Là một người Việt Nam, chúng ta có lẽ luôn tự hào về những điều ông cha ta đã làm được trong suốt bốn ngàn năm lịch sử. Cả một chặng đường dài với vô vàn những khó khăn, gian khổ, những thế hệ đi trước vẫn quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, từng khoảng trời của Tổ quốc. Dù cho quân thù có mạnh đến đâu, ông cha ta cũng vẫn bất khuất, kiên trung, sẵn sàng xả thân vì đất nước.
Lật trở lại từng trang quá khứ, chúng ta không thể không nhắc tới thời đại nhà Trần với hào khí Đông A rực lửa, hào khí mà mỗi khi nghe tên, quân thù phải khiếp sợ. Băng qua không gian, thời gian, hào khí ấy, sức mạnh ấy, ý chí ấy vẫn mãi vẹn nguyên, vẫn mãi trường tồn cùng núi sông. Âm vang của một hào khí thời đại đã được gìn giữ trong các sáng tác văn học ở giai đoạn này. “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão chính là một trong những tác phẩm như thế.Bài thơ tuy ngắn gọn nhưng mỗi vần thơ đều chứa đựng âm hưởng thời đại:
"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu “
Bài thơ “ Tỏ lòng “ được ra đời trong hoàn cảnh vua tôi nhà Trần đang bừng bừng khí thế, quyết tâm chống giặc Nguyên-Mông xâm lược lần thứ hai. Đó là thời đại của những người anh hùng như Trần Bình Trọng, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn chỉ muốn “xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù”. Dù cho kẻ địch có mạnh đến đâu, thì với niềm tin cùng tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quân đội nhà Trần vẫn vững vàng, hừng hừng khí thế. Nhắc đến thời nhà Trần, người đời đã ưu ái lấy để tịnh danh cho hào khí của cả một thời đại. Chữ “Trần” theo chữ Hán được ghép bởi chữ Đông và bộ A. Khi nhắc đến hào khí Đông A là nhắc đến hào khí của thời nhà Trần. Bài thơ “Tỏ lòng” của danh tướng Phạm Ngũ Lão” đã kết tinh được những hào khí ấy.
Mở đầu bài thơ, tác giả bày tỏ niềm tự hào trước sứ mạnh, khí thế của con người và thời đại nhà Trần:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.”
( Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân thế mạnh nuốt trôi trâu)
Câu thơ đầu dựng lên bức tượng đài sừng sững về người tráng sĩ thời Trần với tư thế kì vĩ, tầm vóc lớn lao, mang tầm vũ trụ. Hai chữ “ hoành sóc” miêu tả tư thế cầm ngang ngọn giáo, sẵn sàng chiến đấu.Bản dịch thơ “ Múa giáo” thiên về biểu diễn, chưa dịch sát ý thơ. Ngọn giáo của chàng được đo bằng chiều dài của non sông. Hình ảnh người tráng sĩ được đặt trong không gian bao la của đất trời, thời gian “ kháp kỉ thu” vô tận. Giữa mênh mông vô tận, giữa cái kì vĩ của không gian, vô cùng của thời gian là hình ảnh người anh hùng mạnh mẽ, kiên cường. Không chỉ miêu tả vẻ đẹp của người tráng sĩ, Phạm Ngũ Lão còn miêu tả khí thế của quân đội nhà Trần. “Tam quân” (tiền quân, trung quân, hậu quân) là hình ảnh đại diện cho sức mạnh quân đội dân tộc. Hình ảnh “khí thôn Ngưu” có thể hiểu là khí thế hừng hực nuốt trôi trâu, cũng có thể hiểu là sức mạnh dân tộc lấn át cả sao trời. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì câu thơ vẫn mang âm hưởng mãnh liệt, tô đậm sức mạnh dung mãnh của quân đội nhà Trần. Đó là sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Biện pháp tu từ so sánh kết hợp với nghệ thuật phóng đại, giọng điệu hào hùng, hai câu thơ đầu đã khắc họa vẻ đẹp lớn lao, kì vĩ của tráng sĩ và quân đội thời Trần. Để trở thành một người anh hùng, người đàn ông ngoài sự dung cảm còn cần phải có ý chí, có cái tâm sáng trong. Và tráng sĩ nhà Trần nói chung, nhà thơ Phạm Ngũ Lão nói riêng, đều hội tụ đủ những yếu tố đó. Qua hai câu cuối, ta sẽ hiểu rõ hơn về chí làm trai của người nam nhi cũng như lý tưởng cao đẹp của tác giả:
“Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.”
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe truyện Vũ Hầu)
Trong xã hội phong kiến xưa, nam nhi phải đặt công danh, sự nghiệp lên trên. Nhưng với Phạm Ngũ Lão, “chí làm trai” không chỉ là mục đích mà còn là một “món nợ”. Cụm từ “công danh trái” đã nói lên khát vọng làm trai của Phạm ngũ Lão là được trả nợ công danh, được cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Có thể nói, đây là một tư tưởng tiến bộ của người trai thời đại những vẫn giữ được những nét truyền thống. Câu thơ cuối cùng khép lại bài thơ đã nói lên vẻ đẹp của cái tâm qua nỗi lòng của một nhân cách lớn:
“Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”
Tác giả đã sử dụng điển tích “ Vũ Hầu” (nhân vật Gia Cát Lượng – người giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán, là một cá nhân kiệt xuất của tài năng, trí dung và lòng trung hiếu). Nói về Vũ Hầu, Phạm Ngũ Lão sử dụng từ “thẹn”. Có lẽ bởi nhà thơ nghĩ rằng mình chưa có đủ tài, đủ trí, chưa trả được nợ công danh giống như Vũ Hầu đã làm. Nhưng nhìn lại lịch sử, ta có thể thấy Phạm Ngũ Lão là một danh tướng kiệt xuất, văn võ song toàn, đã lập nhiều chiến công hiểm hách cho nhà Trần. Chính vì vậy, ta có thể thấy bên trong con người ông là một tính cách khiêm tốn, là nỗi thẹn của một nhân cách lớn. Nỗi thẹn không làm cho ông trở nên bé nhỏ mà nâng cao hơn nhân cách của Phạm Ngũ Lão.
Bài thơ “Tỏ lòng” vừa thể hiện nhân cách cao đẹp của Phạm Ngũ Lão, vừa thể hiện tinh thần hào khí thời đại. Âm hưởng hào hùng, cách sử dụng các hình ảnh thơ hùng vĩ, lớn lao đã khẳng định sự bất tử của một thời đại anh hùng. Hào khí Đông A của “ Tỏ lòng” là sự tiếp nối rực lửa trong “ Hịch tướng sĩ”, tiếp nối tinh thần tự hào dân tộc trong “ Nam quốc sơn hà”. Hào khí ấy âm vang cho tới tận sau này, góp phần thể hiện chủ nghĩa yêu nước mạnh mẽ, quyết liệt.
Qua “Tỏ lòng”, ta cảm nhận được những cống hiến, hy sinh của cha ông ta đê ngày nay chúng ta được sống trong bầu trời hòa bình. Là người con nước Việt, cùng được sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, hãy luôn tự hào về lịch sử nước nhà. Bài thơ “ Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão như một lời nhắc nhở đầy hào hùng về cội nguồn dân tộc, về một thời đại anh hùng, về một hào khí Đông A mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đã khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía.