Tết Nguyên đán (Tết cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay. Ngày Tết là dịp để mọi người thể hiện sự ấm no hạnh phúc, là ngày gia đình sum vầy, quây quần bên nhau: gói chiếc bánh chưng, trông nồi nước luộc… hay đơn giản chỉ là ngồi với nhau trong bữa cơm gia đình ấm áp. Tết cũng là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội (Cúng lễ tổ tiên, Tết thanh minh…); và cũng là thời gian để giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tình nghĩa xóm làng… Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Phương Đông nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng.Bánh dầy tượng trưng cho Trời, hình tròn, nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay. Màu trắng nõn. Có hai miếng lá xanh cắt tròn đậy trên dưói. Mặt trên hình vòng cung giống như bầu trời. Trong xã hội Việt Nam thời xưa, bánh dầy dùng làm lễ vật tinh khiết để tế Trời và tế Thần. Chấp nhận Trời là đấng khai sáng vũ trụ, chủ tể trời đất. Thần là chủ trị địa phương.Còn bánh chưng thì hình vuông, tượng trưng cho đất, theo quan niệm bình dân: Trời tròn đất vuông. Bánh dầy tượng trưng cho Trời, cho cha, cho rồng, cho sức mạnh… thì bánh chưng tượng trưng cho đất, cho mẹ, cho Âu Cơ, cho vẻ đẹp mỹ miều của Tiên. Việc gói bánh chưng phiền phức hơn làm bánh dầy, cũng nói lên tính cách phiền toái, đa dạng của lối sống trên mặt đất. Bánh chưng gói ghém hoa màu đồng nội, biến những thực phẩm thông thường hàng ngày của người nội trợ như thịt, mõ, đậu, hành;-tiêu muối… thành một hương vị đặc biệt của ngày Tết.