Biển học vô bờ ! Kiến thức mà mỗi người học được, biết được, khám phá ra được như những dòng suối bé con. Những cái xung quanh mà con người cần khám phá như đại đương bao la. Dù có thông minh, miệt mài, cố gắng đến bao nhiêu mỗi người chỉ nhặt được một lượng kiến thức bé nhỏ như một hạt cát trên bờ biển trong một sáng mai hồng mà thôi.
Vào thời cổ đại, có những người uyên bác, trí tuệ có thể thâu tóm cả thế giới như Democrite, Aristote… Đã có lúc, con người ngỡ rằng có thể dễ dàng biết hết và hiểu hết thế giới này. Thật ra, đó chỉ là những ngộ nhận của buổi ban đầu, khi tri thức của con người về thế giới còn ít ỏi. Những phát minh khoa học và những quyển sách được viết ra chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đến thế kỷ XVIII, nhân loại phải chua chát thừa nhận rằng, kể từ sau Hegel (nhà triết học cổ điển Đức) sẽ không còn một người nào có bộ óc bách khoa toàn thư nữa. Sự thật là như vậy, không một ai có thể đọc hết, biết hết khối lượng kiến thức đồ sộ mà nhân loại đã sáng tạo và tích luỹ trong tiến trình lịch sử.
Biển học vô bờ! Cổ nhân đã nói như vậy. Chúng ta cũng biết như vậy! Thế nhưng, thật là đáng buồn, đến hôm nay, vẫn còn nhiều người có ảo tưởng là mình “biết tuốt” tất tần tật. Từ đó dẫn đến có nhiều người thiếu khiêm tốn trước tri thức, trước người khác, trước cả những người thầy…Ảo tưởng đó rất phổ biến. Ngộ nhận “biết tuốt” đã làm cho nhiều người không chịu học, nghiên cứu sau khi đã tốt nghiệp hay có một việc làm để nương thân. Đó là điều vô cùng nguy hại. Thói tự mãn như liều thuốc độc giết chết con người một cách dần dần mà không hề biết được.
Nhà sinh học nổi tiếng thế giới người Anh, C. Darwin, với nhiều công trình khoa học ghi dấu ấn vào lịch sử đã từng nói: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. A. Einstein, bộ óc vĩ đại của nhân loại, nhà bác học lớn nhất của mọi thời đại với Thuyết tương đối đã mở ra một tầm nhìn mới trong sự khám phá thế giới. Thế nhưng trong cuộc tìm kiếm tri thức, A. Einstein không bao giờ thoả mãn. Ông có một câu nổi tiếng: “Dùng một vòng tròn biểu thị kiến thức tôi đã học thì phần trắng bên ngoài đường tròn còn rộng biết bao, có nghĩa là những điều tôi chưa biết còn rất nhiều. Hơn nữa vòng tròn càng to, chu vi của nó càng lớn, thì sự tiếp xúc với phần trắng bên ngoài càng mênh mông hơn. Do đó, có thể thấy những điều tôi chưa biết là nhiều vô kể”.