Thanh ty (Đỗ Phủ)

92 lượt xem
Thanh ty

Thanh ty bạch mã thuỳ gia tử,
Thô hào thả trục phong trần khởi.
Bất văn Hán thiển phóng phi tần,
Cận tĩnh Đồng Quan tảo phong nghĩ.
Điện tiền binh mã phá nhữ thì,
Thập nguyệt tức vi tê phấn kỳ.
Vị như diện phược quy kim khuyết,
Vạn nhất hoàng ân hạ ngọc trì.

 

Dịch nghĩa

Tơ xanh, ngựa trắng con nhà ai vậy,
Chạy thẳng một mạch làm cho gió bụi nổi lên.
Không nghe vua nhà Hán cho các cung nữ trở về đời sống ngoài cung cấm,
Ngưng lại gần Đồng Quan khi đi diệt trừ loài ong kiến.
Quân đội nhà vua lúc đi đánh ông,
Vào tháng mười là thời hạn đánh tan.
Ông chưa bị trói quặt sau lưng giải về cửa khuyết,
Ít ra cũng có được cái ơn vua là bước xuống khỏi thềm ngọc.


(Năm 765)

Lời tự: "Thanh ty bạch mã, dụng Hầu Cảnh sự dĩ bỉ Bộc Cố Hoài Ân" 青絲白馬,用侯景事以比僕固懷恩 (Tơ xanh ngựa trắng, dùng điển Hầu Cảnh để so sánh Bộc Cố Hoài Ân).

Hầu Cảnh 侯景 (503-552), tự Vạn Cảnh 萬景, người nước Lương đời Nam triều, giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Lúc đầu làm quan với nhà Nguỵ, sau theo hàng Lương Vũ Đế, được phong Hà Nam vương. Lương Vũ Đế ở ngôi được 14 năm, Hầu Cảnh câu kết với người trong hoàng tộc là Tiêu Chính Đức 蕭正德 dấy binh làm phản. Thời này có bài đồng dao, trong đó có câu "Thanh ty bạch mã Thọ Dương lai" 青絲白把壽陽來 (Tơ xanh ngựa trắng từ Thọ Dương tới). Quân của Hầu Cảnh đã từ Thọ Xuân tấn công Kiến Khang, vây hãm kinh đô. Vũ Đế bị bỏ cho chết đói, Cảnh bèn lập Giản Văn Đế 簡文帝, sau lại giết đi. Cuối cùng cướp ngôi nhà Lương, tự xưng Hán đế, bị Vương Tăng Biện 王僧辯 và Trần Bá Tiên 陳霸先 diệt.

Bộc Cố Hoài Ân 僕固懷恩 có gia tộc Bộc Cố là một trong chín dòng họ chính của bộ lạc Thiết Lặc. Năm Trinh Quán thứ 20 (646) đời Đường Thái Tông, toàn bộ tộc Thiết Lặc quy thuận nhà Đường, năm sau lấy cư sở của dân Bộc Cốt 僕骨 mà lập thành Kim Vi đô đốc phủ, lệ thuộc Yên Nhiên đô hộ phủ, ban cho họ tên là Bộc Cố 僕固. Theo "Cựu Đường thư", Thiết Lặc là chủng phân phái của Hung Nô. Từ khi Đột Quyết cường thịnh, tộc Thiết Lặc dần dà phân tán và trở nên kiệt quệ. Tới năm đầu đời Vũ Đức (618) có các sắc dân Tiết Diên Đà, Khế Bật, Hồi Hột, Đô Bá, Cốt Lợi Can, Đa Lãm Cát, Bộc Cốt rải rác trong vùng sa mạc phía bắc. Bộc Cố Hoài Ân 僕固懷恩 là cháu của Bộc Cốt Ca Lạm 僕骨歌濫, thủ lĩnh của nhóm Bộc Cốt. Họ Bạch Cố là do sử chép sai.

Vào giai đoạn có loạn An Sử, Bộc Cố Hoài Ân trợ giúp Quách Tử Nghi 郭子儀 điều hành việc quân, đảm nhiệm Sóc phương tả vũ phong sứ, lập được nhiều chiến công. Ông cũng là người kiện toàn mối liên hệ với Hồi Hột, từng sang đi sứ cầu viện. Sau khi yên giặc, ông đóng quân ở Phần Châu (Phần Dương, Sơn Tây). Quảng Đức năm đầu (763), Bộc Cố Hoài Ân theo lệnh vua, tiễn vua Hồi Hột về vùng sa mạc phía bắc. Giám quân Lạc Phụng Tiên 駱奉先 là một hoạn quan, căn cứ vào lời nói bậy của Tân Vân Kinh 辛雲京, tâu về triều đình nói rằng Hoài Ân câu kết với Hồi Hột. Hoài Ân thấy khó mà biện minh, dâng sớ về triều tự nêu ra sáu tội của mình:
Tội một: Năm trước Đồng La 同羅 (tên một bộ lạc có liên hệ tới An Lộc Sơn) làm loạn, thần đã vì tiên đế dẹp yên Hà Khúc. Tội hai: con trai hạ thần tên Bân 玢 bị Đồng La bắt giữ, không tìm cách quay về, thần đã chém đầu để răn quân lính. Tội ba: thần có hai đứa con gái gả cho chồng người thiểu số, cốt để hoà thân, giữ yên bờ cõi. Tội bốn: thần và đứa con tên Dịch 瑒 không sợ chết, hết lòng vì nước. Tội năm: vùng Hà Bắc mới thu hồi, quân lính chưa thuần phục, thần đã vỗ về cho yên. Tội sáu: thần đã thuyết phục Hồi Hột để họ mang quân tới cứu nguy, nay việc đã hoàn tất, thần đưa họ trở về nước. Quách Tử Nghi trước kia bị ngờ, thần nay bị gièm, hết chim nên cung bỏ xó, tin vào lời nói bậy. Bệ hạ theo lời vu khống có khác chi chỉ nai mà bảo rằng đó là ngựa.
Túc Tông sai tể tướng Bùi Tuân Khánh 裴遵慶 xét xử. Bộc Cố Hoài Ân tới gặp Bùi Tuân Khánh, phủ phục kêu khóc, Bùi Tuân Khánh siêu lòng, định cho trở về triều, nhưng phó tướng của Hoài Ân là Phạm Chí Thành 范志誠 phản đối. Hoài Ân sợ bị giết hại, nên không giám về triều đình để minh oan. Hoài Ân bất mãn sai con là Bộc Cố Dịch mang quân tới đánh Tân Vân Kinh 辛雲京, Vân Kinh thua, đánh tiếp tới Du Thứ 榆次, nhưng gặp bất lợi, bị người dưới quyền giết chết. Tháng mười năm 764, Hoài Ân câu kết với Thổ Phồn, Hồi Hột, cử 30 vạn quân tới công hãm Hy Châu, Phụng Thiên, đe doạ Trường An, khiến Quách Tử Nghi phải đem quân ra ngăn chặn. Tháng 9 năm đầu Vĩnh Thái (765), Hoài Ân tự hô lên rằng Đại Tông qua đời nên lại huy động quân Thổ Phồn, Hồi Hột, Thổ Cốc Hồn, Đảng Hạng (thuộc Tạng tộc), Nô Lạt (thuộc bộ lạc Đột Quyết) tới mười vạn, khiến Quách Tử Nghi lại phải mang quân ra ngăn chặn. Không lâu, Hoài Ân bị bệnh chết, đại quân Hồi Hột, Thổ Phồn giảng hoà cùng Quách Tử Nghi. Đại Tông sau này hiểu rõ nguyên do, bớt giận mà tuyên bố "Hoài Ân không làm phản, quần thần nhầm lẫn đó thôi".
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×