Giữa tiếng nói của một dân tộc với nền văn hoá của dân tộc ấy chắc chắn phải có một mối quan hệ nhất định. Vì ngôn ngữ trực tiếp phản ánh cách tri giác và tư duy thế giới của cộng đồng dân tộc, mà văn hoá dân tộc không thể không liên quan đến cách tri giác và tư duy ấy [2, 287]. Thật vậy, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá từ lâu đã trở thành một mối quan tâm đặc biệt của các của các nhà ngôn ngữ học trên thế giới. Ở châu Âu, phải kể đến W. Humboldt (1767 – 1835) với những quan niệm nổi tiếng về ngôn ngữ và linh hồn của dân tộc, về hình thái bên trong của từ; đặc biệt là F. de Saussure (1857 – 1913) khi ông cho rằng: “phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ, và mặt khác, trong một chừng khá quan trọng, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc” [1,47]. Ở châu Mỹ phải nhắc đến F. Boas (1858 – 1942) và nhất là E. Sapir (1884 – 1939) và B. Whorf (1897 – 1941) với nguyên lý về tính tương đối của ngôn ngữ.
Tất cả những lý thuyết về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá đã tạo điều kiện cho các nhà Việt ngữ học khám phá ra những cái đặc sắc của văn hoá Việt thông qua tiếng nói hằng ngày của dân tộc này. Cho đến nay, trong giới Việt ngữ học đã có một số nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này và bước đầu đã mang lại nhiều kết quả đáng kể. Đáng kể đến là Nguyễn Đức Tồn, Lý Toàn Thắng, Cao Xuân Hạo, Đào Thản … đã chỉ ra rằng ngôn ngữ Việt và văn hoá Việt luôn có một mối quan hệ nhất định, đó chính là “cách nghĩ”, “ cách tư duy” của riêng người Việt mà ở các dân tộc khác không có. Như vậy, có thể nói, trong số các kiểu tư duy khác nhau cùng tồn tại ở con người hiện đại, mỗi dân tộc sẽ có thiên hướng nổi trội hay “ưa thích” một kiểu nào đó. Chính điều này là sự biểu hiện đặc trưng tư duy ngôn ngữ ở một dân tộc [7, 29].
Để làm rõ những nét đặc trưng văn hoá dân tộc của người Việt thông qua ngôn ngữ, chúng tôi tập trung vào những vấn đề chính sau: ngôn ngữ Việt phản ánh rõ nét nền văn minh lúa nước (nông nghiệp) thể hiện cách thức chia cắt thế giới khách quan; thể hiện qua cách tri nhận về không gian.