Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: “Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp đã quy định”[1]. Theo Công ước thì mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn về cá nhân. Các quyền này được pháp luật bảo vệ, bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng không có quyền tước đi các quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân của con người, nếu không có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp quy định. Đồng thời, cũng tại Công ước này quy định: “Những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người”[2]. Theo đó những người dù đã bị pháp luật tước đi quyền tự do của họ (vi phạm pháp luật) nhưng quyền con người như nhân phẩm, danh dự của họ vẫn được luật pháp tôn trọng và bảo vệ.
Việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa người cai nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhằm mục đích cai nghiện, giáo dục đối với người nghiện ma túy để hòa nhập cộng đồng. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính bằng các phương thức, biện pháp khác nhau. Trong đó, biện pháp quan trọng nhất là thực hiện bằng các quy định pháp luật đúng đắn, hợp lý, cho việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện đảm bảo quyền con người, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đối với người cai nghiện ma túy theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 của Liên Hiệp quốc.