- Thăng Long - Hà Nội với truyền thống “Ngàn năm văn hiến”, đã được người dân cả nước ca ngợi với những nét đẹp trong tính cách: hào hoa, phong nhã, thanh lịch. Những nét đẹp về tính cách của Người Hà Nội được hình thành dần từ bao nhiêu đời người dân Thăng Long - Hà Nội, là cách cư xử của người dân ở đất Kinh đô - Thủ đô với những điều kiện sống và hoạt động ở trình độ cao hơn, tiến bộ hơn các vùng trong nước, là nơi đại diện của cả nước trong giao tiếp với các nước ngoài. Do đó, tính cách “văn minh, thanh lịch” là tất yếu phải có đối với người dân ở Thủ đô, là yêu cầu với mỗi người sống tại Thủ đô Hà Nội.
- Cùng với những chủ trương và giải pháp để xây dựng và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể Thành phố Hà Nội luôn chú trọng việc xây dựng, tôn vinh và phát huy nét đẹp nếp sống văn minh thanh lịch của Người Hà Nội.
Năm 2005, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội và Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học cấp nhà nước KX.09 đã tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học về “Người Hà Nội thanh lịch - văn minh” (tổ chức ngày 07-10-2005), thu hút sự quan tâm của đông đảo các cán bộ lãnh đạo, quản lý, người nghiên cứu khoa học. Sau đó, đã hình thành chủ trương của Thành phố về xây dựng Quy tắc nếp sống văn minh - thanh lịch của Người Hà Nội. Gần đây, Thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội (Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25-01-2017), Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội (Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10-3-2017). Đó là những quy định, hướng dẫn chung để mọi người sống tại Thủ đô Hà Nội cùng thực hiện, tạo nên nếp sống, lối sống văn minh thanh lịch của người sống tại Thủ đô.
- Thực tế cuộc sống ở Thủ đô cho thấy từ nhiều năm nay vẫn chưa có được sự chuyển biến rõ nét về nếp sống, vẫn có khá nhiều cái không hay trong cách sống của người dân ở Thủ đô (như: không tôn trọng pháp luật, cách sống tùy tiện cá nhân, không tôn trọng người khác và cộng đồng, nhiều cung cách ứng xử không hợp lý, lời nói tục tĩu khá phổ biến, thái độ xử sự không văn hóa, pha trộn nhiều cách sống của các địa phương khác, v.v…).
- Tọa đàm về “Nếp sống văn minh thanh lịch của Người Hà Nội” là hoạt động nhằm giúp cho mọi người nhận biết rõ ràng hơn, cụ thể hơn về những khía cạnh của nếp sống văn minh thanh lịch, để theo đó thực hiện trong cách sống của mỗi người, cùng nhau thực hiện tốt các quy định trong Quy tắc ứng xử đã được Thành phố ban hành.
2. Khái niệm về Nếp sống:
Các khái niệm có khác nhau: lối sống, nếp sống, cách sống.
a) Về “Lối sống”:
- Từ điển Bách khoa Việt Nam nêu: “LỐI SỐNG là toàn bộ những hình thức hoạt động sống của con người trong một xã hội nhất định được xem xét thống nhất với các điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Lối sống bao gồm những mặt cơ bản: lao động vốn là nhu cầu sống hàng đầu, là giá trị lớn nhất trong bậc thang giá trị xã hội, là điều kiện biểu thị nội dung xã hội và là nền tảng để phát triển toàn diện cá nhân con người; tính tích cực chính trị - xã hội là thể hiện sự tham gia của các giai cấp và tầng lớp xã hội vào các tổ chức xã hội, vào việc quản lý, kiểm tra xã hội và nhà nước trong các lĩnh vực khác nhau, ở các cấp độ khác nhau; sinh hoạt tinh thần là các hoạt động liên quan đến nhu cầu phi sản xuất vật chất nhằm khôi phục và phát triển sức lực con người, tổ chức đời sống văn hóa, tinh thần trong thời gian tự do ngoài lao động sản xuất ở nơi công tác; văn hóa - giáo dục là những hoạt động nâng cao trình độ hiểu biết, học vấn để hoàn thiện đạo đức và trí tuệ, tiếp thu những giá trị tinh thần, biến các giá trị văn hóa thành bộ phận khăng khít trong sinh hoạt hàng ngày trở thành cơ sở cho những tiêu chuẩn hành vi phù hợp với chuẩn mực xã hội. Lối sống có liên quan và có ảnh hưởng đến mục đích sống, có liên quan đến mức sống và chất lượng sống, gắn liền với trình độ kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của con người và với mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, giữa Nhà nước và nhân dân, giữa thành thị và nông thôn, giữa người lao động trí óc và lao động chân tay”.
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia nêu: “LỐI SỐNG là những nét điển hình, được lặp đi lặp lại và định hình thành phong cách, thói quen trong đời sống cá nhân, nhóm xã hội, dân tộc, hay là cả một nền văn hóa”.
- Nhóm tác giả Trần Kiều + Vũ Trọng Rỹ + Hà Nhật Thăng + Lưu Thu Thủy ở Viện Khoa học Giáo dục nêu: “LỐI SỐNG là những cách suy nghĩ, kỹ năng ứng xử (cách nghĩ, nếp sinh hoạt, thói quen, phong cách học tập, làm việc, giao tiếp, xử sự, …) tạo nên cái riêng của mỗi cá nhân hay một nhóm người nào đó”.
- Bài giảng về “Công tác xây dựng Nếp sống văn hóa” của Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Hưng Yên nêu: “LỐI SỐNG là toàn bộ hoạt động sinh sống của con người trên mọi phương diện, bao gồm mọi quan hệ về giao tiếp, hành vi, nếp nghĩ trong tất cả các lĩnh vực: lao động, sinh hoạt, các hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao, giới tính, … Về bản chất, lối sống gắn liền với giá trị văn hóa tinh thần của con người, chịu sự tác động của phương thức sản xuất, ý thức xã hội, trở thành những quy tắc mang ước tính xã hội”.
(Còn rất nhiều cách nêu khác nhau nữa về LỐI SỐNG)
b) Về “Nếp sống”:
- Từ điển Bách khoa Việt Nam nêu: “NẾP SỐNG VĂN HÓA là sự biểu hiện văn hóa cụ thể của lối sống, là văn hóa ứng xử của con người đối với thiên nhiên, xã hội và cộng đồng. Khi nói đến Nếp sống văn hóa tức là nhấn mạnh đến mặt văn hóa của nếp sống, ở những chuẩn mực khuôn mẫu ứng xử của xã hội mà mỗi cá nhân đã tự ý thức được, ở các hoạt động ổn định, thường xuyên, thành “nếp” trong đời sống hàng ngày. Xây dựng Nếp sống văn hóa phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế - xã hội, vào truyền thống, vào sự phổ biến và giáo dục văn hóa, đặc biệt phụ thuộc vào định hướng lý tưởng của mỗi nền văn hóa và mức sống thực tế của người dân”.
- Từ điển mở Wikitionary nêu: “NẾP SỐNG là thói quen về sinh hoạt”.
- Bài giảng về “Công tác xây dựng Nếp sống văn hóa” của Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Hưng Yên nêu: “Nếp sống có ý nghĩa hẹp hơn Lối sống. NẾP SỐNG bao gồm những cách thức, hành động và suy nghĩ, những quy ước được lặp đi lặp lại hàng ngày thành thói quen, như: tập quán sản xuất, sinh hoạt, trong phong tục, lễ nghi, trong hành vi đạo đức, pháp luật. Nói một cách khác, Nếp sống là cách thức sống, sinh hoạt, ứng xử, … của con người, của cộng đồng, được lặp đi lặp lại nhiều lần, được chọn lọc và lắng đọng và tồn tại trong tiềm thức nhân dân”.
- Giáo trình “Xã hội học lối sống” có sự phân biệt ba khái niệm: Lối sống, Nếp sống, Cách sống, như sau:
“Lối sống có sự kết hợp biện chứng giữa yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, gắn liền với phương thức sản xuất của xã hội với chế độ chính trị xã hội, với hình thái kinh tế - xã hội. Vì vậy khi nói xây dựng một lối sống là gắn với xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội, một nền văn hóa xã hội.
Nếp sống hàm chứa ý nghĩa hẹp hơn. Nếp sống bao gồm những cách thức, hành động và suy nghĩ, những quy ước được lặp đi lặp lại hàng ngày trở thành thói quen, tập quán trong sản xuất, sinh hoạt, trong phong tục, nghi lễ, trong hành vi đạo đức, pháp luật.
Trong thói quen ngôn ngữ Việt Nam hiện nay đều dùng cả hai từ Lối sống và Nếp sống một cách lẫn lộn không phân biệt nghĩa. Nhưng nhìn chung đều được hiểu theo nghĩa Lối sống.
Điểm khác rất căn bản giữa Lối sống và Nếp sống mà trong nhiều trường hợp buộc phải dùng một cách chính xác là Lối sống nói lên tính định hướng, định tính, chỉ ra phương hướng chính trị và tư tưởng của vấn đề, còn Nếp sống nói lên tính định hình, định lượng.
Cách sống có nghĩa hẹp và cụ thể. Đó là kiểu sống cụ thể theo cá tính và thị hiếu của cá nhân hoặc theo một điều kiện quy định cụ thể nào đó của một môi trường nhỏ. Chẳng hạn, nói cách sống của một gia đình, cách sống người già, cách sống người độc thân, cách sống của một nghệ sĩ. Tuy nhiên cách sống được đánh giá trên cơ sở một lối sống, nếp sống nào đó”.
3. Xây dựng Nếp sống:
Như vậy, có thể hiểu một cách ngắn gọn: Nếp sống là cách thức sống (ăn, mặc, ở, sinh hoạt, ứng xử, giao tiếp) trong quan hệ thường ngày giữa các cá nhân trong gia đình và cộng đồng.
Xây dựng Nếp sống là yêu cầu bắt buộc của xã hội, đã được thực hiện từ bao đời. Trình độ phát triển hiện đại và điều kiện của xã hội văn minh đòi hỏi phải có nếp sống văn minh.
Trong Nếp sống truyền thống, xác định rõ vị trí của mỗi cá nhân trong cộng đồng, về quan hệ trên - dưới và giữa cá nhân với cộng đồng; có những quy ước rõ ràng để bảo đảm tôn ti trong từng quy mô cộng đồng (gia đình, họ hàng, làng bản, ở chùa - đình - đền - miếu, nơi sinh hoạt đông người).
Nếp sống hiện đại đòi hỏi tính khẩn trương trong hoạt động; khai thác tích cực sự thuận tiện và tính năng ưu việt của phương tiện kỹ thuật.
Nếp sống văn minh phải dựa trên hiểu biết khoa học, đặt con người thích ứng với các điều kiện của tự nhiên và xã hội, mỗi cá nhân có quan hệ hài hòa với các cá nhân khác và với cộng đồng mình chung sống.
Xây dựng nếp sống bao gồm 3 mảng: nếp sống của cá nhân, nếp sống của gia đình, nếp sống của cộng đồng xã hội.
Những quy định trong Quy tắc ứng xử được Thành phố ban hành chủ yếu nêu yêu cầu về nếp sống trong cộng đồng, cần được mỗi gia đình, mỗi cá nhân tiếp nhận thực hiện trong nếp sống của gia đình, của bản thân. Trong đó, các chi tiết cụ thể khi thực hiện cần chú ý là:
a) Chấp hành nghiêm pháp luật: Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, quy định về trật tự hè phố và giao thông đô thị; các hộ gia đình không lấn chiếm vỉa hè lòng đường vào mục đích riêng; để xe máy xe đạp trên hè phố đúng quy định và có hàng lối gọn gàng; đi xe máy đều đội mũ bảo hiểm có gài dây, đi đúng tuyến đường và không lạng lách; không dùng điện thoại di động khi đang đi xe máy; xe ôtô đi đúng chiều và đỗ đúng chỗ quy định; chấp hành đúng các biển báo và tín hiệu giao thông.
b) Ngăn nắp, vệ sinh: Sắp xếp ngăn nắp gọn gàng các đồ dùng cá nhân và của gia đình; chăm sóc nơi ở và sinh hoạt gọn gàng vệ sinh; thực hiện thu gom rác vào túi đựng rác và đổ rác đúng quy định; không đổ rác ra đường bất cứ giờ nào và bất cứ hình thức nào; không đổ nước thải ra mặt đường và hè phố; rác thải khi đi đường và ở nơi công cộng phải bỏ vào thùng rác công cộng.
c) Nội bộ gia đình thực hiện có nếp sống văn hóa, văn minh: trong gia đình đoàn kết yêu thương nhau, trên thuận dưới hòa, cư xử với nhau đúng phép tắc tôn ti trên dưới; không nói tục chửi bậy; mọi người trong gia đình chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thường xuyên theo dõi thời sự và tình hình chính trị trong nước và thế giới; quan tâm việc học tập của mọi thành viên trong gia đình; thực hiện theo gương tiết kiệm và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
d) Có quan hệ thân thiện trong số nhà và trong khu dân cư; không làm ảnh hưởng trở ngại đến sinh hoạt của các gia đình xung quanh; quan tâm đến gia đình khác với "tình láng giềng thân thiện", giúp đỡ khi cần thiết.
đ) Chăm sóc với cộng đồng: treo cờ và trang trí đẹp vào những ngày lễ chung và ngày Tết; đóng góp vào các hoạt động chung của địa bàn dân cư và các hoạt động công cộng theo khả năng có thể của mỗi người; tương thân tương ái, chia xẻ "lá lành đùm lá rách" giúp đỡ người nghèo và nơi bị thiên tai đột xuất; kịp thời hỗ trợ cứu giúp khi có hỏa hoạn hoặc tai nạn xảy ra hoặc khi trấn áp tội phạm; thực hiện xếp hàng thứ tự khi có nhiều người cùng tham gia một hoạt động chung; cư xử văn minh lịch sự với mọi người; biết cảm ơn khi được giúp, biết xin lỗi khi làm phiền người khác; không cởi trần khi ra đường và ở nơi công cộng.
Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử là biết tự trọng mình, tôn trọng người khác, cùng chung sức xây dựng cộng đồng.
Nếp sống văn minh thanh lịch của Người Hà Nội, không chỉ là nếp sống của riêng người dân Thủ đô (được gọi là “Người Hà Nội”), mà là nếp sống của mọi người sống tại Thủ đô Hà Nội, trong đó có những người từ nơi khác đến làm ăn sinh sống hoặc chữa bệnh tại Hà Nội, những người nơi khác (cả người nước ngoài) khi đặt chân đến Thủ đô Hà Nội./.