Môn văn học : Phân tích bài ca dao
Chim xanh ăn trái xoài xanh
Ăn no tắm mát đậu cành dâu da
Em yêu anh tha thiết thiết tha
Cành cao cao bổng cành la la đà
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu âm thanh đặc biệt, là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng người; ngôn ngữ đồng thời cũng là phương tiện phát triển tư duy, truyền đạt truyền thống văn hóa – lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác[1]. Từ định nghĩa trên, chúng ta không chỉ nhận ra được tầm quan trọng của ngôn ngữ trong đời sống của con người mà bên cạnh đó, chúng ta còn nhận ra được mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và văn hóa – một "mối quan hệ biện chứng lẫn nhau"[2]. Nghiên cứu ngôn ngữ nói chung dưới góc độ văn hóa đã trở nên phổ biến trong giới ngôn ngữ học hiện nay, hướng tiếp cận ngôn ngữ - văn hóa không chỉ có ý nghĩa về mặt nghiên cứu, khoa học mà nó còn đem lại nhiều giá trị về mặt nhận thức, thực tiễn.
Ca dao là một trong những thể loại tiêu biểu của văn học dân gian Việt Nam. Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán Việt, trước đây, người ta còn gọi ca dao là phong dao bởi vì có nhiều bài ca dao đã phản ánh những phong tục, tập quán của từng địa phương, của từng thời đại lịch sử. Có nhiều định nghĩa khác nhau về ca dao nhưng tựu trung lại, chúng ta có thể định nghĩa ca dao như sau: Ca dao là những bài văn vần do nhân dân sang tác tập thể, được lưu truyền bằng miệng và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân[3]. Những bài ca dao với những vần điệu trữ tình, đằm thắm không biết tự bao giờ đã đi vào đời sống văn hóa – tinh thần của người dân Việt Nam như một món ăn thanh tao nhưng đậm đà hương vị; nó không chỉ tái hiện trước mắt người đọc những danh lam thắng cảnh, những bức tranh làng quê bình dị của đất nước Việt Nam với bao cảnh vật nên thơ mà đó còn là những khúc hát tâm tình nhẹ nhàng mà sâu lắng, da diết của những người dân lao động hiền lành, chất phác. Ca dao được ví như một chuyến đò ân tình chuyên chở biết bao tình cảm của người dân Việt từ xưa đến nay; và nó cũng chuyên chở trên những vần thơ trữ tình ấy bao nét tinh hoa của văn hóa Việt Nam.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ mật thiết, "biện chứng" và không thể tách rời. Không phải ngẫu nhiên mà W. V. Humboldt nhận định rằng: Ngôn ngữ là linh hồn dân tộc. Không có ngôn ngữ nào nằm ngoài văn hóa cũng như không có văn hóa nào mà lại không được biểu thị thông qua ngôn ngữ. Do đó, muốn tìm hiểu đặc trưng và bản sắc nền văn hóa ta không thể không nghiên cứu ngôn ngữ và các hình thức biểu hiện của nó. Vì vậy, nếu chúng ta muốn giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không thể lơ là, không coi trọng đến việc bảo vệ và phát triển ngôn ngữ.
Kế thừa những thành tựu của những công trình khoa học đi trước, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ca dao Việt Nam dưới góc độ văn hóa để tìm ra những ẩn dụ về con người, nhân dân lao động. Vén mở tâm tình của người dân lao động qua những vần ca dao, chúng ta thấy được cái ý nhị, tinh tế trong tâm hồn, trong suy nghĩ, tình cảm của ông bà ta đã gửi gắm kín đáo qua những ẩn dụ, biểu tượng mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Qua khảo sát như vậy sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những đặc trưng của văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người Việt. Đó là lí do chúng tôi chọn đề tài "Ẩn dụ về con người trong ca dao Việt Nam dưới góc độ văn hóa"
Ẩn dụ về con người trong ca dao dưới góc nhìn văn hoá
Ẩn dụ là phương thức tu từ được sử dụng rất phổ biến trong ngôn ngữ nói chung, đặc biệt là trong ngôn ngữ nghệ thuật - các tác phẩm văn chương nói riêng. Với bản chất giàu tính hình tượng và hàm súc, ẩn dụ làm cho ngôn ngữ trong văn, thơ trở nên bóng bẩy, trau chuốt, chứa đựng nhiều tầng nghĩa tinh tế, đẹp và gợi cảm hơn.
Trong công trình Phong cách học và các phong cách chức năng Tiếng Việt, tác giả Hữu Đạt đã định nghĩa "Ẩn dụ là kiểu so sánh không nói thẳng ra...thực chất của phép ẩn dụ chính là việc dùng tên gọi này để biểu hiện sự vật khác dựa trên cơ chế tư duy và ngôn ngữ dân tộc". Ở đây, tác giả nhấn mạnh việc đặt ẩn dụ trong mối tương quan chặt chẽ giữa ngôn ngữ với bối cảnh văn hóa, truyền thống dân tộc. Nếu như không am hiểu về văn hóa Việt Nam với những đặc trưng tiêu biểu của nền văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước thì ắt hẳn sẽ không thể hiểu được:
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào
(Ca dao)
Hay
Hôm nay lan huệ sánh bày
Đào đông ướm hỏi liễu tây một lời
Lạ lùng ướm hỏi nhau chơi
Một mai cá nước chim trời gặp nhau
(Ca dao)
Những mận, đào, lan, huệ, đào đông, liễu tây, cá nước, chim trời....là những hình ảnh rất quen thuộc của làng quê Việt Nam, và ấy cũng chính là những hình ảnh ẩn dụ - những biểu tượng - mộc mạc giản dị mà rất đỗi gần gũi, thân thương cho những người lao động bình dân – những con người suốt ngày "chân lấm tay bùn" nhưng tâm hồn thanh tao và có một đời sống tình cảm phong phú, sâu nặng nghĩa tình.
Ở những phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích những ẩn dụ về con người – những ẩn dụ đã được khái quát hóa qua những biểu tượng, hình ảnh tiêu biểu – trong ca dao để thấy rõ hơn nét đặc trưng văn hóa nông nghiệp của Việt Nam.
1. Biểu tượng "HOA"
Trong công trình Người phụ nữ qua những hình ảnh so sánh trong ca dao Việt Nam của Lưu Thị Nụ (1992), tác giả đã đưa ra kết luận sau khi khảo sát 3506 lời ca dao là trong bốn hình ảnh thường được ví với người phụ nữ: "hoa", "chim", "cây", "quả" thì "hoa" xuất hiện với tần số nhiều nhất.
Hoa thơm trồng dựa cành rào
Gió nam, gió chướng, gió nào cũng thơm
Hoa kia tươi tốt rườm rà,
Tuy rằng tươi tốt, khi mà ong châm.
Có thể nhận định rằng "hoa" là một biểu tượng nổi bật trong ca dao Việt Nam, trong đó hoa nhài là một biểu tượng thẩm mĩ đặc biệt, nó gắn liền với quan niệm thẩm mĩ – văn hóa của từng thời đại; bên cạnh đó chúng ta cũng bắt gặp nhiều hình ảnh ẩn dụ tinh tế khác như hoa sen, hoa dâm bụt, hoa hồi, hoa bèo, hoa cúc.. trong ca dao.
Hoa nhài/ hoa lài
Trong ca dao, hoa nhài thường được ví với nụ cười duyên dáng, đáng yêu của người con gái:
Miệng em cười như cánh hoa nhài
Như nụ hoa quế như tai hoa hồng
Ước gì anh được làm chồng
Để em làm vợ, tơ hồng trời xe.
Hay
Miệng cười như cánh hoa nhài nở nang
Nếu ở những câu ca dao trên, hoa nhài chỉ xuất hiện với vẻ đẹp thuần túy bên ngoài thì ở những câu ca dao sau đây, cùng với những ẩn dụ tinh tế, hoa nhài nổi bật lên một "vẻ đẹp lâu bền, khó phai" bên trong; điều này cũng tựa như tâm hồn của những cô thôn nữ chốn làng quê Việt.
Càng thắm lại càng mau phai
Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu
Trong thế giới tự nhiên cũng như trong ca dao dân gian, hoa nhài không phải là loài hoa chiếm ngôi vị "nữ hoàng", đó không phải là loài hoa hương sắc nhất, càng không phải loài hoa kiêu sa, đài các như hoa hồng thế nhưng trong cái ngôi bậc "khiêm nhường" ấy của mình, hoa nhài lại càng khẳng định cái "duyên ngầm" đáng yêu của mình:
Hoa lí là chị hoa lài
Hoa lí có tài, hoa lài có duyên.
Đào kia chưa thắm đã phai
Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu...
Anh đừng tham bông quế, bỏ phế cái bông lài
Mai sau quế rụng, bông lài thơm xa...
Vẻ đẹp bình dị, hiền hòa của hoa nhài còn được ví von với vẻ đẹp của đôi lứa xứng đôi
Đôi ta lấm tấm hoa nhài
Chồng đây vợ đấy kém ai trên đời
Không chỉ có vẻ đẹp thanh tao cùng tâm hồn tinh tế, hương hoa nhài còn là biểu tượng của vẻ thanh lịch, cao quý:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Như vậy, trong tư duy của người dân lao động thời xưa, hoa nhài/ hoa lài là một loài hoa đẹp, cao quý, thanh tao. Qua ý nghĩa của hoa nhài, chúng ta thấy được quan niệm thẩm mĩ, văn hóa và đạo đức của nhân dân lao động. Đó là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam: quý trọng thủy chung, tình nghĩa sắt son, thích "cái nết đánh chết cái đẹp", "tốt gỗ hơn tốt nước sơn"; quý cái tình, cái duyên bên trong hơn là những vẻ đẹp hào nhoáng, sáo rỗng, vô hồn.
Các loài hoa khác
Bên cạnh biểu tượng hoa nhài/ hoa lài tiêu biểu trong ca dao, chúng ta còn bắt gặp nhiều hình ảnh ẩn dụ "hoa" khác như hoa cúc, hoa sen, hoa lan, hoa huệ... về người dân lao động, những hình ảnh vốn rất quen thuộc, bình dị của nông thôn, làng quê nhưng không hề thiếu sự tinh tế, thể hiện những nét đẹp dân dã cùng phẩm chất tốt đẹp, nhân hậu của người dân lao động, chẳng hạn như trong các câu ca dao sau:
Hôm nay lan huệ sánh bày
Đào đông ướm hỏi liễu tây một lời
Lạ lùng ướm hỏi nhau chơi
Một mai cá nước chim trời gặp nhau
(Ca dao)
Hoa sen mọc bãi cát lầm
Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen
Cánh hồng bay bổng trời thu,
Thương con chim gáy cúc cu trong lồng.
Duyên may, tay bế tay bồng,
Thương ai vò võ trong phòng chiếc than.
Cũng có khi tác giả dân gia mượn "hoa" để châm biếm nhẹ nhàng:
Có đỏ mà chẳng có thơm
Như hoa dâm bụt, nên cơm cháo gì!
Vì hoa tham lấy sắc vàng,
Cho nên hoa phải muộn màng tiết thu.
Trên đời gì rẻ bằng bèo,
Chờ khi nước lụt, bèo trèo trên sen.
Trên đời gì đẹp bằng sen,
Quan yêu, dân chuộng, rã bèn cũng hư.
2. Biểu tượng "CON VẬT"
Con cò
Trong ca dao Việt Nam, có rất nhiều bài nói đến hình ảnh con cò. Có khi là con cò lặn lội bờ ao, có khi là co cò bay lả bay la, có khi là con cò trắng bạch như vôi, con cò bay bổng bay cao, con cò kì, con cò quăm...
Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
- Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Ở nhà có nhớ anh chăng?
Để anh kể nỗi Cao Bằng mà nghe.
Cái cò là cái cò con
Mẹ nó yêu nó, nó còn làm thơ,
Cái cò bay bổng, bay bơ,
Lại đây anh gửi xôi khô cho nàng
Đem về nàng nấu, nàng rang,
Nàng ăn có dẻo thời nàng lấy anh.
Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân lao động lại hay nhắc đến con cò như vậy. Như Vũ Ngọc Phan từng nhận định trong Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam: Trong các loài kiếm ăn ở đồng ruộng, chỉ có con cò thường gần nhiều người nông dân hơn cả. Những lúc cày cuốc, cấy hái, người nông dân Việt Nam thường thấy trên đồng lúa bát ngát, con cò đứng trên bờ ruộng rỉa lông rỉa cánh, ngắm nghía người nông dân làm lụng.
Một đàn cò trắng bay tung
Đôi bên nam nữ, ta cùng hát lên!...
Hình ảnh con cò trắng "tuy ngày đêm lặn lội, nhưng nhiều lúc lại bay lên mây xanh. Nó cũng vất vả, nhưng nó có vẻ trong trắng, thanh cao, có những lúc nó vẫy vùng thoải mái, nó sống một cuộc đời mà người dân lao động nước ta thời xưa hằng mong ước"[4].
Trong khi lao động vất vả, thấy đàn cò trắng cùng nhau sum họp, người nông dân lại cất lên những câu ca dao trữ tình, thắm thiết:
Một đàn cò trắng bay quanh
Cho loan nhớ phượng, cho mình nhớ ta
Mình nhớ ta như cà nhớ muối
Ta nhớ mình như Cuội nhớ trăng.
Sự đoàn tụ của đàn cò là hình ảnh ẩn dụ cho niềm mong ước được gần gũi và tâm tình với nhau của những người lao động chất phác, hiền lành. Trong con mắt của người lao động thời xưa, con cò và những con chim đồng loại với nó như con bồ nông, con hạc, con vạc có tình bạn thắm thiết với nhau, chúng túm tụm sum họp với nhau đều có sự gần gũi với cảnh tình của người nông dân. Số phận "con cò lặn lội bờ sông" cũng tựa như số phận những con người lao động ngày đêm vất vả lao động để làm ra hạt thóc hạt gạo thế nhưng lại hẩm hiu, bèo bọt
Con cò mày đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,
-Ông ơi ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Nước non lận đận một mình,
Thân cò lên thác, xuống ghềnh bấy nay.
Những câu cao dao trên đều rất kín đáo, ý nhị, tác giả dân gian không hề đả động gì đến con người và cũng không nhắc đến giá trị lao động của học nhưng chúng ta đều ngầm hiểu cái "thân cò" ấy chính là than phận người nông dân sớm nắng chiều mưa, đầu tắt mặt tối. Hình ảnh "con cò" không gì khác ấy chính là hình ảnh những người nông dân Việt Nam muôn đời, những con người cần cù, chăm chỉ, chất phác, kiên cường, luôn bền bỉ nhẫn nại cả trong lao động sản xuất lẫn trong đấu tranh chống những thế lực đàn áp mình.
Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con.
Cái cò là cái cò con,
Mẹ đi xúc tép, để con ở nhà,
Mẹ đi một quãng đồng xa,
Mẹ sà chân xuống, phải mà con lươn,
Ông kia có chiếc thuyền nan,
Chở vào ao rậm, xem lươn bắt cò..
Ông kia chống gậy lò dò,
Con lươn tụt xuống, con cò bay lên...
Trong xã hội phong kiến Việt Nam, ngoài nghề nông, người dân còn làm nghề buôn, nghề thủ công. Không kể người dân ở bất kỳ ngành nghề gì, bọn giai cấp thống trị tham lam, độc ác, chúng không vơ vét, bóc lột tận xương những người dân khốn khổ.
Cái cò cái vạc cái nông
Ba cái cùng béo, vặt lông cái nào!
Vặt lông cái vạc cho tao!
Hành, răm, nước mắm bỏ vào mà thuôn.
Chúng sẵn sàng bóc lột, tra tấn thậm chí là giết chóc nhẫn tâm có khi chỉ vì một lí do cỏn con
Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày dẫm lúa nhà ông, hỡi cò?
Không không tôi đức trên bờ
Mẹ con các diệc đổ ngờ cho tôi!
Chẳng tin ông đứng mà coi
Mẹ con nhà nó còn ngồi ở kia.
Người dân lao động trong cái xã hội ấy bị rẻ rúm đến mức chết cũng chẳng nguyên vẹn, toàn thây. Cái chết tang thương ấy có khi lại thành trò, món béo bở cho bọn nanh độc.
Con cò chết rũ trên cây,
Bồ cu mở lịch xem ngày làm ma.
Cà cuống uống rượu la đà,
Bao nhiêu cóc nhái nhảy ra chia phần,
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích mặc quần vác mõ đi rao...
Nhưng trong các bài ca dao của mình, không phải lúc nào hình ảnh "con cò" cũng dung để ví von với những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân mà các tác giả dân gia cũng có khi dung "con cò" để nói về những kẻ xấu như: những kẻ hay ăn quà như "con cò kỳ"; những kẻ hay đánh vợ như "con cò quăm". Chẳng hạn như trong câu ca dao sau:
Cái cò là cái cò quăm,
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai?
-Có đánh thì đánh sớm mai
Chớ đánh chập tối, chẳng ai cho nằm!
Lời ca dao tuy để châm biếm, trách móc, giễu cợt nhưng cũng dí dỏm, hài hước nhẹ nhàng; đúng tinh thần nhân ái của người dân Việt
-Có đánh thì đánh sớm mai
Chớ đánh chập tối, chẳng ai cho nằm!
Như vậy, qua những câu ca dao trên, chúng ta thấy rằng người dân lao động thời xưa đã mượn hình ảnh con cò để nói về cuộc sống của chính mình, dùng hình ảnh con cò để "gợi hứng, để tỏ sự mong muốn của mình, nói lên những đức tính của mình, nông nỗi khổ cực của mình và cả những thói xấu của mình nữa"[5].
Con bống/ cái bống
Con bống (hay cái bống, cá bống) cũng là hình ảnh tiêu biểu thường xuyên xuất hiện trong ca dao Việt Nam. Theo Vũ Ngọc Phan, đối với người Việt, nếu như con cò có thể là hình ảnh nói chung của người dân lao động, có thể là nam hoặc nữ; thì cái bống hay con bống là biểu tượng đặc trưng cho người thiếu nữ hay thiếu phụ. Nhà nghiên cứu quả là đúng đắn khi đưa ra nhận định "nói chung đối với người nông dân, con cá bống có vẻ xinh xẻo, hiền lành, cho nên mỗi khi nói đến cái Bống là người nông dân nước ta nói bằng một giọng nâng niu"[6]. Tiêu biểu như những câu ca dao như sau:
Cái bống cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.
Chú lái ơi, cho tôi mượn cỗ gầu sòng,
Tôi tát nước cạn cho chồng tôi lên.
Cái bống mặc xống ngang chân
Lấy chồng kẻ chợ cho gần xem voi
Các con vật khác
Trong ca dao Việt Nam, ngoài hình ảnh con cò, cái bống là những hình ảnh tiêu biểu, chúng ta còn bắt gặp những hình ảnh của các con vật khác – những hình ảnh ẩn dụ cho người dân lao động thời xưa như: con nhện, con tằm, con tép, con tôm, con tép, con cua, con cóc,con gà, con rùa, con tò vò, con cá, con chim, ong, bướm, loan phượng... Mượn những hình ảnh quen thuộc của làng quê, người dân muốn gửi gắm vào trong những tôm tép, con tằm, con nhện.. ấy những tâm tư, tình cảm của chính mình. Chẳng hạn như những câu ca dao như sau:
Thương thay thân phận con rùa
Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia.
Lươn ngắn lại chê trạch dài
Thờn bơn méo miệng, chê trai lệch mồm.
Xa xôi dịch lại cho gần,
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ.
Chuồn chuồn mắc phải tơ vương,
Nào ai quấn quýt thì thương cho cùng.
Có nên thì nói là nên
Chẳng nên sao để đấy quên đây đừng
Làm chi cho dạ ngập ngừng,
Đã có cà cuống thì đừng hạt tiêu.
Cá trong lờ đỏ hoe con mắt,
Cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô.
Tung tăng như cá trong lờ,
Trong ra không được ngoài ngờ là vui.
3. Biểu tượng "CÂY"
Cây trúc, cây mai
Hình ảnh trúc, mai là những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt và cũng xuất hiện rất nhiều lần trong ca dao. Tác giả dân gian nhắc đến trúc, mai; nhưng không phải để tả thực cây trúc cây mai, cũng không phải bàn chuyện trúc mai phong cảnh, mà họ mượn mai, trúc để nói về con người.
Thân em như tấm lụa đào
Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai
Em vin cành trúc, em tựa cành mai
Đông đào tây liễu biết ai bạn cùng.
Trong ca dao, khi trúc đứng một mình, thường đó là biểu tượng cho người con gái xinh đẹp, thướt tha, duyên dáng:
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh
Hình ảnh trúc mai quấn quýt bên nhau chính là ẩn dụ cho tình cảm đôi lứa thắm thiết, mặn nồng của người dân lao động
Hôm qua sum họp trúc mai
Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm.
Đêm qua nguyệt lặn về tây
Sự tình kẻ đấy, người đây còn dài...
Trúc với mai, mai về, trúc nhớ
Trúc trở về, mai nhớ trúc không?
Bây giờ kẻ Bắc người Đông
Kể sao cho xiết tấm lòng tương tư!
Mượn hình ảnh trúc mai, tác giả dân gian khéo léo lột tả nhiều cung bậc cảm xúc, tình cảm của những đôi lứa yêu nhau.
Có khi đó là lời nhắn nhủ, niềm hy vọng
Đợi chờ trúc ở với mai,
Đợi chờ anh ở với ai chưa chồng.
Cũng có khi đó là tâm trạng vui mừng, hân hoan:
Trầu này trúc, cúc, mai, đào,
Trầu này thục nữ anh hào sánh đôi
Có khi nó thể hiện ước mơ sum họp của tình yêu
Bao giờ sum họp trúc mai
Lòng nguyền kết tóc lâu dài trăm năm
Đó cũng là tâm tình gửi gắm
Có lòng tạc một chữ vàng
Thiếp đưa duyên lại đôi đàng cậy anh
Tìm nơi trúc tốt mai xanh
Tìm nơi bóng cả lắm ngành dựa nương.
Lòng lại dặn lòng dù non mòn biển cạn
Dạ lại dặn dạ dù đá nát vàng phai
Dù cho trúc mọc thành mai
Em cũng không xiêu lòng lạc dạ, nghe ai phỉnh phờ
Cũng có khi mai trúc tượng trưng cho nỗi buồn của con người
Lênh đênh chiếc bách giữa dòng,
Thương than góa bụa, phòng khi lỡ thì.
Gió đưa cây trúc ngã quỳ
Ba năm trực tiết, còn gì là xuân!
Cũng có khi đó là những lời trách móc, giận hờn nhau
Những là lên miếu xuống nghè
Để tôi đánh trúc, đánh tre về trồng.
Tưởng rằng nên đạo vợ chồng.
Nào ngờ nói thế mà không có gì
Như vậy, hình ảnh trúc, mai trong ca dao Việt Nam thường được dùng để ví với đôi bạn trẻ, cho tình yêu lứa đôi. Mượn hình ảnh trúc, mai, người dân xưa đã khéo léo nói lên tâm trạng của chính mình một cách tinh tế, ý nhị.
Các loại cây khác
Bên cạnh hình ảnh cây trúc, cây mai, trong ca dao, ông bà ta còn lấy hình ảnh các loại cây, trái, quả khác để tượng trưng cho người dân lao động như: quế, hương, mận, đào, cây đa, cây tùng, cây xoan đào, cây liễu, chanh, cam, lê lựu, gừng, bòng, cau trầu....
Hai bên bên liễu bên đào
Mặc tình ý bạn thương bên nào thì thương.
Bao giờ cho chuối có cành,
Cho sung có nụ cho cành có hoa.
Già thời bế cháu đỡ con,
Già đâu lại ước cau non trái mùa.
- Già nay ước những của chua
Cau non trái mùa già vẫn muốn ăn
Quý chi một nải chuối xanh
Nam bảy người giành cho mủ dính tay
Vên vên cứng, dành dành cũng cứng
Mù u tròn, trái nhãn cũng tròn.
Vàng thau tuy lộn một bồn
Anh là tay thợ lựa lòn phải ra.
4. Một số hình ảnh ẩn dụ khác trong ca dao Việt Nam
Trong ca dao, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam được các tác giả dân gian sử dụng rất khéo và tinh tế để tượng trưng cho người dân lao động, để gửi gắm những tâm tư, tình cảm thầm kín của họ vào những câu ca dao mượt mà, đằm thắm, trữ tình.
Đó có khi là hình ảnh thuyền bến, bờ sông
Em thương ai nấp bụi nấp bờ
Sớm trông đò ngược, tối chờ đò xuôi
Thuyền anh đậu bến lâu rồi
Sao em chưa xuống mà ngồi thuyền anh.
Một thuyền một bến một dây
Ngọt bùi ta hưởng đắng cay chịu cùng.
Đói lòng ăn nắm lá sung,
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng
Một thuyền một lái chẳng xong
Một chĩnh đôi gáo còn nong tay vào.
Có khi đó là hình ảnh của mây, núi, gió, trăng
Vì mây cho núi lên trời
Vì cơn gió thổi hoa cười với trăng
Vì chuôm cho cá bén đăng
Vì tình nên phải đi trăng về mờ
Chim xanh ăn trái xoài xanh
Ăn no tắm mát đậu cành cây đa.
Cực lòng em phải nói ra,
Chờ trăng, trăng xế, chờ hoa, hoa tàn.
Có khi đó lại là những hình ảnh rất mộc mạc của hạt gạo, nước cà, bát sứ, bát đàn, của gối chăn, gương lược
Chăn kia nửa đắp nửa hờ,
Gối kia nửa đợi nửa chờ duyên em
Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Đã vo nước đục lại vần than rơm
Tiếc thay hột gạo tám xoan
Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà.
Có bát sứ tình phụ bát đàn
Nâng niu bát sứ vỡ tan có ngày
Trách người quân tử bạc tình
Có gương mà để bên mình biếng soi.
Có khi ấy là giếng nước, mảnh chĩnh, cái chuông
Tiếc thay cái giếng nước trong
Để cho bèo tấm, bèo ong lọt vào.
Khen ai khéo đúc chuông chì,
Dáng thì có dáng, đánh thì không kêu.
Chuông khánh còn chẳng ăn ai,
Nữa là mảnh chĩnh bỏ ngoài bờ tre.
Chuông khánh còn chẳng ăn chè,
Nữa là mảnh chĩnh rò rè ăn xôi.
Hình ảnh cây đa, con đò cũng là một biểu tượng cho tình yêu đôi lứa
Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa
Như vậy, trong ca dao chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam nhưtrầu, cau, lan, huệ, trúc, mai, nhài... Tác giả dân gian không mấy khi nói đến hình ảnh trúc mai, lan huệ để tả thực cây trúc, cây mai mà ở đây mai, trúc... đã trở thành những biểu tượng thân thương nhằm thể hiện con người – người lao động bình dân với những tình cảm tha thiết, chân thành, mộc mạc mà rất đỗi ân tình. Ẩn dụ này trong ca dao Việt Nam cũng gắn liền với những đặc trưng tiêu biểu của nền văn minh lúa nước. Những hình ảnh rất đỗi quen thuộc và dung dị của làng quê Việt: những thuyền, bến, những cây đa, mái đình, giếng nước;những con cò, cái bống, con trâu, con nghé, con cá, con tằm; những hoa sen, hoa cúc, hoa hồi; những con ong, cánh bướm... đã bước ra từ làng quê mộc mạc, đơn sơ đi vào những câu ca dao đằm thắm và trở thành những hình ảnh ẩn dụ tinh tế - những biểu tượng trữ tình, gợi cảm – cho những con người lao động chất phác, hiền lành mà chan chứa thương yêu, ân tình sâu sắc. Họ đã mượn những hình ảnh gần gũi, quen thuộc để giãi bày, để tâm sự, để gửi gắm và sẻ chia những tâm sự thầm kín trong lòng; tất cả những tình cảm ấy đậm đà qua từng vần ca dao, nó da diết mà vẫn kín đáo, ý nhị; thể hiện rõ nét văn hóa tinh tế trong đời sống tinh thần của người dân Việt.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |
Thưởng th.11.2024 |
Bảng xếp hạng |