Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc với những truyện ngắn chân thực viết về những người nông dân nghèo và những người trí thức sống mòn mỏi trong xã hội cũ. “Lão Hạc” là một truyện ngắn xuất sắc của ông viết về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của lão Hạc, một lão nông nghèo, có số phận đau thương nhưng ẩn chứa bên trong con người lão là những phẩm chất cao quý, tiềm tàng.
“Lão Hạc” là truyện ngắn được nhà văn Nam Cao sáng tác năm 1943, lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam vào những năm tháng trước cách mạng tháng Tám. Tác phẩm đã tái hiện sống động tình cảnh khốn cùng của người nông dân và vẻ đẹp nhân cách cao cả của họ. Đồng thời qua câu chuyện về cuộc đời lão Hạc, chúng ta cũng cảm nhận sâu sắc niềm thương cảm, sự trân trọng, yêu quý mà Nam Cao dành tới cho những người nông dân nghèo.
Lão Hạc là một người nông dân nghèo có số phận bi thảm, vợ lão mất sớm, lão một mình gà trống nuôi con. Khi con trai lão tới tuổi lấy vợ, vì nhà nghèo mà đằng gái thách cưới cao quá. Không lấy được vợ, phẫn chí, con trai lão bỏ lên đồn điền cao su với khát vọng có tiền “bạc trăm” mới trở về. Từ đó, lão Hạc lủi thủi sống cùng cậu Vàng – “kỉ vật” duy nhất của đứa con trai để lại. Thế nhưng, cái đói, cái nghèo cứ níu chân lão Hạc khiến lão phải buộc lòng bán đi cậu Vàng- con chó mà lão coi như con, như cháu. Và cuối cùng, để giữ lại chút tự trọng cuối và cũng là để giữ gìn mảnh vườn – thứ tài sản cuối cùng dành cho con trai, lão ăn bả chó tự tử. Cuộc đời lão Hạc là sự quay quắt trong cái đói, cái nghèo, trong sự cô độc. Nam Cao đã mượn cuộc đời của lão Hạc để tố cáo cái xã hội phong kiến nửa thực dân dồn ép con người ta vào đường cùng cũng như bày tỏ sự cảm thông, thương xót cho số phận những con người đó.
Tuy phải sống giữa một xã hội đầy rẫy những bất công, giữa cái đói nghèo bủa vây, thế nhưng lão Hạc vẫn ngời sáng những phẩm chất cao đẹp. Lão Hạc là một người cha thương con. Lão luôn cảm thấy day dứt, tự trách khi không có đủ tiền cho con trai lấy vợ khiến cho con phẫn chí mà bỏ đi đồn điền cao su- một nơi “đi dễ khó về”. Dù biết rằng con trai đi làm xa, đã trở thành “người của người ta rồi” suốt sáu năm dài, thế nhưng lão chưa bao giờ hết yêu thương con. Vậy nên, sau trận ốm nặng, tưởng như chết, khi cái đói cái nghèo đã dồn lão tới đường cùng thì lão Hạc đã đưa ra một quyết định quan trọng. Lão quyết tự tử để không động tới cái vườn để dành cho con trai, để giữ gìn thứ tài sản cuối cùng mà lão có thể cho con. Có thể với những người khác khi cái đói dồn tới chân tường, người ta có thể làm bất cứ thứ gì để có được cái ăn, để được sống. Thế nhưng lão Hạc lại khác, lão thà chết chứ cũng không muốn bán đi cái mảnh vườn mà lão đã dành cả đời để cho con mình. Tình yêu con của lão quả là một tình cha cao cả và đáng quý vô ngần.
Không chỉ thế, ở lão Hạc người ta còn thấy được những phẩm chất hết sức cao quý khác, đó là sự lương thiện, là lối sống tình nghĩa, là lòng tự trọng. Lão Hạc coi cậu Vàng như con, quý mến nó như “một bà mẹ hiếm hoi yêu quý đứa con cầu tự”. Lão cưng nựng, vỗ về nó như đứa cháu nội của mình. Thậm chí lão còn cho nó “ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu”, mắng yêu nó, ôm ấp nó. Với lão, cậu Vàng là người bạn, là người tri kỷ, tâm giao để lão có thể trút mọi buồn phiền trong lòng. Cậu Vàng còn là món quà, là kỉ niệm của đứa con trai duy nhất để lại của lão khi đi xa. Có lẽ chính vì vậy bao nhiêu tình cảm lão thương nhớ con, lão đều dành cho cậu Vàng.
Lòng lương thiện ấy, lối sống tình nghĩa của lão Hạc càng thể hiện rõ hơn khi mà lão phải bán cậu Vàng. Với những người nông dân nghèo ngày xưa, chó chỉ một thứ vật nuôi trong nhà với mục đích để giết thịt và chính cậu Vàng khi được con trai lão mua về cùng là vì mục đích đó. Vậy mà khi lão Hạc bán cậu Vàng xong, lão đã khóc, “cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu máo như con nít. Lão hu hu khóc”. Bởi lão nhẫn tâm đã lừa cậu Vàng, và chính vì thế mà lão mới uất hận, mới khổ tâm, mới đau đáu nỗi đau lương tri rằng “tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”. Có lẽ chẳng mấy ai quan tâm đến việc lừa một con chó, nhất là trong khi cái đói đang hoành hành ghê gớm đến vậy. Lão Hạc lại khác, sự lương thiện trong lão biểu hiện cả ở trong từng hành động, lời nói của mình. Khi lỡ lừa một con chó, lão đã ân hận, dằn vặt mình ghê gớm. Sự lương thiện của lão lớn tới mức khiến cho những người hàng xóm như Binh Tư – một kẻ làm nghề ăn trộm phải lên tiếng rằng hắn “không ưa lão vì lão lương thiện quá”.
Cuối cùng, ta thấy ở lão Hạc có một lòng tự trọng vô cùng cao quý. Lão tự trọng với ông giáo, với hàng xóm, với con trai và với chính cả bản thân lão. Khi cái đói kém cùng sự ốm đau đã cướp đi tất cả tài sản tích góp bấy lâu của lão, đẩy lão vào con đường cùng của cái chết, lão đã tự sắp xếp cho mình một hậu sự tốt đẹp. Một bên lão nhờ ông giáo “trông coi mảnh vườn” cho tới khi con trai lão trở về và trao lại cho nó. Một bên lão “bòn” tất cả những gì có thể ăn được như “khoai, củ chuối, sung luộc, rau má” trong vườn, cho tới tận khi không còn gì để ăn thì lão xin Binh Tư một ít bả chó. Lão không động tới mảnh vườn đã để dành cho con trai dù rằng nếu bán mảnh vườn đó, lão có thể có tiền để sống tiếp cuộc đời của mình. Lão tự trọng với ông giáo, với xóm làng khi không nhờ ai cho mình cái ăn, vì lão biết rằng họ cũng giống lão, đều quay quắt trong cái đói, cái nghèo. Dù rằng ông giáo cũng đôi lần “giấu giếm vợ” mà “giúp ngấm ngầm lão”. Nhưng đáp lại lão Hạc đã từ chối ông giáo “một cách gần như hách dịch”. Đó là bởi cái tự trọng trong lòng lão chẳng để lão nhận một sự giúp đỡ, một sự mang ơn từ người khác. Lòng tự trọng ấy của lão Hạc còn để lão nông già ấy lo thu xếp hậu sự cho chính mình. “Hai nhăm đồng bạc với năm đồng bạc vừa bán chó là ba mươi đồng”, lão nhờ ông giáo rằng nếu lão “lỡ có chết” thì đó là “của lão có chút ít” nhờ bà con ma chay giùm. Ôi cuộc đời của một người sao lại có thể chu toàn tới mức thu xếp cả hậu sự cho chính mình? Đó chẳng phải là vì lão tự trọng, không muốn phiền tới bất cứ ai hay sao?
Lão Hạc là điển hình, là minh chứng cho những người nông dân nghèo nhưng lại tiềm tàng những phẩm chất cao quý. Những người nông dân ấy cả đời sống trong tình thương yêu con, sống trong sự lương thiện, thanh sạch tinh khiết và tự trọng dù rằng cuộc sống của họ bị đày ải trong khốn khổ và đói nghèo.
Nam Cao đã dựng lên hình tượng một người nông dân nghèo trước cách mạng vô cùng thành công bằng bút pháp tự sự, miêu tả tâm lý nhân vật hết sức tinh tế. Ngôn ngữ trong tác phẩm cũng rất tự nhiên, gần gũi, giản dị, mộc mạc với mọi người, nhất là những người nông dân thuộc vùng đồng bằng Bác Bộ.
Thông qua hình tượng lão Hạc trong tác phẩm cùng tên, Nam Cao muốn cho mọi người thấy được số phận của biết bao người nông dân trong xã hội phong kiến nửa thực dân. Để từ đó, ông muốn lên tiếng tố cáo xã hội xã hội bất công, thối nát đã chèn ép con người vào đường cùng, đồng thời ông muốn bày tỏ sự trân trọng, yêu thương dành cho những người nông dân như lão Hạc.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |