Ban ngày, Ninh Kiều trầm mặt bên dòng Hậu Giang bỏ mặc những ồn ào huyên náo của một thành phố trẻ, năng động. Gió từ dòng sông Hậu mát rười rượi làm hàng dương uốn lượn, lòng người như được trút hết căng thẳng lo âu.
Đã từ lâu, những con người Cần Thơ luôn tự hào và kiêu hãnh mỗi khi nhắc đến Ninh Kiều-chỗ bờ sông nhìn ra dòng Hậu Giang hiền hòa, thơ mộng:
"Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân."
Bến Ninh Kiều là một địa điểm mà du khách thường tìm đến nhất, nằm bên hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ. Trên bến sông luôn tấp nập tàu bè, thuyền ghe xuôi ngược chở đầy những sản vật vùng đồng bằng sông Cửu Long. Gần Bến Ninh Kiều có Chợ Cổ Cần Thơ (hay còn gọi là “Chợ Lục Tỉnh”), trên một trăm tuổi là trung tâm buôn bán lớn ở Miền Tây Nam Bộ.
Ngược dòng thời gian, Bến Ninh Kiều xưa được khai sinh là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Ninh Kiều ngày ấy tấp nập thuyền bè qua lại giao thương, hàng cây dương chắn gió ven bờ đã trở thành tên gọi của bến sông. Việc giao thương mỗi ngày thêm phồn thịnh, bến Hàng Dương do đó cũng được mở rộng và sửa sang, rồi dần dần trở thành thắng cảnh du lịch của đất Tây Đô.
Con đường Hai Bà Trưng hiện nay trước đây là đường Lê Lợi, chạy dọc bờ sông Hậu cây cối sầm uất (thời Pháp cai trị đặt tên "Le quai de Commerce"- tạm dịch là: Cảng Thương Mại, nhân dân gọi là bến Hàng Dương hay là bến Lê Lợi). Năm 1958 bến sông và công viên nằm cạnh con đường Lê Lợi được đặt tên bằng một trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn.
Từ câu: "Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm, Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm". ("Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi)
Ninh Kiều trong câu thơ trên nói về một chiến công của nghĩa quân Lam Sơn, đây là trận đánh mang tính bước ngoặt lịch sử, quyết định đến sự thắng lợi cuối cùng của toàn bộ cuộc kháng chiến chống Minh. Địa điểm diễn ra trận đánh là vùng đất lầy lội bên sông Đáy mang tên Ninh Kiều (còn gọi là Chúc Động, thuộc địa phận thị trấn Chúc Sơn huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây-nay đã xác nhập vào Hà Nội). Giao điểm giữa quốc lộ 6 với sông Đáy.Sau này những cư dân người Việt đi mở cõi đất phương Nam, đã lấy các tên của trận đánh nổi tiếng trên để đặt cho vùng đất mới bên bờ sông Hậu.
Du khách thập phương đến với Cần Thơ có thể ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của bến Ninh Kiều bất kể lúc nào, mỗi thời khắc có một nét độc đáo riêng. Ban ngày, Ninh Kiều trầm mặt bên dòng Hậu Giang bỏ mặc những ồn ào huyên náo của một thành phố trẻ, năng động. Gió từ dòng sông Hậu mát rười rượi làm hàng dương uốn lượn, lòng người như được trút hết căng thẳng lo âu.
Đêm xuống, Ninh Kiều như khoác lên mình chiếc áo mới. Người người lại qua, những cô gái thẹn thùng bên người yêu làm nên một bức tranh sinh động hài hòa. Đứng trên bến Ninh Kiều mắt ta nhìn sang Xóm Chài và hướng Cồn Ấu ở đầu vàm sẽ thấy một dải cù lao mập mờ cây lá, tạo cho ta niềm rung cảm dạt dào. Ngược lại nếu đứng từ bên kia Xóm Chài nhìn sang sẽ thấy toàn cảnh Ninh Kiều và phố sá rực rỡ ánh đèn soi bóng xuống mặt nước phù sa lấp lánh như rắc ánh vàng thật lung linh tuyệt đẹp giữa trời nước bao la.
Sau khi dạo quanh bến Ninh Kiều, du khách đã cảm thấy mệt! Hãy làm một chuyến thưởng ngoạn trên sông bằng nhà hàng du thuyền Cần Thơ. Nơi đây phục vụ các thức uống và món ăn đặc sản Nam Bộ cùng với một chương trình văn nghệ đa dạng (nhạc trữ tình- tân cổ và nhạc trẻ). Du khách tha hồ ngắm cảnh và thưởng thức nét đẹp thi phú của dòng Hậu Giang mà tạo hóa trao tặng. Khoảng 20h00 du thuyền rời bến chạy dọc dòng Mekong qua cầu Quang Trung, vàm Cần Thơ và Cái Đôi.