Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong lĩnh vực sư phạm, Truyện Kiều là tác phẩm duy nhất được đưa vào giảng dạy ở tất cả các bậc học, từ tiểu học, THCS, THPT cho đến bậc đại học. Không như ở cấp bậc phổ thông chỉ tiếp cận Truyện Kiều ở khía cạnh tìm hiểu về thi pháp của Nguyễn Du, ở bậc đại học các sinh viên sẽ được lý giải sâu sắc hơn nữa Truyện Kiều nhìn từ góc độ văn hóa, xã hội dân tộc. Truyện Kiều được đưa vào giảng dạy từ rất sớm, năm 1914. Theo Giáo Sư, nhà Giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú , đồng thời là chủ biên SGK Văn lớp 10 nhấn mạnh: “ Việc dạy văn học để giáo dục hay rèn luyện phẩm chất nhân bản cho con người trong phạm vi một tác phẩm văn học thì không có tác phẩm nào “ lợi hại” bằng Truyện Kiều”.
Nói về công tác nghiên cứu Truyện Kiều trong nước ta có thể nhìn nhận về cả một kho tàng những công trình lớn nhỏ của các học giả nhiều thế hệ. Các nhà nghiên cứu trong hội Kiều học học nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau…nhưng ở họ đều là những học giả có chung niềm đam mê nghiên cứu, khám phá Truyện Kiều theo những hướng đi riêng. Trong khoảng 10 đến 20 năm trở lại đây , ngành Kiều học được xem là một trong những ngành phát triển mạnh nhất. Theo tiến sĩ Trần Trọng Dương, viện nghiên cứu Hán Nôm: Trong 20 năm qua cả nghành nghiên cứu đã mở ra một hướng đi mới, là hướng đi “ tầm nguyên”, do Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là người khởi xướng. Và từ hướng đó, các nhà nghiên cứu đã đi tìm các hệ văn bản, và liên tục các văn bản mới từ cuối thế kỷ XIX được phát hiện và mỗi một lần phát hiện là một lần mở rộng biên độ của nghiên cứu, mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về Truyện Kiều. mở rộng tầm tri thức mới về cả văn bản học, lẫn ngôn ngữ, văn chương. Và việc xuất bản các công trình nghiên cứu như để tạo ra các hiệu ứng xã hội, khiến cho kể cả những người bình thường vẫn tìm đến những văn bản nôm, thậm chí có những người học được chữ nôm từ văn bản Truyện Kiều.Điều đó cho thấy sức lan tỏa Truyện Kiều lớn đến mức nào, không chỉ là ngôn ngữ mà mở rộng sang biên độ văn tự, mở văn hóa, mở chữ nghĩa, khiến người Việt hiện nay có tâm thức muốn tìm lại quá khứ dân tộc, tìm lại vẻ đẹp truyền thống. Đó là điều lớn nhất Truyện Kiều làm được cho xã hội.
Truyện Kiều không chỉ có vị trí quan trọng trong dòng chảy văn học, văn hóa dân tộc mà giá trị của Truyện Kiều đã vượt biên giới để đến với nhiều dân tộc trên thế giới. Truyện Kiều đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng như: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Tiệp Khắc, Hungary, Bulagaria, Nhật bản, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc…Năm 1926, dịch giả người Pháp Rơ-ne-cry-sac khi dịch Truyện Kiều đã viết bài nghiên cứu dài 96 trang, có đoạn: “ Kiệt tác của Nguyễn Du có thể sánh một cách xứng đángvới kiệt tác của bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ thời đại nào” và ông kết luận: “ Sung sướng thay bậc thi sĩ với một tác phẩm độc đáo vô nhị đã làm rung động và ca vang tất cả tâm hồn của một dân tộc”.
Vì sao Truyện Kiều lại có vị trí như vậy trong lòng dân tộc, trong lòng dộc giả thế giới? Bởi vì ở Truyện Kiều chứa đựng đầy đủ các giá trị tinh thần lớn, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam đó là: Lòng thương người, xem trọng con người, xem con người là trung tâm của vũ trụ từ đó nảy sinh truyền thống nhân ái, trọng tình nghĩa, trọng nhân phẩm, danh dự, lẽ phải; là lối sống khoan dung, độ lượng, lạc quan; cách ứng xử tế nghị có văn hóa, sống giản dị, mộc mạc; khuynh hướng thẩm mỹ hài hòa, yêu thiên nhiên... Những truyền thống, những giá trị nói trên đậm nhạt có khác nhau nhưng đều có thể tìm thấy trong đại kiệt tác “ Đoạn trường tân thanh” của đại thi hào dân tộc- danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.
Số phận đặc biệt của Truyện Kiều đã đưa Nguyễn Du về với nhân dân mình, dân tộc mình đến với nhân loại. Có một hằng số lịch sử không thể vượt qua ấy là vì Truyện Kiều đã thuộc về nhân dân, dân tộc, thuộc về lịch sử. Là vì hơn 200 năm nay, nhân dân, thậm chí nhân loại đã đọc thấy “tâm hồn” của mình của dân tộc mình, lối cảm, nghĩ của chính mình; tìm thấy sắc diện “ bản lai diện mục” của chính mình. Đọc Truyện Kiều là đọc tâm hồn dân tộc, đến với Truyện Kiều là đến với hồn dân tộc: “ Giá đem lòng tôi đọc Nguyễn Du. Có phải đã hiểu nhân dân mình thêm chút nữa”( Đọc Kiều- Chế Lan Viên). Trong bài “ Đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung Truyện Kiều.” GS Đặng Thai Mai đã đưa ra nhận định: “ Người dân Việt Nam bất kì thuộc về tầng lớp nào, không ai là không thích nghe kể Truyện Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều. Người ta nhớ lấy từng câu, từng đoạn và dẫn dụng vào câu chuyện hằng ngày, khi nói đến nhân tình thế thái.” Hoặc chính ông J. Budaren một học giả nước ngoài cũng nói: “ Truyện Kiều… là cuốn sách kinh điển…, nhưng là thứ kinh điển mà mọi người đều biết” . Chỉ ngần ấy thôi, cũng đủ thấy sức sống của Truyện Kiều trong tâm thức những người con đất Việt là bền bỉ, lâu dài và cũng hết sức mãnh liệt. Nó xứng đáng là một kiệt tác có sức sống vượt thời gian bởi nó không chỉ là câu chuyện về văn chương Việt mà còn là ý thức và bản ngã về văn hóa Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt, tâm hồn Việt
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |