Trong lĩnh vực trồng trọt, thuốc BVTV có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, bà con nông dân thường có kiến thức hạn chế về các loại hoạt chất trong thuốc BVTV, dẫn tới tình trạng sử dụng thuốc BVTV thiếu hiệu quả và an toàn, làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.
Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở nước ta đến năm 2013 đã lên tới 1.643 hoạt chất, trong khi, các nước trong khu vực chỉ có khoảng từ 400 đến 600 loại hoạt chất, như Trung Quốc 630 loại, Thái Lan, Malaysia 400-600 loại.
Hầu hết thuốc BVTV tại Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu như trước năm 1985 khối lượng hóa chất BVTV dùng hàng năm khoảng 6.500 - 9.000 tấn thì trong 03 năm gần đây, hàng nămViệt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 - 100.000 tấn, tăng gấp hơn 10 lần. Các loại thuốc BVTV mà Việt Nam đang sử dụng có độ độc còn cao, nhiều loại thuốc đã lạc hậu.
Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam nhập khẩu bình quân trên 70.000 tấn thành phẩm hàng năm với trị giá từ 210 - 774 triệu USD. Trên 90% thuốc BVTV được nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, tình trạng thuốc giả, nhái và thuốc nhập lậu tràn lan trên thị trường cũng là một vấn đề “nhức nhối” trong vấn đề quản lý và sử dụng thuốc BVTV.
Theo kết quả điều tra, thống kê về các điểm tồn lưu hóa chất BVTV từ năm 2007 đến năm 2009 đã phát hiện 1.153 khu vực gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố. Trong số này, có khoảng 864 khu vực môi trường đất bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn 17 tỉnh, thành phố và 289 kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố. Trong đó, 189 khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng và ô nhiễm nghiêm trọng, 87 khu vực bị ô nhiễm và 588 khu vực đất có ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu nhưng vẫn chưa đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm.
Kết quả điều tra mới đây nhất của các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã phát hiện thêm 409 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu. Hầu hết nằm ở địa bàn các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Một nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam cho thấy lượng thuốc BVTV còn bám lại trên vỏ bao bì bình quân chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì. Trong khi đó, người dân hoàn toàn không có ý thức xử lý lượng thuốc BVTV còn tồn lại trên vỏ bao bì. Có tới hơn 65% những người dân được hỏi khẳng định họ vứt vỏ bao bì ngay tại nơi pha thuốc.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, có tới 80% thuốc bảo vệ thực vật tại VN đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí.
Cục Bảo vệ thực vật- Bộ NN&PTNT cho biết, kết quả thanh, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV trong thời gian gần đây đối với 13.912 hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV, thì có đến 4.167 hộ (chiếm 29,9%) sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định như không đảm bảo lượng nước, không có bảo hộ lao động, sử dụng thuốc BVTV không đúng nồng độ, liều lượng, bao bì sau khi sử dụng vứt bừa bãi không đúng nơi quy định… Các vi phạm chủ yếu là người nông dân không có phương tiện bảo hộ lao động, sử dụng thuốc BVTV không đúng nồng độ, liều lượng, bao bì vứt bừa bãi không đúng nơi quy định…
Đối với các cơ sở buôn bán thuốc BVTV, qua tra kiểm tra tại 12.347 cơ sở, cơ quan chức năng cũng phát hiện 1.704 cơ sở vi phạm quy định, chiếm 13,8%. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV ngoài danh mục, kém chất lượng, hết hạn sử dụng…
Hiện đại đa số nông dân vẫn dựa vào thuốc BVTV hóa học là chính, tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt rất thấp. Trong khi đó, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn, hiệu quả trong BVTV chậm được nhân rộng... nên việc mất an toàn khi sử dụng thuốc BVTV vẫn tồn tại từ rất lâu cho đến nay.
Thực tế, hiện nay dịch vụ về hoạt động BVTV đã phát triển khá mạnh ở nhiều địa phương, song hiệu quả vẫn còn hạn chế. Theo điều tra năm 2014 của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), cả nước có khoảng trên 600 tổ dịch vụ BVTV, nhưng chủ yếu chỉ thực hiện việc... phun thuốc (chiếm trên 60%), còn dịch vụ trọn gói từ điều tra sâu bệnh, cung ứng, phun thuốc thuê còn rất thấp (chỉ đạt 2,6%).
Với lượng thuốc BVTV sử dụng rất lớn, ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra tại Việt Nam đang trở nên ngày một nghiêm trọng hơn.
Để khắc phục những mặt tồn tại của thuốc BVTV, các cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát tốt việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất BVTV. Loại bỏ dần những thuốc BVTV độc hại, lạc hậu, khuyến khích sử dụng thuốc BVTV sinh học, thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc bảo quản rau, quả an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc BVTV một cách có ý thức. Khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và các chương trình IPM, ICM, chương trình canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP… Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và xây dựng NTM.