A dua để hòa đồng
Miệt thị, chê bai người khác đang trở thành phổ biến trên mạng xã hội. Vừa qua, đã có rất nhiều tranh luận xung quanh vụ việc một số cán bộ “nói xấu” Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên mạng xã hội facebook. Sau đó không lâu, tại Cà Mau, một Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng vì có hành vi bôi nhọ đồng nghiệp trên mạng xã hội facebook. Ngoài ra, còn có hàng loạt vụ việc liên quan tới nội dung bình luận trên facebook. Đáng báo động hơn, có nhiều trường hợp lệch lạc cả tư tưởng và đạo đức, văn hóa truyền thống khó có thể tưởng tượng như việc một đứa cháu công khai chửi mắng ông hay lăng mạ chính mẹ đẻ của mình. Điều này khiến nhiều người không khỏi đau lòng và phẫn nộ.
Điều đáng nói là những phát ngôn càng phản cảm, gây sốc càng thu hút sự quan tâm, theo dõi, like, bình luận của cộng đồng mạng. Được biết, các trường hợp này thường xuất phát từ một bộ phận giới trẻ.Là một người tham gia nhiều hoạt động trên mạng xã hội, chị Trần Hoàng Thúy phụ trách nhân sự Cty TNHH TM và DV Hoài Đức, cho biết, chị bị “dị ứng” với nhiều fanpage của các bạn trẻ lập ra để nói xấu thầy cô, bạn bè với những lời lẽ cay độc, thô tục. Họ công khai bôi nhọ người khác mà không hề nghĩ đến hậu quả. Xót xa nhất là trường hợp một nữ sinh đã phải tự tử vì bị bạn bè tung ảnh khỏa thân trên mạng facebook. Tuy nhiên, hậu quả đau đớn ấy vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh nhiều người. Họ vẫn thờ ơ, tự do bôi nhọ người khác trên mạng xã hội một cách vô cảm.
Hơn chục năm đứng trên bục giảng, cô Hồng Hạnh giáo viên dạy Văn trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cũng đã từng là nạn nhân bị học sinh nói xấu trên mạng xã hội. Cô chia sẻ: Ngoài thời gian học, rất nhiều học sinh sử dụng facebook để giải trí.Cách sử dụng facebook phổ biến của học sinh hiện nay là bên cạnh trang facebook có kết nối với thầy cô, bố mẹ, các em lập riêng một nhóm kín để nói xấu mọi người với những lời lẽ bậy bạ. Điều đáng nói, những em học sinh này không cho việc nói bậy, chửi thề là bất thường. Thậm chí, nhiều em không muốn nói bậy cũng phải a dua theo để nhập cuộc, tạo ra sự hòa đồng, không bị các bạn tẩy chay.