1,Trong những thập kỷ gần đây, do hoạt động phát triển kinh tế xã hội với nhịp độ ngày một cao trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông và sinh hoạt đã làm tăng nồng độ các loại khí gây hiệu ứng nhà kính (CO2, N2O, NO, CH4, H2S), làm thay đổi khí hậu và ảnh hưởng tới môi trường toàn cầu. Nồng độ CO2 trong khí quyển hiện nay đã cao hơn 30-35% so với nồng độ tự nhiên (khoảng 10.000 năm trước). Trước thời kỳ công nghiệp, nồng độ CO2 là 280 ppt, năm 1989 là 351 ppt và dự kiến đến năm 2030 là 560 ppt, mức chưa từng có trong vòng 650.000 năm qua (Crutzen, 2005).
Nhiệt độ trung bình của Trái đất hiện nay đã tăng 0,74oC so với năm 1850 và dự kiến có thể tăng đến 1,4 – 6,4oC vào năm 2100, cao nhất trong khoảng 10.000 năm qua. Lượng mưa tăng khoảng 5-10%. Hậu quả là các băng ở hai cực, ở các dãy núi cao, sẽ tan ra và làm mực nước biển dâng lên khoảng 70-100cm/ 100 năm và có thể dâng cao tới 1-5m vào năm 2100; Các hiện tương cực đoan của khí hậu/ thiên tai như sóng thần, bão, lũ, hạn hán sẽ xẩy ra vời cường độ, tần xuất và độ bất thường cao hơn.
BĐKH đang và sẽ làm thay đổi môi trường toàn cầu nhưng không đồng đều ở các vùng khác nhau: nghiêm trọng ở các vùng có vĩ độ cao và ít hơn tại các vùng khác. Theo Ủy ban Liên chính phủ của Liên Hợp Quốc (LHQ) về BĐKH (IPCC), một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là các vùng đồng bằng đông dân cư ven biển châu Á, trong đó Việt Nam được dự đoán là một trong những nước sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất với khoảng 1/6 diện tích đất đai và 1/3 dân số bị ảnh hưởng.