Bắt nguồn từ tiếng chim tu hú, trong nhà tù tối tăm, chật hẹp, bỗng nghe được tiếng chim vọng từ không gian rộng lớn bên ngoài khiến cho tác giả như bừng tỉnh, nhận ra bên ngoài kia là mùa hè đang đến:
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần”
Tiếng tu hú gọi bầy báo hiệu đất trời chuyển sang mùa hè, tác giả liền liên tưởng đến mùa của những cánh đồng lúa vụ chiêm đang chín vàng, mùa của hoa trái chín ngọt và đượm hương thơm. Thiên nhiên, đất trời và cảnh vật mùa hè được bắt nguồn từ đó, từ tiếng chim tu hú, rồi càng rõ nét hơn khi tác giả nhớ về tiếng ve:
“Vườn râm dậy tiếng ve ngân…
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào”
Tiếng ve là âm thanh thân thuộc gắn liền với mùa hè mà thiếu nó thì không còn phải mùa hè nữa, tiếng ve râm ran trong vòm lá gợi về kí ức sân phơi đầy ngô thóc vàng ươm dưới cái nắng đào. Đó là một hình ảnh thôn quê với cuộc sống thường nhật rất đỗi gần gũi mà nay tác giả chỉ có thể cảm nhận qua hồi tưởng kí ức của mình. Tất cả hòa quyện vào bầu trời trong xanh cao vút với tiếng sáo diều vi vu:
“Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo nhộn lào từng không”
Tuổi thơ của những đứa trẻ nông thôn chẳng ai là không gắn bó với con diều, tiếng sáo, từng chiều hè chạy thả diều trên những cánh đồng, nhìn những con diều tung bay trong gió, nhộn lào. Hình ảnh con diều chính là biểu tượng của sự tự do, tung hoành ngang dọc giữa đất trời, và đó cũng chính là tiếng lòng khát khao tự do cháy bỏng của tác giả.
Bằng tất cả niềm tin yêu vào cuộc sống và khát vọng tuổi trẻ của mình, người tù cộng sản Tố Hữu đã không ràng buộc mình vào chốn tù ngục mà thả tâm hồn ra ngoài với mùa hè sống động và tràn đầy sắc hương. Nhà thơ chắc hẳn phải là người yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời và yêu lí tưởng cách mạng mới có thể đạt đến những cảm nhận tinh tế và sâu sắc như vậy. Khổ đầu của bài thơ “Khi con tu hú” quả là một bức tranh thiên nhiên mùa hè tuyệt đẹp, đồng thời nó cũng chứa đựng những tâm sự và nỗi lòng sâu lắng của nhà thơ.