quay lại nước Nga năm 1917, nước Nga đã đứng trước tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ và sự đổ vỡ, đế quốc Nga tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất của chủ nghĩa đế quốc và nằm trong khối đồng minh cùng với Anh, Pháp… nhằm phân chia lại thuộc địa và sự ảnh hưởng của hai phe đế quốc nhưng liên tiếp thua trận, thiếu vũ khí, thiếu lương thực trầm trọng, đẩy nhân dân vào con đường đói khổ. Nhân dân Nga chán ghét chiến tranh đế quốc, chán ghét chế độ Nga Hoàng. Tháng 2 theo lịch Nga năm 1917, Nga hoàng bị lật đổ, giai cấp tư sản lên nắm quyền. Nhưng, giai cấp tư sản đã phản bội nhân dân, những người làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng đó. Trong khi đó, các nghị quyết Đại hội của xã hội chủ nghĩa quốc tế như: "Đại hội Stutga (1907), Copenhagen (1910), Balơ (1912) đã xác định sách lược của những người xã hội chủ nghĩa trong điều kiện có chiến tranh, đề ra chủ trương lợi dụng khủng hoảnh kinh tế và chính trị để làm cách mạng, lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa" [8, tr.44]. Tuy nhiên, Chính phủ lâm thời tư sản không thể và không muốn giải quyết một vấn đề nào trong số những vấn đề mà cách mạng đề ra, "nó không thể mang lại hoà bình, bánh mì cũng như ruộng đất cho nhân dân", không thể khắc phục nổi sự phá sản về kinh tế đang ngày càng trầm trọng thêm. Mặt khác, Lê-nin cũng nhận định "nhiều thủ lĩnh quốc tế xã hội đã quên đi, đã phản bội giai cấp công nhân, đã ủng hộ giai cấp tư sản tiến hành chiến tranh ăn cướp giữa các nước" [8, tr.55]. Trước tình thế như vậy, V.I. Lê-nin và những người cộng sản chân chính đã quyết định tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Mười và đã giành thắng lợi vang dội khắp toàn cầu, làm nức lòng hàng triệu trái tim của những người cần lao bị áp bức trên toàn thế giới. Sự thắng lợi đó do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không thể không nói đến vai trò của V.I. Lê-nin, vai trò ấy thể hiện qua những nội dung cốt lõi sau đây:
Thứ nhất, vai trò của V.I. Lê-nin đối với việc thành lập chính đảng của giai cấp công nhân.
Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác đã được bảo vệ và phát triển, V.I. Lê-nin nhận thấy, cách mạng muốn thắng lợi phải có Đảng lãnh đạo. Đó là những con người ưu tú được tuyển chọn từ các phong trào quần chúng, có khả năng tập hợp lực lượng và đề ra những chủ trương đúng đắn lãnh đạo cách mạng. Do vậy, vào tháng Giêng năm 1912, Hội nghị đại biểu lần thứ VI toàn Nga và được xem như một Đại hội, họp tại Praha nhằm phục hồi Ban Chấp hành Trung ương, củng cổ tổ chức Đảng và đoàn kết nội bộ. Tại đây, Người đã tiến hành thành lập một đảng mác-xít chân chính, đảng Bôn-sê-vích và được đông đảo người dân Nga ủng hộ, tán thành. Từ thời điểm lịch sử này, dưới sự lãnh đạo của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga (Bôn-sê-vích), phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã bước vào thời kỳ phát triển một cao trào mạng mới. Dưới sự lãnh đạo của Người, đảng Bôn - sê - vích đã biết hoà cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân vì chủ nghĩa xã hội, phong trào toàn dân vì hoà bình, cuộc đấu tranh của nông dân vì ruộng đất, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của những dân tộc bị áp bức ở Nga vào cùng một dòng thác cách mạng và Đảng đã biết hướng toàn bộ những lực lượng ấy vào việc đánh đổ chủ nghĩa tư bản, các thế lực phản cách mạng và thực sự đã giành được những thắng lợi vang dội. Có thể khẳng định, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi gắn liền với vai trò tổ chức và lãnh đạo của Ðảng Bôn-sê-vích do V.I. Lê-nin thành lập và lãnh đạo.
Thứ hai, tư duy uyên bác của V.I. Lê-nin trong việc xác định đường lối sách lược cách mạng rõ ràng cho Cách mạng Tháng Mười.
Về lực lượng cách mạng: Người đã tập hợp đông đảo quần chúng đứng về phía những người Bôn - sê - vích. Người đã vạch trần tính chất đế quốc chủ nghĩa của chiến tranh, bản chất phản nhân dân của Chính phủ lâm thời và của các đảng tư sản, những kẻ ra sức kéo dài chiến tranh, cũng như của các đảng tiểu tư sản - bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng và bọn Men - sê - vích là những kẻ tiếp tay cho Chính phủ lâm thời và các đảng tư sản trong việc lừa dối quần chúng nhân dân. Người đã vạch ra rằng lối thoát duy nhất ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa là cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nông dân nghèo để giành lấy chính quyền thông qua các Xô viết. Lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản ở nước Nga, thiết lập nền chuyên chính vô sản và nêu một tấm gương thực tiễn cho công nhân các nước khác - đó chính là thực chất của cuộc đấu tranh của công nhân Nga vì hoà bình.
Về liên minh giai cấp: Để cách mạng nổ ra và giành thắng lợi trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc thì nhất định phải có sự liên minh giữa các giai tầng xã hội. Người chỉ ra rằng: "Không có sựu đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiên phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được"[4, tr. 251]. Lê-nin cũng chỉ rõ một trong những điều kiện quan trọng để đánh thắng giai câp tư sản là giai cấp vô sản phải tạo được sự liên hệ gần gũi với đông đảo quần chúng, Người yêu cầu các đảng cách mạng phải biết: "liên hệ, gần gũi và có thể nói là hoà mình tới một mức độ nào đó với quần chúng lao động rỗng rãi nhất, trước hết là với quần chúng vô sản, nhưng cũng cả với quần chúng lao động không phải là vô sản"[5, tr.8]. Để thúc đẩy phong trào đấu tranh, V.I. Lê-nin xem việc thiết lập liên minh bền vững của công nhân và nông dân nghèo trong cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội là một đảm bảo vững chắc nhất để giải quyết đúng đắn vấn đề ruộng đất, phát triển có hiệu quả cuộc cách mạng ở nông thôn. Người chỉ ra rằng "không có sự đoàn kết đó thì không thể nào đánh bại bọn tư bản được. Và nếu chúng không bị đánh bại, thì việc đưa lại ruộng đất cho nông dân cũng sẽ không chấm dứt được cảnh nghèo khổ". Và do vậy, Lê-nin đặt biệt chú ý đến liên minh của công nhân và nông dân ở nước Nga, cho rằng cái quyết định phần lớn vận mệnh của công cuộc cải tạo mạng của nước Nga lúc bấy giờ là vị trí, vao trò của người nông dân.
Về mục tiêu, đường lối cách mạng: Mục tiêu, đường lối cách mạng được V.I. Lê-nin nêu trong “luận cương tháng Tư” và các Luận cương Đảng Cộng sản, Người đã vạch ra đường lối rõ rệt cho cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Luận cương đã đề ra mục tiêu và đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu "Toàn bộ chính quyền về tay các Xô viết", đề ra mục tiêu lật đổ chính phủ lâm thời do Alexander Kerensky đứng đầu, chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa – đó là tư tưởng lớn của V.I. Lê-nin. Quan điểm này của Lê-nin đã được hiện thực hoá bằng thắng lợi của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, đồng thời cũng là đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê-nin.
Thứ ba, là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Cách mạng Tháng Mười Nga và tuyên bố thành lập chính phủ Xô Viết.
Cuối tháng 7-1917, khi mâu thuẫn giữa đại đa số nhân dân với Chính phủ lâm thời đã trở nên gay gắt, những người Bô-sê-vích bí mật tổ chức Đại hội Đảng, thông qua phương hướng mới của cuộc đấu tranh cách mạng mà Xta-lin, theo chỉ thị của V.I. Lê-nin, đã báo cáo: "Phát động đấu tranh vũ trang giành chính quyền". Lúc này, từ Phần Lan, nơi V.I. Lê-nin tạm lánh, V.I. Lê-nin vẫn theo dõi sát diễn biến của tình hình và đề ra những chỉ thị cho Trung ương Đảng chuẩn bị khởi nghĩa. V.I. Lê-nin nhận định được tình thế cách mạng. Người nói: Những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi đã chín muồi; giai cấp tiên phong đã sẵn sàng, nhân dân đã giác ngộ quyền lợi và đang hăng hái tham gia cách mạng; hàng ngũ địch đã phân hoá, tầng lớp trung gian đã ngả theo cách mạng...
Ngày 7 tháng 10, Lê-nin bí mật trở về Pê-tơ-rô-grat, trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Tại đây, một Uỷ ban Quân sự cách mạng của Xô viết Pê-tơ-rô-grat được thành lập làm Bộ tổng tham mưu chính thức của cuộc khởi nghĩa. Lực lượng chính là Hồng vệ đội gồm 23 nghìn người vũ trang, ngoài ra còn có sự giúp sức của thuỷ quân Ban-tích được trang bị nhiều vũ khí hiện đại tham gia cuộc cách mạng.
Chuẩn bị xong, Đảng quyết định khởi nghĩa vào ngày 25-10 tức là ngày khai mạc Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai ở Pê-tơ-rô-grát. Nhưng bọn phản bội trong đó có hai tên là Tơ-rô-xki và Ca-mê-nhép làm lộ ngày khởi nghĩa, chính phủ Kê-ren-ki vội vã bố trí dập tắt phong trào. Chúng cho điều động quân đội ở mặt trận về (43 tiểu đoàn xung kích) tập trung ở thủ đô và ra lệnh cắt đứt các cầu nối các khu lao động với trung tâm thành phố. Sáng sớm 24-10 bọn phản cách mạng kéo đến trụ sở tờ báo Đảng định tịch thu số báo sắp ra nhưng công nhân đánh lui được chúng và tờ báo vẫn phát hành mang lời kêu gọi khởi nghĩa đến nhân dân trong thành phố.
Trước tình hình khẩn cấp của cách mạng, V.I. Lê-nin ra lệnh khởi nghĩa ngay ngày 24-10 để làm bất ngờ kẻ thù. Lê-nin chỉ thị: “Cuộc khởi nghĩa phải nổ ra ngay đêm nay chứ không phải ngày mai". Ngay đêm ấy, Lê-nin đến điện Xmôn-nưi, nắm quyền chỉ huy. Suốt đêm các đơn vị rầm rập kéo đến Xmôn-nưi, nhận lệnh toả đi đánh chiếm các khu vực đầu mối, các công sở, tổng đài điện thoại, ngân hàng quốc gia, các nhà ga...
Sáng 25-10, Hồng vệ đội, thuỷ và lục quân theo cách mạng bao vây Cung điện Mùa đông, trụ sở và là nơi ẩn nấp cuối cùng của chính phủ lâm thời. Cuộc chiến đấu diễn ra đến 2 giờ sáng hôm 26-10 thì chấm dứt. Toàn bộ chính phủ lâm thời đã bị bắt. Chính phủ công- nông do V.I. Lê-nin đứng đầu đã ra đời. [7]
Quyết định khởi nghĩa trong tình huống cấp bách đó của Lê- nin là một quyết định lịch sử thể hiện trí tuệ thiên tài và bản lĩnh của V.I. Lê-nin. Chính nhờ việc xác định và chớp đúng thời cơ mà cuộc cách mạng đã nhanh chóng thắng lợi mà không gặp tổn thất nào đáng kể.
Thứ tư, vai trò của V.I. Lê-nin trong việc bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền Xô Viết.
Với thắng lợi của cách mạng tháng Mười, Đảng Bôn-sê-vích đã lên nắm quyền lãnh đạo nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Đây là nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng gặp rất nhiều những khó khăn, thách thức trong việc "thiết lập và củng cố nhà nước Xô viết, tổ chức bảo vệ chính quyền, bảo vệ tổ quốc của nhân dân lao động, cải thiện những quan hệ quốc tế đối vớ giai cấp công nhân và với tất cả các chính phủ nước ngoài, bước đầu thử nghiệm những cải tạo xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa" [8, tr. 58]. V.I. Lê-nin xác định: Giành chính quyền đã khó, giữ vững chính quyền càng khó hơn. Để bảo vệ nhà nước còn non trẻ, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài nên sau khi giành được chính quyền, V.I. Lê-nin đã trực tiếp đề ra các chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga, đưa đất nước và nhân dân Nga vượt qua những khó khăn, thử thách. Những chính sách ấy có thể kể đến là:
Về văn hóa - xã hội, Chính phủ công - nông - binh do V.I. Lê-nin đứng đầu đã long trọng công bố hai sắc lệnh nổi tiếng về hòa bình và ruộng đất, công bố những chính sách cơ bản như quốc hữu hóa nhà máy, công xưởng và do công nhân làm chủ; thực hiện ngày làm việc tám giờ, giáo dục không mất tiền, chữa bệnh không mất tiền, nam nữ bình quyền, các dân tộc bình đẳng, bảo hiểm xã hội, tự do tín ngưỡng... Ðó là những hình ảnh đầu tiên của chế độ mới, tạo nên động lực to lớn trong bảo vệ và xây dựng nước Nga Xô-viết.
Về chính trị, quân sự, nước Nga do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản rút khỏi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất của chủ nghĩa đế quốc. Nhưng, hậu quả của chiến tranh quá nặng nề, lại xuất hiện tình huống mới chống lại bọn bạch vệ và sự can thiệp vũ trang của các nước đế quốc muốn bóp chết nhà nước Xô-viết non trẻ, cho nên nước Nga đã phải áp dụng chính sách cộng sản thời chiến, đồng cam cộng khổ, để giành thắng lợi.
Về kinh tế, khi tình thế đã ổn định, chính quyền Xô-viết được bảo vệ, Lê-nin nhanh chóng xóa bỏ chính sách cộng sản thời chiến, cùng các nước trong Liên Xô (tên đầy đủ là Liên bang các nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết) thực hiện chính sách kinh tế mới, làm cho nền kinh tế Liên Xô phục hồi nhanh chóng, đời sống nhân dân được cải thiện, kinh tế Nga nói riêng, kinh tế Liên Xô nói chung phát triển chưa từng thấy, đạt những thành tựu kỳ diệu. Chỉ trong mười năm, một nước kiệt quệ về kinh tế, đã trở thành một nước có tiềm lực về kinh tế khá vững chắc. Di sản mà Người để lại cho Stalin và nhân dân Nga là một đất nước hòa bình, ổn định về chính trị, kinh tế đang trên đà tăng tốc trở lại, toàn dân đồng tâm nhất trí, một việc mà không phải lãnh tụ nào cũng làm được.
Thay lời kết: Đã hơn một trăm năm trôi qua, tính từ ngày diễn ra cách mạng tháng Mười. Theo dòng chảy thời gian, mọi việc rồi sẽ lùi dần vào quá khứ theo quy luật tất yếu của nó. Tuy nhiên, khi nhắc đến những ngày tháng Mười năm ấy, người dân Nga cũng như những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới không thể quên được công lao của một vị lãnh tụ thiên tài, có tầm nhìn xa, trông rộng, có tính quyết đoán và nghị lực phi thường đã tạo được bước ngoặc trong lịch sử nhân loại, tác động mạnh mẽ đến phong trào giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, đưa loài người tiến lên giai đoạn mới, giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. V.I. Lê-nin, Người đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nhân loại cuối thế XIX, đầu thế XX. Nhận định điều này, Hồ Chí Minh đã viết những dòng xúc động về tấm gương đạo đức vĩ đại của V.I.Lê-nin: "Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy đã có ảnh hưởng lớn lao với các dân tộc châu Á và đã khiến cho con tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi" [1, tr.295]; và "người dũng cảm nhất là V.I. Lê-nin. Chỉ có V.I. Lê-nin vậy thôi cũng đủ để làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình nói với nước đó và lãnh tụ nước đó... Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội".[1, tr. 236-237]./.