Tuy nhiên, xung đột vẫn chưa thể biến mất, thậm chí còn tiếp tục leo thang và trở nên trầm trọng hơn.
Giới quan sát cho rằng, sự thay đổi cán cân quyền lực cũng như toan tính chính trị của các siêu cường tại một số "điểm nóng" có thể dẫn đến khủng hoảng làm gia tăng xung đột giữa các cường quốc, khơi nguồn cho một cuộc chiến mới - Chiến tranh thế giới thứ ba.
Theo nhận định, Triều Tiên, Vùng Vịnh, Ukraine, Nam Á hay Biển Đông là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát chiến tranh, kéo theo sự vào cuộc của các cường quốc trong năm 2018. Viễn cảnh này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh lại các thể chế khu vực và những mối quan hệ đối tác an ninh để sẵn sàng ứng phó với nguy cơ chiến tranh.
Hồ sơ khủng hoảng Triều Tiên
Mối quan ngại lớn nhất trong năm 2018 sẽ là Triều Tiên - quốc gia đang tìm cách củng cố năng lực hạt nhân và tên lửa. Triều Tiên rõ ràng là một sự khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất mà thế giới hiện đang phải đối diện.
Việc Bình Nhưỡng phát triển thành công các tên lửa đạn đạo, cùng với việc thiếu kinh nghiệm ngoại giao của chính quyền Donald Trump, đã đặt thế giới vào một tình huống cực kỳ nguy hiểm.
Hồ sơ khủng hoảng Triều Tiên. Trên thực tế, việc Triều Tiên liên tục tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân khiến cho Mỹ không hài lòng. Có vẻ như Triều Tiên chưa cho thấy dấu hiệu sụp đổ nào trước sức ép dồn nén của Mỹ. Điều này khiến Mỹ lo sợ rằng vũ khí mới của chính quyền Bình Nhưỡng có thể tấn công vùng lãnh thổ Guam hoặc bất kỳ vùng lãnh thổ khác của Mỹ.
Tình hình càng phức tạp hơn khi cả Triều Tiên và Mỹ đều đưa ra những tuyên bố đe dọa đánh đòn phủ đầu. Với Mỹ là nhằm hủy diệt hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng của Bình Nhưỡng trước khi các tên lửa có thể kịp rời mặt đất, còn với Triều Tiên là nhằm tránh một kịch bản như vậy.
Tình hình trên rất dễ dẫn tới sự tính toán sai lầm của cả Bình Nhưỡng và Washington, bộc lộ nguy cơ bùng phát một cuộc chiến có thể kéo theo cả sự tham gia của Nhật Bản và Trung Quốc.
Xung đột biên giới Nam Á
Một điểm nóng khác của thế giới là vùng biên giới Ấn Độ và Pakistan, nơi đã xảy ra vài cuộc chiến tranh để giành khu vực Kashmir. Ấn Độ và Pakistan từng là đối thủ của nhau kể từ năm 1947, khi cả hai được tách ra từ sự đô hộ của đế quốc Anh.
Từ đó, hai quốc gia này từng bốn lần chiến tranh (năm 1947, 1965, 1974 và 1999), thậm chí suýt xảy ra vụ thứ 5 hồi năm 2008. Chưa hết, cả hai quốc gia này đều sở hữu vũ khí hạt nhân - không dưới 100 đầu đạn nguyên tử, và đang phát triển "bộ ba" gồm máy bay tấn công hạt nhân, tên lửa đất liền và tàu ngầm.
Cuộc chiến 1999 được xem là đặc biệt nguy hiểm, bởi cả hai đều chuẩn bị dùng tới sức mạnh hạt nhân. Giới quan sát cho rằng hoàn toàn có thể hình dung ra một kịch bản chiến tranh hạt nhân bắt đầu từ những xung đột trên biên giới.
Việc leo thang không kiểm soát có thể dẫn tới xung đột giữa lực lượng không quân và hải quân của cả hai bên. Mặc dù vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể ổn định mặt trận, nhưng nó sẽ tạo ra nguy cơ chiến tranh hạt nhân toàn diện. Khi chiến tranh hạt nhân bùng nổ, áp lực leo thang, trả thù sẽ là hậu quả đánh đổi sinh mạng của hàng triệu người người dân. Thực tế, không bên nào muốn chiến tranh nhưng mối nguy tiềm ẩn vẫn đang chực chờ.
Xung đột biên giới Ấn Độ - Pakistan. Nam Á càng trở nên "nóng" hơn khi hai "gã khổng lồ" Trung Quốc và Ấn Độ luôn ở trạng thái bên bờ xung đột vũ trang. Trung Quốc và Ấn Độ lâu nay vẫn thường xuyên nổ ra tranh chấp tại những nơi tiếp giáp đường biên giới dài gần 4.000 km giữa hai nước và chưa được phân định rõ ràng.
Khu vực này đã chứng kiến cuộc xung đột vũ trang vào năm 1967, sau đó là thời kỳ căng thẳng và điều binh dọc biên giới bang Arunachal Pradesh giai đoạn 1986-1987, và gần đây nhất là tranh chấp tại Doklam khi Bắc Kinh cho khởi công xây dựng một con đường mới dẫn tới cao nguyên này.
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đều đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra trong trường hợp hai nước không đi tới một giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên cao nguyên Doklam.
Mặc dù những bất đồng tại biên giới Trung - Ấn đã được tích lũy trong một thời gian dài thế nhưng cho đến nay bầu không khí vẫn đang tương đối bình yên. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo, một khi đạn đã rời nòng súng thì xung đột có thể leo thang thành một cuộc chiến toàn diện.
Ukraine tiếp tục hỗn loạn
Tình hình ở Ukraine vẫn rất căng thẳng. Thỏa thuận ngừng bắn mong manh ở miền Đông Ukraine đang ngày càng dao động bởi bạo lực giữa Kiev và phiến quân địa phương. Trong khi đó, các cuộc biểu tình tại Kiev cũng như "chuyện rùm beng" xung quanh cựu Tổng thống Gruzia "bán nước cầu vinh" Mikhail Saakashvili đều đặt ra câu hỏi về hoạt động không ổn định của chính phủ Ukraine hiện nay.
Khủng hoảng có thể bùng phát theo nhiều cách khác nhau. Chính phủ Ukraine sụp đổ có thể dẫn tới sự bất ổn đầy bạo lực. Ngược lại, sự sụp đổ của chính phủ Kiev cũng có thể dẫn tới việc các nhân vật cánh tả lên nắm quyền, lại chỉ đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc xung đột ở các tỉnh miền Đông.
Ukraine tiếp tục hỗn loạn. Mặc dù chính quyền Donald Trump dường như đã xa rời chính sách hậu thuẫn cho Kiev của thời Obama nhưng khủng hoảng xảy ra ở Ukraine cũng có thể kéo châu Âu và Mỹ vào cuộc đối đầu với Nga.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền Kiev trong khi Nga được cho là đứng về phía lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Những diễn biến trên khiến không ít người lo ngại viễn cảnh Nga và Mỹ có thể sẽ bị lôi kéo sâu vào cuộc chiến ở Ukraine và không loại trừ khả năng hai nước sẽ trở thành những đối thủ trực tiếp trên chiến trường này.
Trò chơi nguy hiểm ở vùng Vịnh
Các cuộc xung đột ở Trung Đông luôn tiềm ẩn những mầm mống thổi bùng một lên cuộc chiến lớn. Khi cuộc chiến ở Syria đang đi đến hồi kết, sự chú ý lại chuyển sang sự đối đầu giữa Iran và Ảrập Saudi. Hiện nay, Ảrập Saudi cho thấy rõ rằng họ đã chuẩn bị sẵn để xây dựng liên minh ngoại giao và quân sự chống lại Iran, và thậm chí liên minh có thể bao gồm cả Israel.
Ảrập Saudi dường như thích khiêu khích và luôn đổ lỗi cho sự nhúng tay của Tehran vào bất cứ sự bất ổn nào. Về phần mình, Iran cũng tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở Iraq, Syria và nhiều nơi khác. Căng thẳng giữa hai đối thủ không đội trời chung gần đây leo thang đỉnh điểm sau một loạt sự cố nghiêm trọng.
Mới đây nhất, Thái tử Ảrập Saudi Mohammed bin Salman tố Iran đang vũ trang cho phiến quân nổi dậy Huthi ở Yemen, và cảnh báo điều này có thể được xem là "hành động gây chiến" với Ảrập Saudi.
Giới quan sát nhận định, những gì đang diễn ra tại Trung Đông không chỉ là một vụ "cãi vã ở cấp khu vực" mà đây thực thụ là một mâu thuẫn lớn, đe dọa an ninh và kinh tế toàn cầu. Chưa rõ liệu Riyadh và Tehran có thể kiềm chế chiến tranh, nhưng "trò chơi nguy hiểm" giữa hai quốc gia này có nguy cơ đẩy toàn thế giới vào một cuộc xung đột vũ trang.
"Kho thuốc súng" biển Đông
Biển Đông là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh đối đầu giữa các nước. Đầu tiên là xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc quanh các đảo Sensaku/Điếu ngư.
Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền với các hòn đảo và triển khai lực lượng vũ trang ở khu vực gần các đảo. Nếu như xung đột Trung Quốc - Nhật Bản bùng nổ, Mỹ - nước gắn kết với Nhật Bản bằng hiệp ước bảo vệ lẫn nhau - sẽ phải can thiệp, còn Trung Quốc sẽ tìm cách ra tay trước bằng cách tấn công các mục tiêu quân sự Mỹ trong khu vực.
Bên cạnh đó, sự đối đầu nguy hiểm giữa Mỹ và các đơn vị Hải quân và Không quân Trung Quốc trên biển Đông cũng là một nguy cơ làm bùng phát chiến tranh. Nếu một trong các bên mất kiểm soát có thể dẫn tới những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Chiến tranh Mỹ- Trung sẽ là một thảm họa, Nhật Bản và Ấn Độ có thể sẽ tham gia vào cuộc chiến tranh này.
Trong khi Trung Quốc không ngừng có hành động bành trướng mở rộng chủ quyền đơn phương như xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) thì Mỹ vẫn tiếp tục triển khai chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Hành động của Mỹ đang khiến chính quyền Bắc Kinh đứng ngồi không yên.
Khi sức mạnh kinh tế tăng vọt, Bắc Kinh đã gửi công hàm tới Liên Hiệp Quốc để đòi chủ quyền với gần như toàn bộ biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ đã lựa chọn chuyển trọng tâm chiến lược đối ngoại sang châu Á để làm rõ với các đồng minh và đối tác, khiến Trung Quốc sẽ không thể tự tung tự tác.
Song song với đó, Mỹ cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác và ủng hộ các nước ASEAN trong việc thực hiện chủ quyền trên vùng biển Đông. Rõ ràng, tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ nét khiến biển Đông đứng trước nguy cơ trở thành "kho thuốc súng" làm bùng nổ chiến tranh...