Thời đại công nghệ đã và đang thay đổi thói quen giao tiếp, làm việc của tất cả chúng ta. Bên cạnh những mặt tích cực của công nghệ nói chung và Facebook nói riêng, cũng còn có những điều chúng ta cần tìm hiểu để không bị phụ thuộc vào công nghệ, tệ hơn có thể trở thành nạn nhân.
Hiểu một cách đơn giản, Facebook là mạng xã hội và giải trí, do Mark Zuckerberg sáng tạo ra, là nơi tất cả mọi người trên toàn thế giới có thể truy cập miễn phí, có thể nói chuyện, chia sẻ mọi thứ với nhau. Trong thời kỳ hội nhập ấy, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có lượng người sử dụng, truy cập Facebook nhiều nhất trên thế giới, với tới hơn 40 triệu người sử dụng Facebook và ước tính mỗi ngày, một người Việt Nam dành 3 giờ đồng hồ để “lang thang” trên Facebook.
Chúng ta không thể phủ nhận tiện ích mà Facebook đem lại. Trước hết đó là nguồn thông tin, kiến thức khổng lồ về cuộc sống, thế giới, cập nhật từng ngày, từng giờ mà đối với học sinh, sinh viên sách vở chưa thể truyền đạt hết. Facebook cũng là một phương tiện mới khác điện thoại mà chúng ta có thể kết nối cộng đồng, trao đổi thông tin, cảm xúc, suy nghĩ...với bạn bè, với cả thế giới, làm tăng hòa bình hữu nghị. Nhờ có Facebook mà con người có thể tìm thấy người bạn đã lâu không gặp, đồng thời gặp gỡ và làm quen được thêm nhiều người bạn có cùng sở thích, công việc. Facebook giúp các bạn trẻ biết được nhiều điều về thần tượng, thỏa sức thể hiện đam mê trong các hội, nhóm. Những ứng dụng tương tác nhanh chóng, thú vị của Facebook làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ hơn, cuộc sống thú vị hơn và ý nghĩa hơn. Facebook cũng là kênh giúp các bạn tuổi mới lớn giải quyết những vấn đề nhỏ mà không hỏi bố mẹ được.
Facebook vốn không xấu. Nhưng thuốc nào cũng có tác dụng phụ và vấn đề nào cũng có hai mặt của nó, cũng như Facebook là một con dao hai lưỡi, nếu không biết cách sử dụng và tránh thì rất dễ rơi vào hệ lụy không đáng có. Và một trong số đó là căn bệnh nghiện Facebook đã và đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ.
Trước hết, người nghiện Facebook đang tiêu tốn một phần lớn thời gian của mình vào việc online Facebook khiến họ có thể "ăn Facebook, ngủ Facebook, mở mắt ra là Facebook". Với học sinh, sinh viên, việc quá nghiện Facebook sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình học tập. Thời gian đâu để học nữa khi mà những tin tức, những status của bạn bè còn đang mời gọi hấp dẫn? Còn đâu để học nữa khi mà online chát chít Facebook thì không chán nhưng cứ đụng vào sách vở là hai mắt díu lại? Học tập đi xuống, bị bạn bè chê cười, bị thầy cô, cha mẹ khiển trách, các bạn lại càng dễ nản chí và càng sa đà vào Facebook. Các bạn ấy đang bỏ quên những giấc mơ, bỏ quên cả tương lai của mình vào màn hình Facebook. Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, vậy thử hỏi đất nước ấy sẽ đi đến đâu khi mà các bạn còn đang mải chơi face quên nhiệm vụ? Đó thực sự là một thực trạng đáng báo động không chỉ với Việt Nam mà còn với tất cả các nước khác trên thế giới.
Không chỉ thế, việc nghiện Facebook còn khiến cho cuộc sống của người dùng bị đảo lộn. Các hoạt động vui chơi ngoại khóa như tham gia vào các câu lạc bộ, chơi thể thao, đi du lịch cùng bạn bè bị thay thế hoàn toàn bởi hoạt động "lướt Facebook". Dần dần, họ bị đắm chìm trong thế giới ảo mà quên đi thực tại. Người nghiện có thể dễ dàng kết bạn, nói chuyện với người lạ trên Facebook, chúc mừng sinh nhật ai đó khi Facebook thông báo nhưng lại khó mở lời ra với mọi người xung quanh. Vì thế các kỹ năng giao tiếp, ứng xử bị mất đi và vô tình họ đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình. Không chỉ vậy, khi truy cập Facebook, có quá nhiều thông tin nhưng chưa có sự chọn lọc. Vì thế ta có thể dễ dàng tiếp cận với các thông tin xấu, học tập theo những thói hư tật xấu và trở thành những "anh hùng bàn phím" luôn luôn phán xét, áp đặt mọi người trong khi chưa thực sự tìm hiểu kỹ lưỡng.
Đâu dừng lại ở đó, người nghiện Facebook còn tạo ra những ảnh hưởng không tốt cho mắt của mình. Mắt lúc nào cũng dán vào điên thoại, máy tính để online sẽ dẫn đến tình trạng khô mắt và những bệnh nguy hiểm khác về mắt. Nhưng nguy hiểm hơn thế, một loạt những căn bệnh về thần kinh cũng được kéo theo: lo âu, trầm cảm, tinh thần không ổn định.
Chính cuộc sống quá gắn bó với Facebook khiến người ta trở nên chán ghét cuộc sống thực tại, thu mình trong thế giới ảo. Quá phụ thuộc vào nó nên khi thiếu, họ chán nản, họ trống rỗng, rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi của bản thân. Dần dần họ dễ bị mắc chứng Hikikomori ( là hiện tượng những người tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ và từ chối tham gia vào đời sống xã hội ). Thật đáng sợ trước một căn bệnh đang làm bào mòn lối sống, bào mòn thói quen của không ít người trong xã hội.
Một hậu quả cũng không hề nhỏ với việc nghiện Facebook, đó là bị lợi dụng. Do quá nghiện Facebook, vì thế, họ thường xuyên đăng tải những thông tin cá nhân, cập nhật trạng thái, hình ảnh của mình. Và những thông tin đó sẽ được lưu lại, Facebook dần dần có dữ liệu về người sử dụng và người khác cũng có dữ liệu về người mà mình tìm kiếm. Nhiều bạn nhỏ nghĩ đơn giản, cho rằng mình không phải lo, không phải chịu trách nhiệm về bất kì điều gì đưa lên trên mạng. Nhưng mạng ảo nhưng con người vẫn là thật. Nếu cứ tưởng ảo là ảo hết, là muốn làm gì thì làm, nói xấu ai đó, nói sai sự thật, quậy phá làm phiền ai đó...thì sẽ gặp rắc rối to. Trường hợp nhóm học sinh giả nick bọn khủng bố để chơi đùa đã để lại hậu quả đáng tiếc là một ví dụ. Hơn thế nữa, với đặc trưng của Internet, ảnh hưởng của nó còn vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhóm bạn đã trở thành mối hoạ của thế giới. Lại còn có chuyện bạn trai đăng những tấm hình "gợi cảm" của bạn gái lên Face chỉ để trêu, nhưng kết cục thật thảm khốc, cô gái vì không chịu được gạch đá dư luận nên đã tự tử khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều người bị lôi kéo trên Face, tin vào những lời hứa hẹn mà bị lừa gạt, bị chiếm đoạt tài sản.
Nguyên nhân từ đâu lại có nhiều người nghiện Facebook như vậy. Trước hết, đó là do các gia đình chưa có biện pháp giáo dục kịp thời, phù hợp đối với con em của mình. Bố mẹ mải kiếm tiền, lo toan, bươn trải cho cuộc sống mà quên mất việc giáo dục con cái. Mua máy tính cho con phục vụ nhu cầu học tập, nhưng đâu ngờ điều đó lại tạo điều kiện để con gắn bó, lệ thuộc vào Facebook. Về phía nhà trường cũng chưa kịp thời giáo dục học sinh của mình. Các buổi hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống nói chung và tác hại của Facebook nói riêng còn ít và phần lớn chỉ mang tính hình thức. Nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là ở chính bản thân người nghiện Facebook. Sống trong thế giới công nghệ, được tiếp nhận những tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng lại không làm chủ được mình. Mới đầu, có thể chỉ vì lí do tham gia cho có phong trào cùng bạn bè, dần lại quá sa đà, không làm chủ, không nhận thức được rõ tác hại của việc sử dụng Facebook quá nhiều, hoặc cũng có thể đã nhận thức được nhưng lại không đủ bản lĩnh để có thể thoát ra được sự hấp dẫn mà Facebook mang lại. Và kết quả là, vẫn ngày ngày sống cùng Facebook, trở nên nghiện Facebook mà không thể nào thoát ra được.
Do đó cần có những biện pháp để khắc phục hiện tượng này. Mỗi gia đình cần phải quan tâm hơn nữa đến con em của mình, tạo điều kiện cho con học tập nhưng cũng cần quan tâm sát sao hơn, trò chuyện, giáo dục con mình nhiều hơn nữa. Nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá để học sinh làm quen, tiếp thu với nhiều kiến thức mới và làm cho đầu óc được thoải mái. Về phía bản thân mỗi người, cần làm chủ được suy nghĩ, hành động của mình, tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể, thể dục thể thao, picnic…cùng bạn bè, gia đình để gây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn. Ngoài ra cần tuyên truyền, giáo dục cho mọi người thấy được tác hại của Facebook, đặc biệt là các bạn học sinh, cùng nhau tạo ra nhiều hoạt động hấp dẫn giúp người nghiện Facebook quay về với thế giới thực.
Facebook có nhiều tiện ích nhưng cũng dễ gây tác hại nếu ta quá lạm dụng. Sử dụng mạng xã hội một cách hợp lí, Facebook sẽ đem lại cho ta nhiều lợi ích chứ không phải sự phiền toái. Hãy trở thành một người sử dụng Facebook thông minh để có thể tận dụng những lợi ích của nó mà vẫn có thời gian học tập, làm việc một cách tốt nhất.