Hiện nay an toàn giao thông là một vẩn đề lớn, được cả xã hội quan tâm. Đi khắp các nẻo đường gần xa khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho mình và hạnh phúc cho gia đình mình.
Theo thống kê, những người thiệt mạng do tai nạn giao thông chủ yếu là đàn ông, trụ cột của gia đình. Những người vợ xót xa khi mất đi người chồng thân yêu, đứa con nghẹn ngào trong dòng lệ vì tới đây sẽ chẳng còn được vòng tay người cha âu yếm vỗ về, bảo ban dạy dỗ trên đường đời. Họ mang đến sự thương tâm cho toàn xã hội.
Học sinh, sinh viên là những đối tượng tham gia giao thông với mật độ dày đặc. Ngày ngày, trên các tuyến đường, phố, dù là ở thành thị hay nông thôn, chúng ta đều thấy cảnh học sinh, sinh viên đi học rất đông. Khoảng cách từ nhà đến trường của các bạn đa phần đều phải đi một quãng đường không ngắn. Điều này nếu ra một vấn đề: số lượng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, sinh viên là rất lớn!
Bàn về phương tiện giao thông mà học sinh sử dụng chúng ta lại nhìn thấy nhiều vấn đề nan giải. Đã có quy định của Chính phủ về việc độ tuổi nào mới được sử dụng xe gắn máy. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các bạn học sinh vi phạm quy định này. Họ thản nhiên đi xe gắn máy tới trường và trốn tránh thầy cô, bạn bè bằng cách gửi xe máy ở bên ngoài trường. Nếu có ai hỏi đến họ sẽ trả lời vì nhà quá xa, sức khỏe kém... Không chỉ sử dụng xe gắn máy khi đi học, một số đối tượng còn có những hành vi không thể chấp nhận. Hàng loạt các bài phóng sự điều tra cho thấy giới trẻ hiện nay đang vấp phải những sai lầm nghiêm trọng, trong đó có hành động tổ chức đua xe trái phép mà học sinh chiếm một tỉ lệ không nhỏ, vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, vậy mà không ít bạn đã bị bắt vì hành động đua xe, lạng lách, đánh võng, sử dụng xe gắn máy khi chưa đến độ tuổi cho phép... Những tai nạn xảy ra là điều chắc chắn, nhẹ thì sứt đầu mẻ trán, gẫy tay gẫy chân. Nặng thì họ phải mãi mãi rời xa cuộc đời. Sự thật là hồi chuông rung lên nhức nhối đối với mỗi gia đình và toàn xã hội.
Lỗi trên là do ai? Không thể phủ nhận, học sinh đã được giáo dục cặn kẽ về trật tự an toàn giao thông nhưng gia đình là một nhân tố quan trọng ảnh hường không nhỏ đến hành vi của con em mình. Nếu không được gia đình chiều chuộng, các bạn sẽ không thể sử dụng xe gắn máy. Còn rất nhiều những ông bố, bà mẹ giải thích với nhà trường và xã hội rằng: con tôi đi học xa nhà, rất vất vả. Cháu học một ngày mấy ca, nếu bắt cháu đi xe đạp thì còn hơi sức đâu mà học. Nguy hiểm là ở chỗ đó! Được bố mẹ ủng hộ, các bạn càng có cơ hội ngụy biện cho chính mình. Chỉ đến khi có những vấn đề lớn xảy ra với con em mình, họ mới choàng tỉnh! Bên cạnh nhân tố gia đình, quan trọng hơn cả là ý thức của mỗi học sinh. Tất cả chỉ là ngụy biện! Bởi ta vẫn chứng kiến không ít những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đến chiếc xe đạp đi học cũng cũ mèm hoặc thậm chí không có, vậy mà các bạn ấy vẫn học tập tốt, tu dưỡng rèn luyện tốt, không kêu ca, than vãn.
Hiện nay, hệ thống xe buýt đã được tân trang tốt, có mặt hầu hết trên các tuyến đường. Nếu nhà bạn xa, hãy sử dụng phương tiện giao thông công cộng này. Có không ít các bạn học sinh đã coi xe buýt là người bạn thân thiết, vậy còn bạn? Đây chính là hành động thiết thực để bạn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Nếu vì điều kiện mà bạn không thể sử dụng xe buýt, bạn hãy nhớ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn giao thông. Lứa tuổi chúng ta không thể vì bất cứ lí do nào mà sử dụng xe gắn máy. Chấp hành đúng quy định này rồi, chúng ta vẫn cần chú ý đến các quy định khác khi sử dụng xe đạp tới trường. Không đi hàng hai, hàng ba... để tiện nói chuyện, đùa nghịch, dễ gây tai nạn và ùn tắc giao thông. Mặc dù chúng ta có rất nhiều chuyện để nói với nhau nhưng hãy để về nhà, bạn nhé! Tất nhiên, xe đạp cũng không được vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường quy định... Điều này chúng mình đã được giáo dục ngay từ khi còn học tiểu học, dù có lớn đến đâu cũng không thể quên.
Gần đây, xuất hiện một hiện tượng xe đạp mới rất được các bạn trẻ yêu thích. Tuy nhiên, nhìn thấy hàng đoàn xe đạp ngông nghênh đi trên đường phố, mỗi chiếc xe chăng không biết bao nhiêu cờ, hoa, loa, đài... không ít người lắc đầu về cách giải trí của giới trẻ. Đó chỉ là một phần của sự việc. Quan trọng hơn, những chiếc xe đạp này không hề bảo đảm an toàn giao thông. Xe không có ghế sau, một bạn cầm lái còn một bạn đứng sau vịn tay vào vai người ngồi trước. Thật nguy hiểm khi nhóm các xe này tụ tập thành đoàn, đi dàn hàng ngang đùa nghịch trên đường phố. Thiết nghĩ các bạn đã tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc cho những chiếc xe đạp này, có thể đối với một số bạn đây là một loại hình giải trí lành mạnh nhưng cứ ngẫm nghĩ kĩ chúng tí sẽ thấy nó không đem lại lợi ích gì, có khi còn gây ra hậu quả không lường nếu bất trắc gặp tai nạn giao thông.
Đừng tiếp tục lãng phí thời gian vào những trò chơi vô bổ. Quỹ thời gian của tuổi trẻ là vô cùng quý giá. Chúng ta hãy tận dụng thời gian để làm việc có ích. Thay vì sử dụng những chiếc xe đạp trên, các bạn hãy dành thời gian cho việc học tập, giúp đỡ gia đình...
Các bạn đã biết đến hoạt động của nhóm “My Message - Thông điệp của Tôi” chưa? Đó là nhóm các bạn trẻ ở lứa tuổi chúng mình đã chủ động suy nghĩ, tìm hiểu, phát huy tối đa sự sáng tạo của mình để tạo ra những sản phẩm truyền thống - nghệ thuật độc đáo, ấn tượng. Họ giống như cơn lốc, liên tục hoạt động, và một trong những hoạt động có ích mà họ đã làm là tạo ra những thông điệp ấn tượng về an toàn giao thông như: tạo ra một bức poster hình chiếc xe buýt khổ lớn, được ghép bằng nhiều bức ảnh nhỏ, từng bức ảnh ghi lại các khoảnh khắc khi tham gia giao thông bằng xe buýt...
Trước những thông tin trên, chúng ta hẳn đã có câu trả lời cho chính mình Không chần chừ thêm nữa, tuổi trẻ học đường hãy quyết tâm thực hiện tốt các quy định về trật tự an toàn giao thông đồng thời tham gia những hoạt động có ích góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông! Như vậy là sống có ích phải không các bạn? .