1. Mình quá già để học một ngôn ngữ mới
Nhiều người cho rằng chỉ có trẻ con và thanh thiếu niên mới có khả năng học một kỹ năng mới. Và rằng việc dạy người lớn tuổi học ngôn ngữ là điều hoàn toàn không thể. Tuy nhiên, theo như các nghiên cứu khoa học, chúng ta hoàn toàn không bao giờ quá già để học một điều mới. Chỉ có điều, việc học sẽ khó khăn hơn khi chúng ta lớn tuổi. Bởi lẽ theo thời gian các tế bào thần kinh của chúng ta có xu hướng thoái triển đồng thời quá trình vận chuyển máu lên não cũng sẽ chậm lại gây ra những biểu hiện thiếu máu. Do đó khi tuổi tác tăng lên thì đồng nghĩa với việc tư duy, trí nhớ và khả năng tập trung cũng sẽ giảm sút. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa việc học ngoại ngữ là điều không tưởng đối với người trưởng thành. Mà trái lại, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng người trưởng thành khi học ngôn ngữ mới sẽ dễ dàng thu nạp được một lượng lớn từ vựng do bản thân họ đã có vốn từ đa dạng hơn những người trẻ tuổi. Đồng thời, người trưởng thành sẽ có xu hướng tự giác, quyết tâm và ý chí kiên định hơn so với người trẻ. Ở người trưởng thành, họ xác định được mục tiêu và kế hoạch học tập của họ để từ đó kiên trì theo đuổi. Chẳng hạn, nếu bạn học tiếng Anh để xin việc, để thăng chức, hay để định cư ở nước ngoài, bạn sẽ biết bạn cần bắt đầu từ đâu và phải học những gì.
Không bao giờ là quá muộn để học một ngôn ngữ mới
2. Khoa học công nghệ phát triển, không cần thiết phải học ngoại ngữ nữa
Đây là một quan niệm sai lầm của những người học tiếng Anh ở thời đại công nghệ cao. Nhiều người trong chúng ta có thể vẫn đang bảo nhau “Đã có bác Google Dịch, cần gì học ngoại ngữ, cần gì người phiên dịch”. Quả thật thì sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo đã trở thành một làn sóng tác động không hề nhỏ đến sự phát triển của thế giới. Sự ra đời của tai nghe Pixel Buds (một sản phẩm của Google) đã khiến việc dành thời gian để học một ngôn ngữ mới trở thành một điều tưởng chừng như không cần thiết. Nhưng công nghệ vẫn chỉ là công nghệ, máy móc vẫn chỉ là máy móc, dù có thông minh thế nào thì chúng cũng sẽ không thể nào thay thế được con người. Chúng ta không thể phụ thuộc hoàn toàn vào những thiết bị khoa học công nghệ để giao tiếp. Bởi lẽ, thứ nhất, không có một sản phẩm nào là hoàn hảo cả, những phần mềm dịch xuất sắc nhất vẫn có không ít “hạt sạn”, thậm chí là những lỗi sai nghiêm trọng. Hơn nữa, trong hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới, mỗi từ vựng sẽ có thể chứa nhiều nghĩa khác nhau tuỳ vào ngữ cảnh, trạng thái, và môi trường giao tiếp. Ví dụ như từ “present” trong tiếng Anh, bạn sẽ không thể biết ý nghĩa cụ thể của nó là gì nếu không dựa vào hoàn cảnh nói (“Present” – danh từ có nghĩa là “món quà”, tính từ có nghĩa là “hiện tại”, động từ có nghĩa là “trình bày”). Hãy thử nghĩ xem, liệu những sản phẩm công nghệ thông minh có thể phân biệt chúng một cách rõ ràng? Chưa kể đến những trường hợp phức tạp hơn nhé!
Tai nghe Pixel Buds của Google
Một lý do quan trọng công nghệ không thể thay thế con người trong việc học ngôn ngữ là bởi việc học ngôn ngữ không đơn thuần là học từ vựng, học các kỹ năng giao tiếp mà qua đó chúng ta còn được học và hiểu về văn hoá, lịch sử và con người của các đất nước khác nhau. Để đưa con người đến gần nhau hơn, phá bỏ rào cản ngôn ngữ chỉ là một bước đi đầu tiên mà thôi.
Và…..
Nếu sử dụng công cụ dịch, bạn đang bỏ lỡ biết bao điều thú vị của việc học ngoại ngữ đó!!!
3. Mình không bao giờ có thể thành thạo được một ngôn ngữ – học mất quá nhiều thời gian
Có không ít người tự bảo với bản thân rằng để học một ngôn ngữ mới họ sẽ mất tận 20 năm, và có khi lâu hơn thế. Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng chút nào cả. Dù cho bạn chỉ dành khoảng nửa tiếng đồng hồ mỗi ngày để học thôi thì tôi cũng dám cá rằng sau 5 năm, trình độ tiếng Anh của bạn đã ở mức thành thạo rồi. Lấy đâu ra 20 năm?
Mà thôi, thay vì tranh cãi xem học một ngôn ngữ mới mất bao lâu, bạn và tôi hãy cùng phân tích một hướng tiếp cận khác nhé!
Giả như bạn muốn có bằng cử nhân kinh tế, nhưng do quá bận rộn, bạn chỉ có thể học 5 tín chỉ mỗi kỳ, nghĩa là một năm bạn tích luỹ được 10 tín chỉ. Nếu trường bạn yêu cầu phải tích luỹ đủ 120 tín chỉ thì mới nhận được bằng cử nhân, vậy là bạn sẽ mất 12 năm để lấy được bằng cử nhân đó. (Tất nhiên đây chỉ là một giả sử thôi nhé, vì chẳng có trường nào tuyệt vời đến mức cho phép bạn học 5 tín mỗi kỳ như vậy đâu =)). 12 năm quả thực là một khoảng thời gian rất dài, nhưng hãy nghĩ theo một hướng khác, bạn sẽ thấy rằng: ngày đó – ngày mà bạn nhận tấm bằng cử nhân rồi cũng sẽ đến và lại đi. Bạn có thể lựa chọn giữa việc mất 12 năm để lấy bằng cử nhân, hoặc là không lấy nó. Dẫu lựa chọn của bạn là gì thì thời gian cũng đâu có dừng lại . Việc học ngoại ngữ cũng vậy đấy. Người ta thường cường điệu hoá lên rằng học 1 thứ tiếng mới sẽ mất rất nhiều thời gian, nó không dễ dàng đâu. Nhưng mất nhiều thời gian thì sao chứ? Ừ nó có thể mất 3 năm, 5 năm, hay 10 năm. Nhưng rồi sao? Thời gian rồi cũng sẽ trôi qua dù bạn có muốn hay không. Điều duy nhất bạn cần phải tự hỏi chính mình là, “ Sau tất cả, khi thời gian đã trôi qua ít nhiều, liệu tôi có muốn nói được một ngoại ngữ nào đó hay không?”
4. Mình có thể thành thạo một ngoại ngữ trong nháy mắt
Hẳn bạn đã từng nghe đâu đó những câu nói hay bài viết có vẻ rất hấp dẫn như “ Bí quyết nói tiếng Anh trôi chảy trong vòng 3 tháng”, hay “”Bí quyết giỏi tiếng Anh chỉ sau 1 tháng”, vân vân và mây mây.
Sau khi đọc về chúng, nhiều người sẽ tự gieo vào đầu suy nghĩ rằng họ hoàn toàn có thể giỏi tiếng Anh “trong chớp mắt” nếu như họ sở hữu những “bí quyết” kia. Quan niệm này hoàn toàn trái ngược với quan niệm ở trên, nhưng cả hai đều cực tai hại. Thậm chí những thần đồng ngôn ngữ (polyglot) cũng khó có thể thành thạo được một ngôn ngữ trong một thời gian ngắn như vậy! Nếu ai trong số các bạn vẫn đang có tư tưởng học tiếng Anh trong nháy mắt thì hãy dẹp bỏ nó nhanh nhanh thôi. Ngôn ngữ là một kỹ năng, điều đó có nghĩa là cũng như các kỹ năng khác, việc học ngôn ngữ đòi hỏi một quá trình thực hành lâu dài và bền bỉ cùng một tư tưởng cởi mở để tiếp thu những cái mới. Một số người sẽ mất vài năm, nhiều người khác có thể sẽ lâu hơn nữa, tuỳ vào khả năng tiếp thu và hoàn cảnh học của từng người. Vậy nên, thay vì tự huyễn bản thân rằng mình có thể nhanh chóng làm chủ một ngôn ngữ trong một thời gian ngắn, hay thay vì cố làm bản thân nhụt chí rằng học ngôn ngữ mất quá nhiều thời gian, hãy xác định những mục tiêu cụ thể, thực tế. Hãy cố gắng từng ngày, và đừng bỏ cuộc.
5. Mình không thể nào học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc
Một số người cho rằng, việc học hai hay nhiều ngôn ngữ cùng một lúc là điều không thể. Bởi lẽ khi học hai ngôn ngữ, chúng ta sẽ dễ bị nhầm lẫn, và bối rối, khiến cho việc học trở nên khó khăn. Đồng ý rằng nó sẽ là một thử thách, nhất là khi bạn học hai ngôn ngữ tương tự nhau như Pháp và Ý. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn không thể! Thực tế là việc học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc còn mang lại những lợi ịch nhất định cho người học. Cụ thể là, chúng ta sẽ có cơ hội phân tích và đưa ra những khác biệt về từ vựng, ngữ pháp, ngữ điệu của các ngôn ngữ đang học. Nhờ đó việc học ngoại ngữ sẽ bớt đi phần nào sự nhàm chán. Tất nhiên là tuỳ từng người mà tiến độ học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc sẽ nhanh hay chậm. Và không phải ai cũng sẽ phù hợp với cách học này. Một số người có thể thấy dễ dàng hơn khi họ làm chủ một ngôn ngữ trước khi bắt đầu với ngôn ngữ thứ hai.
Điều cốt lõi tôi muốn nói ở đây là, hãy loại bỏ quan niệm “không thể” ra khỏi đầu. Nếu bạn muốn học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, chẳng ai có thể ngăn cản bạn làm điều đó! Vậy nên,..
Đừng để quan niệm sai lầm này giới hạn con đường đi của bạn.
Hãy học theo cách của bạn
Có không ít những quan niệm chúng ta tự nói với nhau nghe chỉ để thuyết phục bản thân bỏ cuộc hay không nên học một ngôn ngữ mới. Nếu bạn thấy khả năng ngoại ngữ của mình tệ quá, không chút tiến bộ, thì có lẽ bạn cũng đang như nhiều người khác, đang cố bám víu lấy những lầm tưởng kia và không cho bản thân cơ hội bứt phá.