“Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc” - bức tượng đài hào hùng và khúc ai ca bi tráng. Giá trị nghệ thuật hết sức đặc sắc, làm cho bài Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc trở thành bất tử là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng được bức tượng đài về những người nông dân yêu nước, những người anh hùng vô danh “sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”. Bức tượng đài được đắp xây bằng nghệ thuật ngôn từ này có những đường về ngoại hình rất nổi, rất đặc thù của người nông dân nghèo mà giàu nghĩa khí không trộn lẫn vào ai khác được: “Ngoài cật một manh áo vải” Vũ khí họ mang theo khi ra trận cũng là những công cụ thô sơ lạc hậu. “Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi”, “gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay”, có khi chỉ là một đoạn gậy gộc: “trong tay cầm một ngọn tầm vông”. Thế nhưng tinh thần chiến đấu của họ đã tỏa sáng lên bức tượng đài: “Đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không”, “Xô cửa xông vào liều mình như chẳng có”. Những đường nét ghi lại hành động chiến đấu của họ thật đẹp, thật khỏe, thật hào hùng.
Phân tích “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”
Nét độc đáo tạo nên tinh thần ngoan cường hiếm có kể trên bắt nguồn từ phẩm chất cao cả của người nông dân mặc áo nghĩa quân. Trước khi trở thành nghĩa sĩ, dũng sĩ, họ chỉ là người dân cày chất phác, cần cù, giản dị. Họ có “đôi bàn tay vàng” trong nghề nông: “Việc cuốc, việc cày, việc bừa việc cấy tay vốn quen làm”. Họ có đôi mắt hiền lành, ánh lên vẻ đẹp hòa bình của đời sống thường nhật: “Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó”. Nhưng đối với quân xâm lược lòng căm thù của họ thật sâu sắc: “Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”. Tinh thần và lòng quyết tâm chiến đấu của họ rực rỡ hào quang của chân lí, chính nghĩa: “Hai vầng nhật nguyệt chói lòa đâu dung lũ treo dê bán chó”.
Những người nông dân anh hùng đã hi sinh trong trận đánh ngày 16-12-1861 ở Cần Giuộc sẽ mãi mãi là vô danh như hàng trăm, hàng ngàn người nông dân anh hùng khác đã hi sinh trong các cuộc khởi nghĩa kháng Pháp cuối thế kỉ XIX. Nhưng với bức tượng đài hào hùng, văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã làm cho họ trở thành bất tử. Họ sống mãi trong lâu đài văn chương, văn hóa của nhân dân.
Mọi giá trị nghệ thuật đặc sắc khác của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Là nó thực sự trở thành khúc ai ca bi tráng biểu hiện tấm lòng ngưỡng mộ và tiếc thương của cả một dân tộc đối với những người nông dân yêu nước, những nghĩa sĩ, những anh hùng vô danh này. Nguyễn Đình Chiểu đã viết những câu văn thật xúc động khi khóc thương họ:
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo
Ngữ điệu câu văn đọc lên nghe như có tiếng khóc nức nở, tắc nghẹn. Lời khóc tắc nghẹn nên nó mất mát các từ, các tiếng. Đáng ra đầy đủ là là phải: “Nước mắt khóc người anh hùng lau không hết được” có nghĩa là khóc và nước mắt chảy mãi, chảy hoài..
Tiếc thương và ngưỡng mộ, Nguyễn Đình Chiểu muốn các nghĩa sĩ không chết. Ông vận dụng cả tiềm thức và tâm linh để sáng tạo nên những hình tượng có tính siêu hình đặng nói cái vĩnh hằng, bất tử của những người nghĩa sĩ: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh”.
Tiếng lòng của Nguyễn Đình Chiểu trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cũng là tiếng lòng của cả một thời đại. Vua Tự Đức đã từng rung động với bài Văn tế và cho in phổ biến nó trong các tỉnh ở đồng bằng Nam bộ. Miên Thẩm Tùng Thiện Vương vắ công chúa Mai Am những người thuộc hoàng tộc triều Nguyễn cũng có thơ biểu hiện sự cộng hưởng, đồng sáng tạo với Nguyễn Đình Chiểu:
Bồi hồi đọc mãi bản văn ai
Phách cứng văn hùng cảm động thay…
… Quốc ngữ một thiên truyền mãi mãi
Còn hơn xây mộ cất khô hài.
(Thơ của Mai Am công chúa).
Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc là tác phẩm bất hủ sẽ trường tồn với lịch sử Việt Nam, nhân dân Việt Nam.