Người Việt cổ đã sớm định hình tính cách cần cù, sáng tạo, thông minh, tài khéo ngay từ buổi đầu hình thành dân tộc. Văn hoá Đông Sơn được phát hiện từ xứ Thanh. Năm 1924, bên bờ sông Mã, trong những bãi bờ bị sạt lở, tình cờ một người nông dân làng Đông Sơn ra sông câu cá bỗng dưng đã tìm thấy đồ đồng ở nơi sạt lở ấy. Từ những phát hiện của người nông dân Đông Sơn và qua kết quả khai quật tiếp đó, những di vật tìm thấy ở khu di tích này đã gây tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới. Năm 1934, nhà khảo cổ học người Áo Hai-nơ Ghen-đéc đã đề nghị gọi tên nền văn hoá đồ đồng này là "Văn hoá Đông Sơn". Từ đó đến nay tên văn hoá Đông Sơn được dùng phổ biến trên toàn thế giới. Niên đại Văn hoá Đông Sơn là nền văn minh thuộc đời Đồng thau và Sắt sớm, cách ngày nay trên dưới 2000 năm của một nhà nước hùng mạnh dựa trên một nền nông nghiệp lúa nước phát triển, kỹ nghệ đúc đồng hoàn hảo, bên cạnh những ngành nghề thủ công đặc sắc của một cộng đồng cư dân có đời sống văn hoá tinh thần đa dạng, có cơ cấu tổ chức xã hội cao. Cư dân Việt cổ thời đại Đông Sơn cư trú chủ yếu trên ba dòng sông lớn đó là: sông Hồng, sông Mã và sông Cả (sông Lam). Họ thường lập làng trên những gò đất cao bên dòng sông, một số ít cư trú ở đồng bằng và một bộ phận sống rải rác ở vùng trước núi gần nguồn nước. Nhà ở thời Đông Sơn chủ yếu là nhà sàn hình thuyền có mái cong vút, sau thời Đông Sơn những cư dân Việt cổ mới dần ở nhà đất. Người Đông Sơn đàn ông cởi trần, đóng khố, đàn bàn đan dệt từ những sợi tơ, đay, gai và áo lá để làm quần áo mặc. Những cư dân Đông Sơn đã dựa vào nguồn thực vật và thuỷ sản phong phú ngay trên địa bàn mình cư trú để làm thức ăn, đồ nếp là nguồn thức ăn chính mà họ ưa thích. Phương tiện giao thông đi lại chủ yếu là dùng thuyền mà khởi nguồn là những cây tre được ghép lại, là cây gỗ được khoét rỗng thành thuyền độc mộc và sau này là những chiếc thuyền được chế tác khá hoàn hảo tiện lợi như hình vẽ in trên mặt trống đồng. Người Đông Sơn sống hoà mục, bình đẳng. Theo nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét thì "Lúc bây giờ vua tôi cùng đi cày, cha con cùng tắm không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền, thứ bậc, cùng nhau vui chơi vô sự, gọi là đời rất hồn nhiên...". Khi mới phát hiện sự choáng ngợp của nền văn minh rực rỡ này, các nhà học giả phương tây không thể giải thích nổi vì sao, tại một khu vực còn hết sức nghèo nàn, lạc hậu ở vào thời điểm vài thập kỷ đầu của thế kỷ trước, mà trong quá khứ hai ngàn năm, lại có thể nảy sinh một quốc gia có nền văn minh cao đến như vậy mà họ đã đi tìm nguồn gốc từ những yếu tố du nhập bên ngoài, với trung tâm Châu Âu là điểm chói sáng, phát toả tạo lập nên Đông Sơn. Thế nhưng, khi Đông Sơn toả sáng, đồng thời nó cũng hấp thụ nhiều yếu tố bên ngoài trong suốt thời gian tồn tại. Qua bộ di vật đồ Đồng, người ta nhận ra thành tồ Điền (Vân Nam), Bản Chiềng (Thái Lan), SamrongSen (Campuchia)... Song chất Đông Sơn vẫn không hề nhạt nhoà. Đó dường như là một bài học còn nguyên tính thời sự, khi đất nước trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Hiên nay, di chỉ khảo cổ học và những địa điểm về văn hoá Đông Sơn trên đất Thanh Hoá có tới 120 di tích, đang phân bổ ở khắp các vùng miền: miền biển, đồng bằng, trung du và miền núi, nhưng tập trung chủ yếu ở đồng bằng. Sông Mã, sông Chu đôi bờ của hai con sông lớn của tỉnh Thanh là nơi có di tích Đông Sơn dày đặc, đó là cái nôi văn hoá Đông Sơn của vùng đất này. Ở đôi bờ sông Mã, sông Chu hàm chứa di tích Đông Sơn qua các thời kỳ phát triển tiền Đông Sơn, Đông Sơn và sau Đông Sơn. Di tích văn hoá Đông Sơn ở đây có đủ diện mạo: di tích cư trú, cư trú - mộ táng, di tích mộ táng và di tích di chỉ xưởng được tìm thấy ở làng cổ Đông Sơn, núi nấp, Thiệu Dương, Quỳ Chử... Văn hoá Đông Sơn trong ngót một thế kỷ qua đã và đang được nghiên cứu phát huy. Văn hoá Đông Sơn vẫn được trao quyền qua nhiều thế hệ những kinh nghiệm về sản xuất và những kỹ năng trong cuộc sống, đó là kỹ thuật chế tác luyện kim... Ngày nay, những làng nghề như làng Chè xã Thiệu Trung, Thiệu Hoá, nghề đúc đồng truyền thống vẫn được phát huy và là nguồn thu nhập chính của các nghệ nhân và thợ đúc Trà Đông. Kỹ thuật thêu dệt thổ cẩm và trang trí các hoạ tiết hoa văn trên những tấm phá, cạp váy, khăn áo của phụ nữ dân tộc được đồng bào Mường, tỉnh Thanh Hoá luôn yêu thích, họ chỉ giỏi thêu dệt, chọn vải, nhuộm màu, sáng tác mầu hoa văn mà còn truyền nghề cho lớp trẻ về kỹ thuật và hoa văn đặc sắc theo hoạ tiết in trên trống đồng Đông Sơn. Trong sinh hoạt hội hè, tín ngưỡng tâm linh, những dấu ấn Văn hoá Đông Sơn còn được lưu truyền qua lời ca, điệu múa, pồn pông, dân ca, múa đèn Đông Anh, âm nhạc cồng chiêng, khua luống có ở cả miền xuôi và miền núi. Tín ngưỡng cầu ánh sáng mặt trời, cầu mưa... vẫn được thể hiện trong các lễ tục, lễ hội vào đầu năm mới, xuống đồng, mừng cơm mới... Văn hoá Đông Sơn - rực rõ nền văn minh Việt cổ tiềm ẩn nhiều vấn đề chưa được khám phá, cần phải được dày công nghiên cứu và đầu tư kinh phí hơn nữa để giải mã. Văn hoá Đông Sơn, nền văn hoá cuội nguồn, thể hiện sức mạnh trường tồn và mang dấu ấn đặc sắc của văn hoá dân tộc mà cha ông xưa đã tạo dựng nên. Nền văn hoá ấy đã đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật, về tinh thần chống xâm lược, tinh thần hoà mục, cởi mở và đổi mới. Những tinh thần ấy ngày nay được Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) và mới đây là kết luận Hội nghị 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khẳng định rõ. Những giá trị của nền Văn hoá Đông Sơn mãi là nền tảng của tinh thần, là động lực để đưa dân tộc ta không ngừng đổi mới phát triển, xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc.