Quá trình ra đời và phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin có thể chia thành hai giai đoạn lớn: Giai đoạn hình thành và phát triển chủ nghĩa Mác, do C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện; giai đoạn bảo vệ và phái triển chủ nghĩa Mác thành chủ nghĩa Mác - Lênin, do V.I.Lênin thực hiện.
Giai đoạn hình thành và phát triển chủ nghĩa Mác
Giai đoạn hình thành và phát triển chủ nghĩa Mác do C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện, diễn ra từ những năm 1842-1843 đến những năm 1847-1848; sau đó, từ năm 1849 đến năm 1895 là quá trình phát triển sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn. Trong giai đoạn này, cùng với các hoạt động thực tiễn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nghiên cứu tư tưởng của nhân loại trên nhiều lĩnh vực từ thời cổ đại cho đến xã hội đương thời để từng bước củng cố, bổ sung và hoàn thiện quan điểm của mình.
Những tác phẩm như Ban thảo kinh tế-triết học năm 1844 (C.Mác, 1844). Gia đình thần thánh (C.Mác và Ph.Ăngghen, 1845), Luận cương về Phoiơbắc (C.Mác, 1845), Hệ tư tưởng Đức (C.Mác và Ph.Ăngghen, 1845-1846),v.v. đã thể hiện rõ nét việc C.Mác và Ph.Ăngghen kế thừa tinh hoa trong quan điểm duy vật và phép biện chứng của các bậc tiền bối để xây dựng thế giới quan duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật.
Đến tác phẩm Sự khốn cùng của triết học (C.Mác, 1847) và Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản(C.Mác và Ph.Ăngghen, 1848), chủ nghĩa Mác đã được trình bày như một chỉnh thể các quan điểm nền tảng với ba bộ phận lý luận cấu thành. Trong tác phẩm Sự khốn cùng của triết học, C.Mác đã đề xuất những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa xã hội khoa học và bước đầu thể hiện tư tưởng về giá trị thặng dư. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa Mác. Trong tác phẩm này, cơ sở triết học đã được thể hiện sâu sắc trong sự thống nhất hữu cơ với các quan điểm kinh tế và các quan điểm chính trị - xã hội. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bước đầu đã chỉ ra những quy luật vận độne cũa lịch sử, thể hiện tư tường cơ bàn về lý luận hình thái kinh tế - xã hội. Theo tư tưởng đó, sản xuất vật chất giữ vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội; phương thức sản xuất vật chất quyết định quá trình sinh hoạt, đời sống chính trị và đời sống tinh thần của xã hội. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng cho thấy từ khi có giai cấp thì lịch sử phát triển của xã hội là lịch sử đấu tranh giai cấp; trong đấu tranh giai cấp, giai cấp vô sản chỉ có thể tự giải phóng mình nếu đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể nhân loại. Với những quan điểm cơ bản này, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu toàn diện phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã phát hiện ra rằng: việc tách những người sản xuất nhỏ khỏi tư liệu sản xuất bằng bạo lực là khời điểm sự xác lập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Người lao động không còn tư liệu sản xuất để tự mình thực hiện các hoạt động lao động, cho nên, muốn lao động để có thu nhập, người lao động buộc phải bán sức lao động của mình cho nhà tư bản. Sức lao động đã trở thành một loại hàng hóa đặc biệt, người bán nó trở thành công nhân làm thuê cho nhà tư bản. Giá trị do lao động của công nhân làm thuê tạo ra lớn hơn giá trị sức lao động của họ, hình thành nên giá trị thặng dư, nhưng nó lại không thuộc về người công nhân mà thuộc về người nắm giữ tư liệu sản xuất - thuộc về nhà tư bản.
Như vậy, bằng việc tìm ra nguồn gốc của việc hình thành giá trị thặng dư, C.Mác đã chỉ ra bản chất của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa, cho dù bản chất này đã bị che đậy bởi quan hệ hàng hóa - tiền tệ.
Lý luận về giá trị thặng dư được C.Mác và Ph.Ăngghen nghiên cứu và trình bày một cách toàn diện, sâu sắc trong bộ Tư bản. Tác phẩm này không chỉ mở đường cho sự hình thành hệ thống lý luận kinh tế chính trị mới trên lập trường giai cấp vô sản, mà còn củng cố, phát triển quan điểm duy vật lịch sử một cách vững chắc thông qua lý luận về hình thái kinh tế - xã hội. Lý luận này đã trình bày hệ thống các quy luật vận động và phát triển của xã hội, cho thấy sự vận động và phát triển ấy là một quá trình lịch sử - tự nhiên thông qua sự tác động biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Lý luận hình thái kinh tế - xã hội đã làm cho quan điểm duy vật về lịch sử không còn là một giả thuyết, mà là một nguyên lý đã được chứng minh một cách khoa học.
Bộ Tư bản của C.Mác cũng là tác phẩm chủ yếu và cơ bản được trình bày đồng nghĩa với khoa học xã hội thông qua việc làm sáng tỏ quy luật hình thành, phát triển và diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản; sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với tư cách là lực lượng xã hội thực hiện sự thay thế ấy.
Tư tưởng duy vật về lịch sử, về cách mạng vô sản tiếp tục được phát triển trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta của C.Mác (1875). Trong tác phẩm này, những vấn đề về nhà nước chuyên chính vô sản, về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, những giai đoạn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa cộng sản, v.v. đã được đề cập với tư cách là cơ sở khoa học cho lý luận cách mạng của giai cấp vô sản trong các hoạt động hướng đến tương lai.