Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nêu một số thành tựu nổi bật của nền kinh tế - xã hội nước ta từ sau khi tiến hành công cuộc đổi mới

 (Địa 8)
1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
964
0
1
Nguyễn Thành Trương
05/03/2018 21:52:13

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt những thành tựu quan trọng trong công cuộc CNH, HĐH đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu nhập trung bình); đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thật sự trở thành lực lượng quan trọng để thực hiện đường lối CNH, HĐH đất nước.

Về tăng trưởng kinh tế, trong suốt 30 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới. Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), với mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua gần 20 năm với mức tăng trưởng rất ấn tượng: giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm, gấp đôi so với 5 năm trước đó; giai đoạn 5 năm tiếp theo 1996-2000, mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999), GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005, GDP tăng bình quân 7,34%; giai đoạn 2006-2010, do suy giảm kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,32%/năm. Trong các năm tiếp theo, do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công 2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam tuy đã chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới.

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Năm 2003, sau 16 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người ở nước ta mới đạt 471 USD/năm thì đến năm 2015, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD. Lực lượng sản xuất có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện, trình độ công nghệ sản xuất có bước được nâng lên. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp TFP vào tăng trưởng nếu ở giai đoạn 2001-2005 đạt 21,4%, giai đoạn 2006-2010 đạt 17,2% thì trong giai đoạn 2011-2015 đạt 28,94%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Những nỗ lực đổi mới trong 30 năm qua đã giúp môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Cơ cấu thành phần kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế và đan xen nhiều hình thức sở hữu. Cơ cấu lao động có sự chuyển đổi tích cực gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có cải thiện đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ hai con số, giai đoạn 2011-2015, tăng 18%/năm. Xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng sản phẩm công nghiệp và giảm dần tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp, giảm dần sản phẩm nguyên liệu thô. Đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm,làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước. Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển, đồng thời hình thành các vùng chuyên môn hóa cây trồng, vật nuôi gắn với công nghiệp chế biến.

Các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá. Ngành công nghiệp và xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá liên tục, tốc độ triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ được cải thiện. Sản phẩm công nghiệp phát triển ngày càng đa dạng và chất lượng, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm cung cầu của nền kinh tế, giữ vững thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định; CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển biến quan trọng, từ lúc cả nước còn thiếu ăn, nay trở thành nước xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, đứng thứ hai thế giới, góp phần vào an ninh lương thực quốc tế; xuất khẩu cà-phê, cao-su, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản với khối lượng lớn đứng thứ hạng cao trên thế giới. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống: ngành du lịch, bưu chính viễn thông phát triển với tốc độ nhanh; các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn pháp lý có bước phát triển theo hướng tiến bộ, hiệu quả. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường gắn với yêu cầu phát triển bền vững được quan tâm và đem lại kết quả bước đầu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, điện, thông tin, viễn thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, giáo dục, y tế. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, đã tạo những tiền đề để bước đầu chuyển sang xây dựng kinh tế tri thức.

Qua 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt những thành tựu rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành có hiệu quả. Trong 30 năm đổi mới, đã ba lần sửa đổi và ban hành Hiến pháp, sửa đổi và ban hành hơn 150 bộ luật và luật, hơn 70 pháp lệnh. Gần đây, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và hàng loạt bộ luật để thể chế hóa Hiến pháp 2013,cơ bản tạo cơ sở pháp lý hình thành và thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là khẳng định nguyên tắc nền kinh tế có chế độ đa sở hữu, đa thành phần, nhiều hình thức phân phối; khẳng định nguyên tắc phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và vận hành thông suốt các loại thị trường; khẳng định nguyên tắc Nhà nước quản lý nền kinh tế theo các nguyên tắc của cơ chế thị trường; khẳng định nguyên tắc bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; khẳng định nguyên tắc mở cửa, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.

Ba mươi năm đổi mới kinh tế cũng đã chứng kiến vai trò tích cực của các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế quốc dân, tự do kinh doanh và cạnh tranh theo quy định của pháp luật: Kinh tế nhà nước dần phát huy tốt hơn vai trò chủ đạo; hệ thống doanh nghiệp nhà nước từng bước được cơ cấu lại, cổ phần hóa theo Luật Doanh nghiệp và đang giảm mạnh về số lượng. Kinh tế tập thể bước đầu được đổi mới, các hình thức hợp tác kiểu mới được hình thành phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh, giải quyết việc làm, đóng góp ngày càng lớn vào GDP. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và xuất khẩu. Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp không ngừng phát triển và ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế. Nhà nước pháp quyền XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đang tích cực được hoàn thiện, bộ máy quản lý nhà nước đã và đang được điều chỉnh theo hướng tinh giản, chức năng quản lý nhà nước về kinh tế cũng được nhận thức lại đúng đắn hơn, đổi mới cả trong nhận thức và thực hiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường.

Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Thị trường hàng hóa, dịch vụ có bước phát triển và hoàn thiện về quy mô, cơ cấu hàng hóa - thị trường trong và ngoài nước, kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, cơ chế quản lý, mức độ cạnh tranh. Thị trường tài chính, tiền tệ phát triển khá mạnh và sôi động. Bên cạnh kênh huy động vốn từ ngân hàng, thị trường chứng khoán bước đầu hình thành, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, hoạt động của thị trường bảo hiểm đã đóng góp tích cực vào việc ổn định sản xuất và đời sống dân cư, huy động vốn cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Thị trường bất động sản có bước phát triển nhanh chóng. Thị trường lao động được hình thành trên phạm vi cả nước. Thị trường khoa học - công nghệ đang hình thành và phát triển, số lượng và giá trị giao dịch công nghệ có bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Thị trường một số loại dịch vụ công cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục có bước phát triển mới, huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia.

Qua 30 năm đổi mới, việc tăng trưởng kinh tế cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm đã dần chuyển trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế và người lao động đều tham gia tạo việc làm; từ chỗ không chấp nhận có sự phân hóa giàu - nghèo đã đi đến khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói, giảm nghèo. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển khá đồng bộ, nhất là trong vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, Việt Nam đã tăng thêm ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội; đồng thời hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Ba mươi năm đổi mới là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO. Cho đến nay đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việt Nam đã ký kết mười Hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương (gồm sáu FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN; bốn FTA đàm phán với tư cách là một bên độc lập); vừa hoàn tất đàm phán hai FTA (Liên minh châu Âu và TPP); đang tích cực đàm phán ba FTA khác (ASEAN - Hồng Công; EFTA; RCEP). Việc tham gia ký kết và đàm phán tham gia các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, nhất là đến nay Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đó là: Chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than) và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giày.

Nguyên nhân của những thành tựu đạt được nêu trên là nhờ có nhận thức đúng đắn, đổi mới tư duy lý luận của Đảng về tính tất yếu của phát triển kinh tế thị trường; quyết định chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN; xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quyết sách về kinh tế, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với kinh tế thị trường sát thực và hiệu quả hơn. Mở rộng, phát huy dân chủ trong lĩnh vực kinh tế, thực hiện ngày càng tốt vai trò làm chủ về kinh tế của nhân dân. Vai trò lãnh đạo cũng như nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng rõ nét, theo đó đã xác định tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế, nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế của các tổ chức đảng, tăng cường lãnh đạo và kiểm tra về phát triển kinh tế.

Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để; là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân,vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước hình thành và phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện. Môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, thế và lực của nước ta vững mạnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh CNH, HĐH và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thức rõ còn những hạn chế, khó khăn không nhỏ của nền kinh tế đã và đang đặt ra những vấn đề cần có những quyết sách trong thời gian tới đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Năm 2015, năm đánh dấu một giai đoạn quan trọng của tiến trình phát triển, năm cuối của chặng đường 30 năm đổi mới có ý nghĩa rất quan trọng; là năm triển khai tích cực Cộng đồng ASEAN và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương một cách đồng bộ, hội nhập sâu rộng; đồng thời cũng là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015, tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Với niềm tin sâu sắc vào đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, sự cố gắng vươn lên trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương và sự phấn đấu nỗ lực của toàn dân, toàn quân, chúng ta luôn tin tưởng vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trên con đường hội nhập rộng mở phía trước.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×