Cuộc sống của con người được nuôi dưỡng bởi những ước mơ về tương lai tốt đẹp hơn, con đường trước mặt trải luôn thảm đỏ và hoa hồng. Nhưng liệu có ai có dịp ngoảnh lại chặng đường đã qua, để lục tìm trong kí ức những bài học dẫn đến thành công? Nhiều người tin rằng để thành công và thăng tiến trong cuộc sống cần phải biết lãng quên những sai lầm và thất bại trong quá khứ. Nhưng một số người khác lại coi kí ức như một điều quan trọng trong cuộc sống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Vậy kí ức gây cản trở hay giúp con người trong nỗ lực học hỏi từ quá khứ để thành công trong hiện tại?
Quả thật khi có những ý kiến trái chiều nhau, mỗi bên đều có lý do riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Những ai cho rằng “cần phải biết lãng quên những thất bại và sai lầm trong quá khứ” có lẽ e ngại những kí ức về quá khứ thất bại và sai lầm sẽ làm con người trở nên do dự khi tiến hành chinh phục một mục tiêu nào đó. Quá khứ đối với họ như một vết đen, một dấu ấn không tốt luôn ám ảnh, thậm chí có thể làm ảnh hưởng đến sự nghiệp và tiền đồ của họ. Còn phía những người cho rằng kí ức là “cầu nối giữa quá khứ và hiện tại” thì tỏ ra lạc quan hơn, họ dám nhìn thẳng vào những sai lầm thất bại trong quá khứ để rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết để tránh vấp ngã trong tương lai. Dù muốn lãng quên hay mang theo kí ức trên hành trang tiến vào tương lai, cả hai phía đều không thể phủ nhận sự tồn tại hiển nhiên của kí ức trong mỗi con người.
Thực tế trong cuộc sống, ai không có những thất bại và sai lầm, xuất phát từ hoàn cảnh khách quan và yếu tố chủ quan của mỗi người. Nhà cách mạng Phan Bội Châu đã từng đúc kết thành bài học: “Tay ba lần gãy - mới biết thuốc tiên – Đánh trăm trận quen - Mới nên tướng giỏi - Nếu không thất bại – Sao có thành công? – Xưa nay anh hùng - từng thua mới được!”. Nhà thơ cộng sản Tố Hữu cũng từng viết : “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại? Ai nên khôn mà không dại đôi lần?”. Các ý kiến trên đều chứng tỏ vai trèo quan trọng không thể phủ nhận của những bài học từ quá khứ sẽ quyết định cho sự thành bại của con người trong tương lai. Quá khứ dù có sai lầm hay thất bại thì ta cũng không thể chối bỏ được nó. Nhà thơ Abutalip của Đaghextan từng phát biểu: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Nếu không biết tôn trọng quá khứ thì con người sẽ không tránh khỏi những va vấp trong cuộc sống, sẽ chuốc lấy những thất bại. Thực tế con đường đi tới thành công không bao giờ chỉ trải thảm đỏ và hoa hồng. Con người phải luôn đối mặt khó khăn thử thách thì mới có cơ hội thực sự trưởng thành và thăng tiến trong sự nghiệp. Những người muốn lãng quên quá khứ sai lầm và thất bại thực ra sẽ không thể nào dứt bỏ được kí ức mà ngược lại, kí ức ấy tồn tại một cách vô hình mỗi khi con người gặp những cảnh ngộ, những tình huống ở hiện tại tương tự như họ đã từng gặp trong quá khứ. Muốn thành công, họ không thể lặp lại vết xe đổ trước đó, còn nếu lãng quên thật sự thì chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại mà thôi! Sự thăng tiến ở những con người ấy nếu có, cũng chỉ là từ sự khôn ranh, cơ hội, che đậy suy nghĩ vụ lợi đầy tính toán ích kỉ, biểu hiện của lối sống bị cả xã hội lên án.
Quan sát trong đời sống, mỗi một sự phát triển đi lên bao giờ cũng gắn với những con người biết khắc phục sai lầm quá khứ, biết vươn lên từ thất bại. Nhà phát minh người Mỹ Thomas Edison khi được vinh danh như con người vĩ đại của nước Mỹ vì công lao thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại vẫn không quên những lời phỉ báng của cô giáo chủ nhiệm năm lớp Bốn. Chính sự miệt thị thiếu công bằng, sự xúc phạm từ tuổi thơ đã thôi thúc ông chứng minh mình không phải là đứa học trò “dốt, lười, hư và hỗn láo” qua hàng ngàn phát minh sáng chế, để tên tuổi của ông được đặt một cách trang trọng cho ngôi trường mà ông đã bị đuổi học. Những ai từng đọc giai thoại về Cao Bá Quát chắc chắn còn nhớ câu chuyện rèn chữ của ông. Dù văn hay nhưng chữ xấu, Cao Bá Quát đã khiến quan huyện nổi giận phạt người được ông viết giúp đơn. Nỗi nhục chữ xấu ám ảnh khiến Cao Bá Quát ngày đêm luyện chữ, trở thành người chữ đẹp nổi tiếng hàng đầu thời nhà Nguyễn. Giả sử không tự sửa mình, Cao Bá Quát sẽ không thể nào được người đời sau ca tụng không chỉ “văn hay” mà còn “chữ tốt”. Kí ức không chỉ có vai trò quan trọng đối với cá nhân mà còn có vai trò vô cùng cần thiết với xã hội, với cộng đồng. Dân tộc ta nhờ phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm mà lần lượt đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Nhưng từ sự sai lầm chủ quan duy ý chí bất chấp thực tế khách quan mà chúng ta vấp phải hàng loạt những sai lầm trong xây dựng kinh tế. Việc chỉ hướng về tương lai tốt đẹp mà không tự vạch ra con đường riêng của mình, rập khuôn những mô hình lạc hậu về kinh tế đã khiến chúng ta phải trả một giá đắt. Đại hội VI của Đảng năm 1986đã nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm từ những sai lầm để quyết tâm đổi mới, làm đá6t nước ta có bước phát triển vượt bậc, vững vàng hơn trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Như vậy, có thể thấy kí ức sẽ đem lại cho ta những bài học kinh nghiệm, những thực tiễn quí báu để làm hành trang đi tới tương lai vững chắc.
Tuy nhiên, cũng cần phải có thái độ đúng đắn khi nhìn lại, nghĩ về quá khứ. Có những người quá nặng nề với quá khứ sẽ trở nên bi quan, thiếu tin tưởng vào bản thân, do dự trong suy nghĩ, thiếu quyết tâm hành động. Còn những người biết vượt qua quá khứ thất bại và sai lầm, có bản lĩnh, có ý chí vươn lên thì sẽ luôn tự tin, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận thử thách hiện tại để thành công trong tương lai. Những người như vậy đã “lãng quên quá khứ” một cách đúng đắn, gạt bỏ tảng đá nặng nề của kí ức trên đường để đến đích tương lai rộng mở!
Mỗi học sinh chúng ta cũng luôn cần tạo cho mình thái độ đúng đắn với quá khứ, tự rèn luyện bản thân, không chủ quan tự mãn hay tự ti trước quá khứ, có như vậy chúng ta mới thật sự trở thành những con người có ích cho xã hội mai sau.