Trong quá trình dạy và học các môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn học Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam …, có một vấn đề đã trở nên hết sức quen thuộc, thậm chí được sử dụng rất phổ biến, mặc dù không phải ai cũng hiểu hết nội dung, tính chất của nó. Đó là vấn đề: Tính chất thuộc địa nửa phong kiến của xã hội Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược đến Cách mạng tháng Tám. Trong môn học Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, vấn đề này được trình bày trong phần đầu của bài thứ nhất (Bài: Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập 3-2-1930 và Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ). Để giải thích rõ hơn, xin phân tích thêm về những đặc điểm kinh tế, xã hội của Việt Nam trong thời kỳ rất đặc biệt này.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Chủ nghĩa tư bản đã phát triển sang giai đoạn độc quyền và nhu cầu về thuộc địa càng trở nên cấp thiết đối với tất cả các nước đế quốc. Bằng ưu thế của các nước có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển sớm, đế quốc Pháp (cũng như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan…) đã nhanh chóng thôn tính nhiều vùng đất làm thuộc địa cho mình.
Nhìn lại xã hội Việt Nam trước khi trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, chúng ta thấy nổi lên một số đặc điểm chủ yếu như:
Thứ nhất, nền kinh tế tự nhiên (tự cấp, tự túc) chiếm địa vị chi phối toàn bộ hoạt động của nền kinh tế.
Thứ hai, giai cấp thống trị duy nhất lúc đó là vua và địa chủ phong kiến (lực lượng chiếm hữu đại bộ phận ruộng đất trong xã hội). Giai cấp nông dân hầu như không có ruộng đất (chủ yếu là làm thuê cho địa chủ hoặc lĩnh canh). Ngoài hai giai cấp cơ bản đó xã hội Việt Nam lúc này đã có sự manh nha của những giai cấp mới như: địa chủ tư sản hoá hoặc nông dân, thợ thủ công mất việc (trở thành bộ phận đầu tiên của giai cấp vô sản).
Thứ ba, quyền lực nhà nước tập trung trong tay vua, quan lại phong kiến và hệ thống bộ máy trấn áp nhân dân. Quyền chiếm hữu ruộng đất và bóc lột địa tô hoàn toàn do địa chủ, cường hào trực tiếp nắm giữ.
Vào nửa cuối thế kỷ XIX, cùng với sự xâm lược của thực dân Pháp thì quan hệ sản xuất TBCN cũng xâm nhập và dần làm biến đổi xã hội Việt Nam. Từ một nước phong kiến nước ta trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến.
So với xã hội phong kiến, đặc điểm chủ yếu của xã hội Việt Nam lúc này là:
1. Quan hệ sản xuất TBCN đã xâm nhập vào, kinh tế hàng hoá và kinh tế tiền tệ được mở rộng, từng bước đẩy lùi và thu hẹp phạm vi của nền kinh tế tự cấp, tự túc. Một nền kinh tế không hoàn toàn là phong kiến cũng không hoàn toàn là TBCN, đó là nền kinh tế thuộc địa nửa phong kiến. Để bóc lột, vơ vét nguồn lợi từ thuộc địa, Pháp thực hiện một chính sách kinh tế thực dân rất bảo thủ và phản động: “Duy trì phương thức sản xuất phong kiến kết hợp với việc thiết lập một cách hạn chế phương thức sản xuất TBCN” ( 1 ).
2. Do sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của quan hệ sản xuất TBCN và chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp mà nền sản xuất trong nước đã có những biến đổi sâu sắc. Một số nghành công nghiệp đã ra đời như khai thác mỏ, giao thông vận tải…Quan hệ ruộng đất cũng không còn giữ nguyên được hiện trạng và hình thức bóc lột đặc thù vốn có của nó.
Sự phân hoá rõ rệt và sâu sắc trong xã hội đã tạo nên một cơ cấu giai cấp mới. Ngoài giai cấp địa chủ và nông dân, bắt đầu xuất hiện các giai cấp khác là công nhân, tư sản, tiểu tư sản thành thị, thậm chí trong giai cấp nông dân còn phân hoá thành phú nông, trung nông và bần nông.
3. Trong thời kỳ phong kiến, bộ máy nhà nước trong xã hội Việt Nam do giai cấp địa chủ độc quyền nắm giữ. Sau khi thực dân Pháp xâm lược, quyền lực nhà nước chuyển sang tay bọn tư bản nước ngoài, chúng trực tiếp nắm bộ máy quân sự, hành chính và tư pháp. Mọi quyền hành đều ở trong tay quan lại thống trị từ Toàn quyền đến Thống sứ, Khâm sứ, Thống đốc, Công sứ …Viên chức thuộc địa là loại người ăn bám, là gánh nặng trên lưng nhân dân Việt Nam. Hãy xem một phép so sánh của Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”: Ở Ấn Độ thuộc Anh, dân số là 325 triệu người, có 4.898 viên chức người Âu. Ở Đông Dương thuộc Pháp, dân số 15 triệu người, có 4.300 viên chức người Âu ” ( 2 ).
Với những đặc tính riêng trong bản chất đế quốc của mình, thực dân Pháp đã tạo nên một cơ sở xã hội làm chỗ dựa cho hệ thống cai trị thuộc địa bao gồm giai cấp địa chủ phong kiến và tầng lớp tư sản mại bản. Chúng biến bộ máy cai trị của giai cấp phong kiến thành hệ thống tay sai giúp chúng bóc lột và đàn áp nhân dân.
4. Trước đây, ở nước ta phương thức sản xuất phong kiến giữ địa vị thống trị thì lúc này đặc điểm đó không còn có thể duy trì được nữa trước sự mở rộng của kinh tế hàng hoá, tiền tệ và của ngành giao thông vận tải.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong lúc tiếp tục đối phó với hàng loạt cuộc khởi nghĩa và đấu tranh yêu nước của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã bắt đầu triển khai chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Kết quả là một số yếu tố của thành phần kinh tế TBCN (như Ngân hàng Đông Dương, các công ty khai thác mỏ, một số đồn điền, hãng buôn, xí nghiệp và mạng lưới giao thông đường sắt, đường bộ…) đã xuất hiện. Nói đúng hơn là những thành phần này được ghép từ ngoài vào xã hội Việt Nam cổ truyền trong điều kiện vẫn bảo tồn ở một mức độ đáng kể những tàn dư của phương thức sản xuất phong kiến, ( thể hiện rõ nhất là sự bảo tồn chế độ ruộng công cùng các thiết chế thượng tầng phù hợp với nó trong các cộng đồng làng xã).
Thủ đoạn của thực dân Pháp ở Việt Nam là vẫn tiếp tục sử dụng giai cấp địa chủ phong kiến làm chỗ dựa cho nền thống trị của chúng. Vì thế, chúng tìm mọi cách để duy trì và cho phép phát triển mạnh thêm thành phần kinh tế của giai cấp này.
Trên đây là những nét chính về tính chất thuộc địa nửa phong kiến của xã hội Việt Nam từ khi thực dân pháp đặt ách cai trị đến khi cách mạng tháng Tám thành công. Người viết bài này mong muốn rằng, trong khi làm rõ tính chất thuộc địa nửa phong kiến ở mức độ giải thích thuật ngữ, khái niệm (cách nói ngắn gọn, khái quát nhất và cũng chỉ để hiểu một cách đơn giản nhất), cần nắm vững những đặc trưng kinh tế xã hội của Việt Nam, những biến đổi có tính chất hệ thống của thượng tầng kiến trúc do những tác động vĩ mô của phương thức sản xuất TBCN lúc bấy giờ.
Lịch sử Việt Nam giai đoạn này có rất nhiều nội dung đáng chú ý, thậm chí còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ do chỗ còn thiếu thốn về nguồn sử liệu có độ tin cậy và tính thuyết phục cao. Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định là những gì đã được khoa học thừa nhận và trở thành kiến thức phổ biến cho đông đảo công chúng thì cần được thể hiện rõ ràng và chắc chắn. Điều này không chỉ tốt cho riêng khoa học Lịch sử mà còn là cơ sở tiếp cận và nghiên cứu thấu đáo các đối tượng của các nghành khoa học khác.
Tôn trọng lịch sử và đứng vững trên quan điểm lịch sử cụ thể, đó không chỉ là lương tâm của người làm công tác nghiên cứu mà hơn thế, đó là con đường đúng đắn nhất để tìm đến chân lý./.