Chế độ phong kiến với những định kiến lạc hậu, hà khắc đã trói buộc người phụ nữ trong sợi dây vô hình của sự bất công. Tuy nhiên, mặc cho sự giằng xé đầy đau đớn và tủi hờn của sợi dây đó, người phụ nữ vẫn luôn giữ cho mình những nét đẹp riêng cùng cốt cách thanh cao. Bằng sự đồng cảm với số phận bất hạnh ấy, nhiều nhà văn đã khai thác và lưu giữ hình ảnh người phụ nữ đại diện cho cái đẹp hoàn mỹ bằng những ngôn từ của nghệ thuật.
Trong đó, “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ) và “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) là hai tác phẩm tiêu biểu cất lên tiếng khóc thương cho thân phận người phụ nữ. Dẫu Kiều và Vũ Nương, mỗi người đều có những hoàn cảnh riêng, nhưng họ lại mang những nỗi đau chung cùng nét đẹp đại diện cho người phụ nữ Việt bao đời nay.
“Chuyện người con gái Nam Xương” kể về cuộc đời và số phận bi thảm của Vũ Nương. Vũ Nương là một người con gái có nhan sắc và đức hạnh vẹn toàn. Nàng lấy phải người chồng tên Trương Sinh, là con của nhà hào phú nhưng ít học, lại hay đa nghi, cả ghen. Cuộc sống gia đình đang êm ấm thì Trương Sinh phải đi lính. Cũng từ đó, bi kịch của đời nàng đã bắt đầu.
Khi chồng đi đầy tuần thì Vũ Nương sinh ra một đứa con trai, nàng hết lòng nuôi dạy con, lại chăm sóc, lo ma chay cho mẹ già chu đáo. Đồng thời, nàng cũng luôn chung thủy đợi tin chồng về. Đêm đêm, để nguôi ngoai nỗi nhớ chồng và dỗ con mỗi lần nhớ cha, nàng thường trỏ bóng mình trên vách và nói với con rằng đó chính là cha Đản.
Khi Trương Sinh trở về, nghe lời con trẻ, liền nghi ngờ vợ mình thất tiết. Chàng ta chẳng hề cho nàng cơ hội giải thích, thanh minh đã nhục mạ rồi đánh đuổi nàng đi. Vì phẫn uất, Vũ Nương đã nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Một thời gian sau, khi đã biết được nỗi oan của vợ, Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng. Nàng hiện về giữa bến Hoàng Giang, rồi lại lúc ẩn, lúc hiện và biến mất.
Truyện Kiều là câu chuyện xoay quanh cuộc đời gian truân của Thúy Kiều. Kiều là con gái đầu lòng trong một gia đình trung lưu lương thiện. Nàng sống cùng cha mẹ và hai em, nổi tiếng bởi tài sắc vẹn toàn. Trong một buổi du xuân, Kiều đã gặp Kim Trọng và cả hai nảy sinh tình cảm, tự do đính ước với nhau. Nhưng chuyện vui chưa kịp mừng, chuyện buồn liền ập đến. Khi Kim Trọng về quê chịu tang chú, gia đình Kiều đã bị mắc oan.
Vì cha và em, Kiều phải bán mình cho bọn buôn người. Chúng đẩy nàng vào chốn lầu xanh, dẫu may mắn gặp Thúc Sinh cứu vớt, nhưng nàng phải chịu sự đầy đọa của vợ cả là Hoạn Thư. Thúy Kiều phải đến nương nhờ nơi cửa phật, rồi lại vô tình bị đẩy vào lầu xanh lần hai khi sư Giác Duyên gửi nàng cho Bạc Bà.
Lần này, Kiều gặp được Từ Hải và được chàng ta giúp đỡ báo ân báo oán. Chưa kịp hạnh phúc, tai ương lại ập đến. Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến hãm hại rồi hắn ép gả nàng cho viên thổ quan. Quá đau đớn, dằn vặt và tủi hờn, Kiều đã trẫm mình tại sông Tiền Đường và lại được sư Giác Duyên cứu giúp lần hai. Sau đó, nàng đã nương nhờ nơi cửa phật.
Lại nói, chàng Kim sau khi trở về biết chuyện và dù đã kết hôn với Thúy Vân, nhưng chàng cũng chẳng thể buông bỏ được mối tình đậm sâu với người cũ. Cuối cùng, nhờ gặp được sư Giác Duyên, Kim Kiều đã gặp nhau và gia đình đoàn tụ.
Nguyễn Du đã từng viết:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Đó là tiếng nấc nghẹn ngào cho thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội đương thời mà Nguyễn Du khóc thương thay cho họ. Dường như, ông thấu hiểu rõ sự đau khổ và bất lực của họ khi sống trong một xã hội thối nát với đầy rẫy những bất công, định kiến, của tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Người phụ nữ đương thời, ai cũng đều thùy mị, đảm đang nhưng chẳng bao giờ giữ được hạnh phúc cho riêng mình. Đến cả việc mưu cầu hạnh phúc cũng chỉ như một giấc mơ xa vời với họ. Họ mang thân phận người phụ nữ hèn mọn, dù mỗi người một cuộc sống riêng, nhưng chẳng ai thoát khỏi sức nặng của hai từ “bạc mệnh. Ta có thể thấy rõ được điều đó qua nhân vật Vũ Nương và Thúy Kiều trong hai tác phẩm của hai tác giả đại tài.
Người phụ nữ xuất hiện trong văn chương đều là những người xinh đẹp, đẹp cả ngoại hình cho đến tính cách và nội tâm. Ở Vũ Nương, nàng mang nét đẹp “thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”, luôn biết cách dung hòa mặc cho tính khí của chồng khi “giữ gìn khuôn phép, chưa từng lúc nào để vợ chồng xảy ra bất hòa”. Nàng luôn một lòng một dạ vì gia đình, không hề than thở hay mong cầu vinh hoa phú quý.
Với Thúy Kiều, nàng là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Khi gia đình gặp biến cố, nàng đã không ngại đối diện với thị phi, với tương lai mù mịt phía trước để bán mình chuộc cha. Và rồi, nàng bỏ lỡ lời hẹn thề với Kim Trọng - người mà nàng yêu thương nhất. Cuộc đời nàng dẫu có bao nhiêu biến cố, bao nhiêu thăng trầm, nhưng nàng vẫn cam chịu, vẫn lo nghĩ cho Kim Trọng, cho gia đình mà chẳng màng đến bản thân. Nàng có một tâm hồn thủy chung và cao thượng.
Đó cũng chính là nét đẹp chung của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ đẹp người đẹp nết, dẫu đời đưa họ vào cảnh khốn cùng, họ vẫn luôn một lòng thủy chung, hiếu thảo với gia đình, mặc kệ bản thân chịu dày vò trong hố đen tuyệt vọng.
Họ đẹp đẽ là thế, đáng trân trọng là thế, nhưng họ lại sống trong một xã hội quá thối nát với bộ máy quan lại mục rỗng, với tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ. Họ càng xinh đẹp thì càng phải chịu cảnh bất công “hồng nhan bạc phận”. Vũ Nương cứ ngỡ sẽ được sum vầy hạnh phúc nếu luôn chăm lo chu toàn mọi thứ, nhưng số phận bạc bẽo lại trêu ngươi nàng. Đến cả khi nàng chết trong oan ức, nàng cũng không được nhớ nhung, không được thương tâm. Đáp lại nàng chỉ là sự hời hợt, vô tâm của người chồng. Và chính cái chết của nàng đã tố cáo xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Cái xã hội ấy đã đẩy người phụ nữ vào đường cùng, ban cho họ thân phận thấp hèn và một cuộc đời bi thương.
Còn Thúy Kiều, nàng dường như có cuộc sống lênh đênh hơn Vũ Nương rất nhiều bởi những biến cố đi qua và hằn sâu vết sẹo vào đời nàng. Gia đình nàng vì đồng tiền hôi tanh mà phải chia ly, tan tác. Nàng cũng vì thế mà phải bán mình chuộc cha, để rồi trở thành món hàng không hơn không kém trong tay bọn buôn người. Đau đớn thay cho nàng, một người con gái trong trắng, tài sắc vẹn toàn nay chỉ là một món đồ chơi của bọn khách làng chơi. Không chỉ thế, nàng còn phải chịu cảnh đời lênh đênh bèo dạt, lưu lạc mười lăm năm và bị giáng xuống đầu muôn vàng tai ương.
Vũ Nương và Thúy Kiều chính là những nhân vật đại diện cho số phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ không có quyền lợi, không có tự do, cũng chẳng có quyền được hạnh phúc - một cái quyền cơ bản nhất của con người. Họ bị hủ tục thối nát của xã hội phong kiến đẩy xuống vực sâu, chịu muôn vàn tủi hờn và đau thương. Dù họ cam chịu hay vùng vẫy, họ cũng chẳng bao giờ thoát được nanh vuốt của xã hội thối nát đó. Nhưng s