Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Cuộc đời là dòng chảy trôi bất tận bởi vậy nó như một dòng sông chỗ nông chỗ sâu, chỗ hẹp chỗ rộng, có chỗ nước chảy xiết có khúc lại hiền hòa. Đời vì thế cũng có nhiều loại người, nhiều loại suy nghĩ và nhiều cách quan niệm về cuộc đời. Cái quan niệm cuộc đời ấy chi phối cách suy nghĩ hành xử của con người, đặc biệt đối với các nhà thơ nhà văn chân chính, cái nhìn về cuộc đời đi vào trong cách sáng tác của họ một cách rất đặc biệt trở thành những tư tưởng, quan niệm nghệ thuật mang đậm tinh thần nhân đạo, yêu thương con người và vì con người. Thầy Nguyễn Đăng Mạnh đã viết trong cuốn “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn”: tư tưởng nghệ thuật của một nhà văn trước hết là thứ tư tưởng “có tính tổng hợp cao rút ra từ toàn bộ tác phẩm của nhà văn. Nói cách khác đó là tư tưởng bao trùm cả sự nghiệp sáng tác của nhà văn, chi phối về căn bản toàn bộ thế giới nghệ thuật của ông ta. Nó tạo ra cho sự nghiệp ấy, cho thế giới nghệ thuật ấy tính thống nhất, tính hệ thống hay đúng hơn là tính chỉnh thể”.... và Thạch Lam là một trong số không nhiều những nhà văn Việt Nam có một quan niệm sáng tác định hình ngay từ tác phẩm đầu tay. Thạch Lam đã thể hiện quan điểm của mình trong cuốn tiểu luận “Theo dòng”: “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thanh sạch và phong phú hơn”. Với Thạch lam, văn chương không phải là thứ thuốc ngủ u mê để ru người và tự ru mình quên đi nỗi đau hiện tại, trái lại, viết văn với ông là một cách nhìn và đối diện với thế giới nhận ra những thứ giá trị và nhận ra cả những thứ rác rưởi của cuộc đời. Thạch Lam vẫn “tố cáo” và mong muốn “ thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác” song rất đặc biệt, cách làm của ông không phải là chỉ ra những con đường tối tăm bẩn thỉu nhất của cuộc đời, không đưa ra một loại nhân vật điển hình tàn bạo như Nghị Hách của Vũ Trọng Phụng, như Nghị Quế của Nam Cao, cũng không có nhân vật nào giống với Chí Phèo-Thị Nở..... những nhân vật chính trong truyện Thạch Lam thường rất đẹp, đẹp từ ngoại hình đến tính cách, đẹp như Thúy Kiều bước ra từ cõi thơ, đẹp như cô Tấm bước ra từ vỏ thị trong những câu chuyện của “ngày xửa ngày xưa....”. Bên cạnh một thế giới của “những phố huyện nghèo nàn, xơ xác, buồn vắng hoặc những vùng ngoại ô tối tăm của Hà Nội, với những linh hồn nhỏ bé tội nghiệp, lặng lẽ sống với những ý nghĩ, những ước mơ, những cảm giác hiền lành, nếu không phải là lo lắng, ngơ ngác nhìn về một tương lai mù mịt”.... truyện ngắn Thạch Lam còn có một thế giới huyền ảo và cổ tích, xa xăm và mong manh cho chúng ta nhìn vào những góc khác nhau của cuộc đời để “lòng người được thanh sạch và phong phú hơn”. 2.Vâng, đến với Thạch lam là ta chạm vào “thế giới của hồi ức, của kỉ niệm, từ một dĩ vãng chưa mấy xa xôi- một dĩ vãng đẹp, trong trẻo, ngọt ngào mà ai cũng có-một dĩ vãng không nằm hoàn toàn trong quá khứ , nó có cả một phần của hiện tại”. Điều này đặc biệt thể hiện trong truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” của ông, một truyện ngắn dường như đi chệnh quỹ đạo của tập “Sợi tóc” với những đoản thiên mang màu sắc hiện thực như “Đói”, “Tối ba mươi”, “Sợi tóc” và “Tình xưa” . “Dưới bóng hoàng lan” là câu chuyện duy nhất trong tập truyện ngắn này bộc lộ một kết thúc tươi sáng hơn dù rất mơ hồ. Câu chuyện về chàng thanh niên tên Thanh trở về với căn nhà xưa, với người bà hiền như trong truyện cổ, cảnh vật dường như vẫn vậy và dường như Thanh cũng chưa bao giờ đổi khác. Anh thấy lòng mình thanh thản và nhẹ nhõm. Gặp lại cô hàng xóm ngày xưa, cô bé vẫn đến nhặt hoàng lan trong vườn nhà anh để cài lên tóc và luôn có cảm xúc “những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”… Thanh thấy một cái gì rung lên rất khẽ, một chút gì mơ hồ tồn tại, không rõ là gì nhưng anh có cảm giác “có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải” có lẽ đó là chút tình mới chớm mong manh chăng? Một thứ tình thanh cao, chân thực và thơm tho như mùi hoa hoàng lan thoang thoảng …. “Dưới bóng hoàng lan” không phải một mối tình lãng mạn tha thiết, nhưng là một chuyện tình ngây thơ, trong trắng, chất phác, hồn nhiên nhẹ nhàng và trong vắt trong cảnh thanh cao, thơm ngát của thôn quê khiến ta mơ màng như lạc vào cõi thần tiên để sáng hôm sau Thanh trở lại tỉnh mang theo một chút trong veo của tình người và mơ hồ một ý nghĩ hạnh phúc về tương lai....... Truyện của Thạch Lam thường viết về những việc nhỏ nhặt, tầm thường tưởng như không có gì để kể. Đó không phải là những tình huống cô đặc, chói sáng để tạo ra những bùng nổ giàu kịch tính mà chỉ đơn giản là những nhát cắt, những khoảnh khắc của tâm trạng và cảm xúc, với Thạch Lam đó là những thời khắc lóe sáng , ẩn chứa những tiềm năng tâm lí to lớn, bất thường. Nó như một giao điểm hội tụ, lắng đọng hoặc đánh thức những cảm xúc, những suy nghiệm còn đọng chìm trong cõi lòng sâu thẳm và làm dấy lên những rung động tinh tế, nhẹ nhàng, Thạch Lam đã “ngắt câu bằng màu, chấm câu bằng nốt nhạc, chuyển đoạn bằng hình ảnh” ….chừng ấy đủ để khẳng định “Dưới bóng hoàng lan” là những trang văn thanh tao và trang nhã nhất trong văn học Việt Nam! Nhưng dường như “Dưới bóng hoàng lan” không chỉ là câu chuyện về tình yêu mong manh chớm nở mà hình như Thạch Lam còn gửi gắm một cái gì sâu sắc hơn, một cái gì đó khiến cho soi vào người ta thấy lòng mình thanh sạch và phong phú hơn…. Thanh trở về như một hành trình trở về tuổi thơ, trở về những gì trong trẻo nhất mà hai năm qua anh để quên nơi phố thị ồn ào.Thạch Lam để cho chúng ta đi cùng Thanh vào thế giới của ngày xưa với ngôi nhà vẫn y nguyên như ngày anh đi, với con đường lát gạch Bát Tràng phủ rêu xanh mát, vẫn “những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió”, căn nhà mát mẻ và im ắng mà khi bước chân vào anh có cảm giác “tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bậc cửa”. Căn nhà là một thế giới khác của Thanh, một thế giới yên bình, thanh khiết tựa hồ như chốn bồng lai khác hẳn với bao nhiêu ồn ào hỗn loạn của cuộc đời ngoài kia. Thanh bước vào nhà “một cái bóng lẹ làng từ trong vụt ra, rơi xuống mặt bàn; Thanh định rõ nhìn: con mèo của bà chàng, con mèo già vẫn chơi đùa với chàng ngày trước. Con vật nép chân vào mình khẽ phe phẩy cái đuôi, rồi hai mắt ngọc thạch xanh dương ngước lên nhìn người”…. một đoạn văn đậm phong cách Thạch Lam, chỉ có trong văn Thạch Lam mới thấy xuất hiện một con mèo hiền lành của tuổi thơ, luôn chờ đợi cố nhân trở về và cất tiếng gọi để nó lẹ làng vụt ra như chờ đợi khoảnh khắc ấy từ lâu lắm rồi. Trong bóng tối mơ màng, Thanh nhận ra “hai mắt ngọc thạch xanh dương” của con mèo đang nhìn lên mình. Cái thứ màu xanh man mát, nhẹ nhàng, dịu dàng phảng phất màu quá khứ. Bức tranh làng quê càng giống hơn với những câu chuyện cổ khi bà Thanh xuất hiện, người bà với mái tóc bạc trắng thời gian, cây gậy trúc và đôi mắt hiền như như những bà tiên trong truyện cổ. Tự nhiên Thanh thấy mình bé lại, như ngày xưa mãi mãi là đứa trẻ con cần được che chở vỗ về, trong khoảnh khắc ấy dường như Thanh tạm quên đi cuộc sống bận rộn thường nhật của chàng, quên đi những bon chen nơi phố thị ồn ào; chàng trở về lối cũ, dưới gốc hoàng lan, hưởng lại những mùi xưa, mùi tuổi thơ, mùi quê hương đã tàn phai trong trí nhớ truân chuyên phủ nhiều bụi bặm chua chát của trưởng thành. Và bóng hoàng lan còn là cái bóng của miền cổ tích ngày xưa trở lại…. Thanh trở về mang theo cả “những mảnh trời xanh tan tác” ở trong tâm hồn mình, nhưng những vết thương cuộc đời thường được người ta chữa lành bằng kỉ niệm. Thanh trở về với ngôi nhà xưa, với bà, với mảnh vườn cổ tích và với cả cô hàng xóm có đôi môi thắm, đôi má hồng, một nụ cười và đôi mắt trong sáng lên như nàng tiên thánh thiện hiện về từ cổ tích. Nhân vật nữ trong truyện của Thạch Lam thường rất đẹp, một vẻ đẹp mong manh, nhẹ nhàng, cái đẹp của hồn xưa cổ tích in dấu trong những cô tiên xinh đẹp, cô Tấm thảo hiền. Tình cảm mong manh, mơ hồ đến với Thanh như nhắc nhở của một quá khứ chưa xa, vẫn còn gần rất gần đây thôi mà chàng quên mất, nó khiến Thanh “chẳng biết nói gì; chàng vít một cành lan xuống giữ ở trong tay để Nga tìm hoa, rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành lại cong lên. Nắng soi vào vai hai người, nhưng dưới chân đất vẫn mát như xưa”… Có nhà nghiên cứu đã nhận xét rất tinh tế rằng “Thạch Lam ở vị trí của một người trưởng thành nhìn lại dĩ vãng bằng cái nhìn thâm trầm, lặng lẽ”. “Dưới bóng hoàng lan” quả đúng là sự trở về quá khứ, với người bà mái tóc bạc phơ như trong truyện cổ tích, tiếng cười trong veo của cô hàng xóm, của đất mát lạnh dưới chân và hương thơm quen thuộc của một loài hoa…. Để rồi lúc ra đi, chàng thanh niên ân nghĩa ấy có trong hành trang của mình một chút thơm dịu ngọt lành của chốn quê xưa, thấy mình: “vẫn bé quá và lại đi xa.”… Văn Thạch Lam luôn tỏa ra thứ ánh sáng nhẹ nhàng dìu dịu của viên đá xanh lấp lánh, luôn mơ mộng về một miền cổ tích hồn hậu và tươi đẹp. Viên đá xanh ấy có sức mạnh khiến người ta có thể tạm gác lại chút bộn bề của hiện tại để ngoảnh lại về quá khứ, đắm mình trong những không gian thanh lành, trong sáng để thanh lọc và tẩy rửa chính mình, nhắc nhở mình trước những ố tạp của bụi đời. Với nhà văn họ Nguyễn, nhân đạo đâu phải chỉ là thông cảm với cảnh nghèo khổ đói khát của con người? nhà văn muốn đạt đến cảnh giới cao nhất của lòng nhân đạo đó là hướng con người về cái thiện! Văn hào Pautopxki đã viết: “niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp” …. và với Thạch Lam “Dưới bóng hoàng lan” là hành trình cảm giác, là sự trở về trọn vẹn với những kí ức đẹp đẽ và yên bình nhất, là con đường về với cái chân thiện mĩ của con người.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |