Chính sách kinh tế tạm thời của Nhà nước Xô Viết trong thời kì nước ngoài can thiệp vũ trang và Nội chiến (1918 - 20), nhằm huy động mọi tài nguyên trong nước cho nhu cầu của tiền tuyến. Là một chính sách đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, thực hiện chế độ phân phối hiện vật, loại bỏ quan hệ hàng hoá - tiền tệ, thị trường. Chính quyền Xô Viết ngoài việc quốc hữu hoá nền công nghiệp quy mô lớn, còn nắm trong tay công nghiệp hạng vừa và một phần công nghiệp hạng nhỏ. Việc quản lí toàn bộ công nghiệp tập trung ở các cơ quan trung ương; việc cung cấp nguyên liệu, thiết bị, vật liệu cho xí nghiệp cũng như việc phân phối sản phẩm đều tiến hành theo phiếu của cơ quan quản lí, không hạch toán kinh tế. Để bảo đảm cung cấp lương thực cho quân đội và công nhân, nhà nước thi hành chế độ trưng thu lương thực thừa của nông dân, thi hành độc quyền mua bán lương thực, cấm tư nhân buôn bán lương thực và những vật phẩm cần thiết nhất. Ở thành thị, vật phẩm tiêu dùng phân phối theo phiếu với điều kiện ưu tiên cung cấp cho công nhân và căn cứ vào tính chất quan trọng, nặng nhọc của công việc; thi hành chế độ nghĩa vụ lao động phổ biến đối với tất cả mọi người có năng lực lao động. Chính sách cộng sản thời chiến đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thắng lợi cho cuộc Nội chiến. Sau khi đập tan bọn can thiệp vũ trang và kết thúc Nội chiến, Chính sách cộng sản thời được thay thế bằng chính sách kinh tế mới .