Chia li, chuyện ấy tưởng chừng như chỉ có ở con người, ở những người đã lớn, đã trưởng thành. Vậy mà tác giả Khánh Hoài đã đem sự chia ly ấy đến với hai con búp bê. Văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê, nhà văn Khánh Hoài đề cập đến những tình cảm và tấm lòng vị tha, nhân hậu, trong sáng và cao đẹp của những bạn nhỏ chẳng may rơi vào bất hạnh để khơi dậy trong lòng mỗi chúng ta: Tình cảm anh em trong sáng và biết thông cảm với những bạn có hoàn cảnh không may.
Truyện Cuộc chia tay của những con búp bê của Khánh Hoài đạt giải nhì, trích trong tuyển tập thơ văn được giải thưởng cuộc thi viết về quyền trẻ em do Viện Khoa học giáo dục tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển – 1992.
Truyện viết về cuộc chia tay đầy xúc động và những tình cảm chân thành của hai anh em ruột khi gia đình tan vỡ. Nhân vật chính là Thành và Thủy. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất. Người xưng ”tôi”trong truyện là Thành, là người chứng kiến các việc xảy ra, cũng là người cùng chịu nỗi đau như em gái mình. Cách lựa chọn ngôi kể này giúp tác giả thể hiện được một cách sâu sắc những suy nghĩ, tình cảm và tâm trạng nhân vật. Mặt khác, kể theo ngôi này cũng làm tăng tính chân thực của truyện và do vậy sức thuyết phục của truyện cũng cao hơn.
Nhan đề mang ý nghĩa ẩn dụ và biểu tượng sâu sắc. Búp bê là những thứ vô tri vô giác nhưng lại gắn bó với tuổi thơ của những đứa trẻ. Khi “búp bê” chia tay cũng là lúc những đứa trẻ đó rơi vào nỗi đau đớn không thể thấu. Và đây cũng chính là cuộc chia tay của Thành và Thủy. Trẻ em chính là những nạn nhân đau xót của các cuộc hôn nhân không hạnh phúc, đáng lẽ ra các em phải được sống trong một gia đình đủ đầy thì lại phải chia lì nhau, mỗi người một nẻo.
Thành và Thủy là hai anh em rất mực yêu thương, đùm bọc, chở che cho nhau từ tấm bé. Tình cảm đó được biểu hiện qua nhiều chi tiết như hồi lớp Năm, có lần Thành đi đá bóng bị rách áo, chính Thủy đã đem kim chỉ ra sân để vá cho anh. Một biểu hiện thật bình dị, giản đơn nhưng đượm tình nghĩa. Hai anh em đi học cũng luôn đi cùng nhau “vừa đi vừa trò chuyện”.
Khi bố mẹ bỏ nhau, hai anh em phải mỗi người một nơi, nỗi đau hiện lên từng khuôn mặt đến ngạt thở. Thủy “khóc nức nở, tức tưởi” trong khi Thành thì “cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc to, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đẫm cả gối”. Những giọt nước mắt đó chứa đầy sự đau đớn và tủi nhục khi gia đình tan vỡ. Tác giả đã khiến người đọc không kìm được xúc động khi đọc những câu văn thẫm đẫm nước mắt này.
Yêu thương nhau là vậy, thế mà hai anh em lại phải chia lìa nhau. Khi mẹ bảo hai anh em chia đồ chơi thì Thủy bất giác run lên bần bật, kinh hoàng, cặp mắt buồn thăm thẳm, hai bờ mi sưng mọng lên vì khóc nhiều. Thủy mở to đôi mắt như người mất hồn, loạng choạng bám vào cánh tay anh. Thành buồn bã, không muốn chia đồ chơi, muốn cho em tất cả. Hai anh em cứ thừ ra, chẳng muốn chia bôi, cũng chẳng muốn thu lại. Khi phải chia con Én nhỏ và con Vệ sĩ, hai anh em rất buồn khổ, đau xót, bất lực . Rõ ràng là hai anh em rất buồn bã, đau đớn, không muốn chia nhau búp bê. Người mẹ đã phải giục đến lần thứ ba thì hai anh em mới phải bắt buộc chia nhau. Và khi nghe nói đến phải chia cả hai đều rất lo lắng, sợ hãi, lo âu.
Khi thấy anh chia hai con búp bê ra hai bên, Thủy còn tru lên giận dữ. Tâm trạng của Thủy có sự mâu thuẫn. Mâu thuẫn ở chỗ một mặt Thủy rất giận dữ không muốn chia rẽ hai con búp bê, nhưng mặt khác em lại rất thương anh, sợ đêm đêm không có con vệ sĩ canh giấc ngủ cho anh, nên đã rất bối rối sau khi đã tru tréo lên giận dữ. Đưa ra tình huống này, nhà văn Khánh Hoài muốn gợi lên trong lòng mỗi chúng ta những suy nghĩ lắng sâu và đợi chờ câu trả lời của bạn đọc chúng ta. Có lẽ cách tốt nhất là gia đình Thành – Thủy phải đoàn tụ thì hai anh em sẽ không phải chia tay nhau, hai con búp bê cũng mãi được ở bên nhau.
Những mâu thuẫn và hình ảnh của hai anh em Thành Thủy khi chia đồ chơi gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc làm cha, làm mẹ, haỹ có trách nhiệm hơn với cuộc sống gia đình, hãy gìn giữ và cùng nhau vun đắp hạnh phúc, để trẻ em được hưởng cả tình yêu thương của cha và mẹ.
Đoạn cuối tác giả kể về khoảng khắc Thủy chia tay lớp. Và ở đoạn này, thực sự người đọc không thể kìm được cảm xúc của. Khi cô giáo tặng Thủy quyển sổ và cây bút thì Thủy không dám nhận vì em sẽ không được đi học nữa, vì “mẹ em sẽ sắm cho em một thúng hoa quả để ra chợ ngồi bán”. Bàng hoàng và bất ngờ nhất khiến ai cũng phải giật mình là chi tiết khi Thủy cho biết: Em sẽ không được đi học nữa, do nhà bà ngoại xa trường quá mà em sẽ phải đi bán hoa quả. Điều đó có nghĩa là sau cuộc chia tay thầy và bạn này, cô bé đáng thương ấy sẽ bị ném ra cuộc đời kiến sống, sẽ vĩnh viễn mất niềm vui tuổi học trò Þ thật là xót thương.
Kể lại câu chuyện chia tay đẫm nước mắt ấy, sau khi ra khỏi trường, Thành đã: “kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Đây là tình huống trớ trêu, đối chọi giữa nội tâm và ngoại cảnh. Cũng là diễn biến tâm lí được tác giả miêu tả rất hài hoà. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, tạo vật đẹp đẽ, vô tư, bình thản trước cảnh ngộ bất hạnh của con người làm tăng thêm nỗi buồn sâu thẳm, trạng thái thất vọng, bơ vơ, lạc lõng của nhân vật trong truyện và như một lời nhắc khẽ: mỗi người hãy lắng nghe và chú ý đến những gì đang diễn ra quanh ta, để san sẻ nỗi đau cùng đồng loại. Không nên sống dửng dưng, vô tình.
Tóm lại, qua văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê, Khánh Hoài muốn nhắn nhủ tới bạn đọc rằng tình cảm của gia đình, hạnh phúc của gia đình vô cùng quý giá và quan trọng. Mọi người hãy cố gắng bảo vệ và giữ gìn, không nên vì bất cứ lý do nào để làm tổn hại đến những tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.