Ai cũng biết, âm nhạc dân tộc là "quốc hồn, quốc túy" của mỗi quốc gia. Nền âm nhạc cổ truyền mà chúng ta đang có là sự kết tinh đáng tự hào của những sáng tạo nghệ thuật vô giá được lưu truyền, bồi đắp qua nhiều thế hệ, là minh chứng sống động cho một nền văn hóa dân tộc đa dạng, giàu bản sắc và có lịch sử lâu đời. Ðó là những làn điệu hát ru mềm mại, những câu hát giao duyên tình tứ, là các điệu hò, vè, ví, lý đặc sắc, là giai điệu đặc trưng của tuồng, chèo, cải lương, ca Huế, chầu văn, quan họ... Ấy vậy mà "vốn quý tiên tổ" này lại đang phải đối mặt với một tương lai u ám, khi mà giới trẻ ngày nay - thế hệ tương lai của đất nước càng lúc càng có nhiều biểu hiện rời xa cội nguồn âm nhạc cộng đồng. Trong thời đại của công nghệ số, của thức ăn nhanh, những điệu í a, ứ hừ, hồng hồng tuyết tuyết dường như trở nên lạc nhịp. Người ta sẵn sàng chuyển kênh ngay khi vừa bật ti-vi mà nhìn thấy những liền anh, liền chị xúng xính áo quần mớ ba mớ bảy ngân nga câu hát. Xót xa làm sao khi nghe câu chuyện của GS Hoàng Chương, một người cả đời đau đáu với vốn văn hóa cổ truyền dân tộc. Ðã nhiều lần đưa nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa và nghệ sĩ hát tuồng Kiều Oanh sang Mỹ biểu diễn để quảng bá âm nhạc dân tộc tại các trường đại học, đi tới đâu, ông và những học trò của mình cũng được những người Mỹ hưởng ứng, tán thưởng và bày tỏ ý định muốn tìm hiểu về nghệ thuật dân gian cổ truyền Việt Nam. Nhưng ngược lại, chính những sinh viên Việt Nam ở nhiều trường đại học trong nước lại chẳng mấy mặn mà với những buổi biểu diễn nghệ thuật dân tộc của nước mình. Song nói thế không phải là để đổ lỗi cho những người trẻ, bởi phản ứng của họ là hệ quả tất yếu từ sự thay đổi của một môi trường sinh hoạt âm nhạc đã chịu nhiều biến động qua thời gian và những sai lệch trong phương pháp, cách thức bảo tồn, phát huy vốn âm nhạc dân tộc.