2. Thời Lô-mô-nô-xốp-thế kỷ 18-nước Nga bắt đầu chuyển mình vươn lên trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa-giáo dục, khoa học kỹ thuật. Nhà cầm quyền đất nước cũng nhận ra rằng, khoa học kỹ thuật đóng vai trò trọng yếu, quyết định trong cuộc chuyển mình để chấn hưng nước Nga bao la rộng lớn này. Với bao nỗ lực đề đạt và nhiều lần có công thuyết phục nhà cầm quyền Nga, năm 1748, phòng thí nghiệm hóa học đầu tiên mới được xây dựng theo đề án của ông. Gian phòng to rộng, khang trang với bộn bề vật dụng, bơm khí, cân tiểu ly kính hiển vi… và nhiều thiết bị thí nghiệm khác, đã mang lại cho ông niềm vui tột độ. Trước đám sinh viên đang chăm chú vùi đầu vào các ống nghiệm, ông ứng khẩu những vần thơ nói lên nỗi lòng vui sướng của mình:
Trong ánh lửa, giữa những bức tường tôi tự hiểu
Bao niềm sướng vui khi hè đến đợi chờ.
Nhưng hè về, tôi nào có được hưởng,
Mà chỉ hân hoan vì thực hiện ước mơ.
Ông đã đạt được nguyện ước vì các phòng thí nghiệm tầm cỡ này chưa có ở một nước châu Âu nào vào thời điểm đó. Vui sướng với ước mơ đã đạt được, Lô-mô-nô-xốp quên cả kỳ nghỉ hè quý báu dành cho người làm công tác khoa học luôn bị căng thẳng đầu óc.
Thời Lô-mô-nô-xốp, nhân dân Nga phấn chấn làm việc, cố công chăm lo phát triển nền văn hóa-khoa học nước nhà. Ông thành tâm chào đón và gửi tới người dân lao động Nga những lời thơ đầy nhiệt huyết:
Tổ quốc ta luôn nóng lòng mong đợi
Người anh em bền chí gắng công.
Mong sao được như người dân các nước
Cùng tiến lên chung sức chung lòng.
Thời gian hỡi, hãy ủng hộ chúng ta!
Nào, phấn chấn vươn mình đứng dậy
Để thành những Pla-ton1 anh minh,
Để có được những Niu-tơn2 trí tuệ
Mà nước Nga ta sẽ sản sinh.
Rồi nhà bác học kêu gọi toàn nhân dân Nga hãy hết mình lao động sáng tạo cho Tổ quốc thân yêu qua những câu thơ nóng bỏng khí thế vươn mình:
Dưới biển, trên rừng, trong lòng đất…
Cùng dồn tâm lực làm việc hăng say
Cho mai đây tới mùa gặt hái
Xán lạn, sáng tươi ắt sẽ tới ngày.
Lòng đất cần được khai phá, nhất là vùng đất Xi-bi-ri bát ngát mênh mông. Tài nguyên thiên nhiên đang ẩn mình trong đó, chỉ bằng khoa học mới khai phá được để giúp ích con người. Lô-mô-nô-xốp đã báo trước điều đó. Ông thiết tha kêu gọi các thế hệ tiếp theo như một lời di huấn:
Hãy đi vào lòng đất, vực sâu,
Cả đồng hoang, rừng thẳm tuyết dày,
Tiến lên các đồi trọc, núi cao,
Rồi bay lên cả bảy tầng mây…
Hãy nghiên cứu tìm tòi tất cả
Biết bao điều mới lạ, lớn lao
Mà thế giới còn chưa biết hết…
Như ở các nước Tây Âu, sang thế kỷ 18, nước Nga cũng đang chuyển mình nhờ khoa học phát triển, mà trước hết là vật lý, hóa học và cơ học. Nền công nghiệp nước Nga bắt đầu đi lên nhờ các khám phá, phát minh đó.
Trong tập đoản thi ca ngợi tổ quốc năm 1750, Lô-mô-nô-xốp đã minh họa hình ảnh các ngành khoa học mà nhờ đó, đất nước ông đang và sẽ đi lên từng ngày. Ông lưu ý mọi người nghiên cứu cơ học:
Hãy làm tàu thuyền bơi khắp sông biển,
Hãy nối biển khơi bằng những dòng sông
Và dẫn nước đi khắp ruộng đồng…
Còn với hóa học, là một trong những người đầu tiên khám phá ra Định luật bảo toàn vật chất, ông đề thơ:
Hóa học ơi, hãy đi sâu vào lòng đất,
Đột nhập vào khai khẩn tài nguyên
Những kho báu nước Nga đang lẩn khuất
Để mở ra phục vụ dân sinh…
Ông nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của ngành khí tượng phục vụ nông nghiệp:
Sao cho dân cày chọn đúng thời gian
Kịp gieo hạt giống xuống ruộng đồng,
Cho mưa thuận gió hòa, bớt nỗi lầm than
Ngăn chặn thiên tai quấy phá nhà nông.
Lô-mô-nô-xốp còn là nhà khai hóa nước Nga thế kỷ 18. Ông nhiệt tình bảo vệ học thuyết Cô-péc-ních và chống lại sự xuyên tạc khoa học của bọn người mê tín dị đoan. Ông coi những thành tựu khoa học của đất nước như chiến công của Prô-mê-tê, người mà theo truyền thuyết, đã lấy lửa nhà trời đem về cho con người. Với ông, Prô-mê-tê là biểu tượng cuộc đấu tranh của khoa học chống lại sự ngu dốt và mê tín dị đoan.
Năm 1743, trong bài thơ “Suy nghĩ lúc bình minh”, ông viết về Mặt Trời, có đoạn:
Ở nơi ấy vầng sáng chói chang,
Có thấy đâu bến bờ vô tận!
Ở nơi ấy những xoáy lửa vĩnh hằng,
Mãi mãi cùng trường tồn với thời gian,
Cả đất đá sôi lên như nước
Của khối cầu đang bốc lửa ngút ngàn!
Thơ “ngẫu hứng khoa học” của Lô-mô-nô-xốp có nhiều. Ông làm thơ để “động viên khoa học”, động viên người lao động phục vụ công cuộc chuyển mình của nước Nga. Tuy không nói tới tình yêu-đề tài muôn thuở của thi ca-nhưng thơ ông được giới khoa học, trí thức và học sinh, sinh viên cảm nhận sảng khoái. Do vậy, những trang giải trí của các tạp chí, ấn phẩm về khoa học luôn đăng tải thơ ông. Đó cũng là lý do tại sao người dân, đặc biệt là giới trí thức Nga còn tôn vinh ông thêm một danh hiệu nữa là “nhà thơ” - “nhà thơ khoa học”.
Trong lịch sử nước Nga thế kỷ 18, nếu coi Pi-ốt Đại đế (1672 - 1725) là nhà cải cách vĩ đại của đất nước, Xu-vô-rốp (1730 - 1800) là vị Đại nguyên soái trăm trận trăm thắng thì Lô-mô-nô-xốp là nhà bác học bách khoa có công lớn nhất trong cuộc khai hóa và phát triển đất nước rộng lớn nhất hoàn cầu này.