Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Do người Mường có nguồn gốc gần với người Kinh nên ngôn ngữ của họ thuộc nhóm Việt-Mường. Đồng bào Mường định canh định cư ở miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Người Mường có truyền thống làm ruộng và cây lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Đến thăm những bản làng của đồng bào Mường, chúng ta sẽ thấy những ngôi nhà sàn dựa lưng vào đồi núi, mặt hướng ra cánh đồng xanh bát ngát, xung quanh nhà là cây cối bốn mùa đơm hoa, kết trái. Ngôi nhà sàn dựng theo kiểu truyền thống của người Mường, vì được bố trí khéo léo nên không gian rất thoáng đãng và đặc biệt tiện lợi. Với đặc trưng kiểu nhà này, người Mường đã tạo nên cho mình một tập quán riêng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong lao động sản xuất, vừa trồng lúa, làm nương rẫy, vừa chăn nuôi gia súc gia cầm. Nhà sàn của người Mường ngoài công năng để ở và cất trữ tài sản, phòng tránh thú dữ, rắn, rết và phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở vùng núi, còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa, giáo dục các thành viên trong gia đình.
Trang phục cũng như tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục của người Mường có đặc trưng riêng. Đàn ông thường là mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Quần của của đàn ông thường có ống rộng và dùng khăn thắt giữa bụng (còn gọi là khăn quần). Đàn ông đầu thường cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Khi nhà có lễ hay dịp Tết, đàn ông Mường thường mặc áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác đôi áo chùng đen dài tới gối, cài cúc nách và sườn phải. Anh Quách Văn Sướng, thôn Vó Dò, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Từ nhỏ, chúng tôi đã được các tầng lớp cha ông truyền lại bản sắc văn hóa của dân tộc Mường thông qua những bộ trang phục truyền thống như thế này. Bởi vậy, chúng tôi rất thích mặc, không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà đặc biệt là những dịp lễ tết, hay hội hè, đình đám. Phải mặc để con cháu mình về sau cũng duy trì bản sắc riêng của dân tộc Mường, để không bị mai một”.
Trong khi đó nữ giới hằng ngày thường mặc áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, ống tay dài, áo màu nâu hoặc trắng, bên trong mặc áo yếm trắng. Đầu thường đội khăn trắng, xanh với phong cách không cầu kỳ như một số tộc người khác. Váy là loại váy kín màu đen. Nét đặc sắc trên trang phục của người Mường chính là những mảng hoa văn nổi lên giữa trang phục và cạp váy, thắt lưng. Kỹ thuật dệt cạp váy rất khó, bao gồm nhiều khâu, thao tác phức tạp hơn dệt vải thông thường, do vậy, đòi hỏi sự khéo léo cao. Đặc biệt, tài năng của người dệt còn thể hiện ở việc bố cục, sắp xếp hoa văn trên từng bộ phận sao cho hợp lý, đẹp mắt, để các họa tiết có thể hỗ trợ, làm nổi bật lẫn nhau mà không phá vỡ bố cục chung. Chị Quách Thị Lan, ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết: có gần 40 mẫu hoa văn, hình tượng được trang trí trên trang phục của đồng bào Mường, đặc biệt hình tượng con rồng được đồng bào ưa chuộng nhất: “Điều khó nhất là trước hết chúng ta phải tính toán, phải nhặt ra trước hết là chúng ta làm con rồng thì con rồng gồm bao nhiêu cái chùm để chúng ta biết có bao nhiêu sợi để tạo thành cái đầu. Ví dụ như cái râu, hoặc cái mình của nó hoặc cái đuôi uốn lượn là mình phải nhặt ra để mình làm cái co. Mỗi hoa văn lại có một cái co này để sau này để nhấc lên, rồi xuyên chỉ để nó có màu trắng, màu đen hoặc màu đỏ để nó kết hợp hoặc làm nổi bật con rồng bay”.
Đồng bào Mường có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với nhiều thể loại như: thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Người Mường còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi... Cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường, ngoài ra còn nhị, sáo trống, khèn lù. Đặc sắc nhất trong các loại hình này chính là những làn điệu của những bài dân ca Mường. Bà Bùi Thị Xuân, thành viên Câu lạc bộ “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân gian dân tộc Mường” thôn Lục Đồi, xã Kim Bình, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, cho biết: Dân ca Mường nhiều thể loại như: Thường đang (hát mừng nhà mới), bọ mẹng (hát giao duyên), hay trường ca như Nghê Nga – Út Lót. Những lời ca trong dân ca Mường thường có câu 6 và câu 8 xen kẽ nhau như một câu thơ lục bát của người Việt cùng những thang âm luyến láy: “Câu lạc bộ đang cố gắng tìm lại những làn điệu dân ca cổ và truyền dạy lại cho con cháu. Hát “rặm thường” và “hát đúm” được thanh niên nam nữ ngồi hát với nhau hoặc khi có đám cưới… Ngày xưa tôi vẫn nhớ là thanh niên đi lao động sản xuất, vừa làm vừa hát với nhau cả ngày không hết bài, vì làn điệu và lời bài hát rất đa dạng”.
Mộc mạc và giản dị nhưng nền văn hóa đặc sắc của người Mường cùng trường ca “Đẻ đất đẻ nước”đã được truyền lại qua bao thế hệ, để ngày nay mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền. Mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng, những thế hệ đồng bào Mường cùng nhau xây dựng bản làng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần, cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc… và cùng các dân tộc anh em xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh./.
Bài viết 2:
Bản sắc văn hóa của các dân tộc được thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng tộc người. Một trong những đặc trưng chung tạo nên phẩm chất con người và văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước, đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, gắn bó, hòa đồng với thiên nhiên, cộng đồng làng xóm và đức tính nhân hậu, vị tha của mỗi con người.
54 dân tộc Việt Nam được xếp theo 3 ngữ hệ và 8 nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường, Tày - Thái, Mông - Dao, Ka Đai, Tạng Miến, Nam Đảo, Hán.
Nhóm Việt - Mường có 4 dân tộc: Kinh, Mường, Thổ, Chứt. Đồng bào sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và đánh cá. Trong đời sống tâm linh có tục thờ cùng ông bà tổ tiên và các nghề thủ công truyền thống phát triển ở trình độ cao.
Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái có 8 dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y. Đồng bào cư trú tập trung ở các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái.... Các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày Thái nói ngôn ngữ Nam Á, ở nhà sàn, cấy lúa nước kết hợp với làm nương rẫy, biết lợi dụng địa hình thung lũng, sáng tạo ra chiếc cối giã gạo, con quay cùng hệ thống mương, phai, lái, lín đưa nước về ruộng. Các nghề thủ công khá phát triển như: Rèn, dệt với các sản phẩm đẹp và tinh tế. Họ có quan niệm chung về vũ trụ, con người và những vị thần. Bên cạnh đó, mỗi tộc người lại có những bản sắc riêng, được biểu hiện thông qua trang phục, nhà cửa, tập quán ăn uống, phong tục, lối sống và nếp sống tộc người.
Nhóm ngôn ngữ Mông - Dao có 3 dân tộc: Mông, Dao, Pà Thẻn; nhóm ngôn ngữ Ka Đai có 4 dân tộc: La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo; nhóm ngôn ngữ Tạng Miến có 6 dân tộc: Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La. Các tộc người thuộc 3 nhóm này cư trú tập trung đông ở các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu. Làng bản của họ được xây dựng trên các triền núi cao hay lưng chừng núi. Một số các tộc người như La Chí, Cống, Si La và một vài nhóm Dao dựng làng ven các con sông, con suối. Tuỳ theo thế đất, đồng bào dựng nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất.
Đồng bào giỏi canh tác ngô, lúa nếp, lúa tẻ và các loại rau, đậu trên nương rẫy và ruộng bậc thang, đồng thời phát triển các nghề thủ công như rèn, dệt vải, đan lát. Đặc biệt phụ nữ vùng cao rất giỏi dệt vải, thêu thùa, làm ra những bộ trang phục độc đáo cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Chợ phiên là nơi thể hiện rõ bản sắc văn hoá vùng cao, phô diễn toàn bộ đời sống kinh tế từ văn hoá ẩm thực, văn hoá mặc, nghệ thuật thêu thùa, in hoa, biểu diễn âm nhạc, múa khèn... mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người.
Nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me có 21 dân tộc: Ba Na, Brâu, Bru - Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Giẻ Triêng, H’rê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Mnông, Ơ Đu, Mạ, Rơ Măm, Tà ôi, Xơ Đăng, Xtiêng. Đồng bào cư trú rải rác ở khu vực Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Đời sống kinh tế chủ yếu canh tác nương rẫy theo phương pháp chọc lỗ tra hạt. Kiến trúc nhà rông, nhà dài Tây Nguyên, chùa của dân tộc Khơ Me; nghề thủ công đan lát và lễ hội văn hoá cộng đồng là những nét văn hoá độc đáo của cư dân Môn - Khơ Me.
Nhóm ngôn ngữ Nam Đảo có 5 dân tộc: Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru. Đồng bào cư trú tập trung trên các cao nguyên đất đỏ Tây Nguyên và dải đất ven biển miền Trung; Văn hoá Nam Đảo mang đậm nét mẫu hệ.
Nhóm ngôn ngữ Hán có 3 dân tộc: Hoa, Ngái, Sán Dìu. Đồng bào cư trú trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, văn hoá Hán mang đậm nét phụ hệ.
Có thể nói văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, trong đó có những tộc người bản địa sống trên lãnh thổ Việt Nam, có những dân tộc di cư từ nơi khác đến; có những dân tộc chỉ có số lượng vài trăm người, có những dân tộc có hàng triệu người, nhưng các dân tộc luôn coi nhau như anh em một nhà, thương yêu đùm bọc lẫn nhau chung sức xây dựng bảo vệ Tổ quốc như lời Bác Hồ đã căn dặn trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai, Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự chủ của chúng ta”.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |