Chuẩn mực đạo đức là tổng hợp các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với mỗi cá nhân hay nhóm xã hội, trong đó xác định ít nhiều sự chính xác về tính chất, mức độ, phạm vi, giới hạn của cái có thể, cái được phép, cái không được phép hay cái bắt buộc phải thực hiện trong hành vi xã hội của mỗi người nhằm bảo đảm sự ổn định, giữ gìn trật tự, kỉ cương của xã hội. Trong cuộc sống hằng ngày, con người thường xuyên thực hiện các hành vi xã hội nào đó nhằm đạt được hoặc thoả mãn những nhu cầu, lợi ích nhất định.
Hành vi của họ thường được định hướng và tuân theo những quy tắc, yêu cầu xã hội nào đó. Mọi người mong đợi họ hành động như thế này mà không nên như thế kia. Vì vậy xã hội xuất hiện nhu cầu phải có những phương tiện để điều chỉnh hành vi của con người.
Chính con người đã xác lập và tạo dựng hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đói với hành vi của mỗi cá nhân hay nhóm xã hội. Từ đó hình thành và xuất hiện trong xã hội hệ thống các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội. Chúng tham gia và phát huy tác dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống.
Dù chuẩn mực đạo đức là bất thành văn nhưng chúng đều là phương tiện định hướng, điều chỉnh các hành vi của cá nhân và các nhóm xã hội trong những điều kiện xã hội nhất định đồng thời là phương tiện kiểm tra xã hội đối với hành vi của họ. Nhờ có các chuẩn mực đạo đức mà các cá nhân luôn phả xem xét, suy nghĩ trước khi thực hiện hành vi xã hội nào đó, hành vi họ thực hiện đúng hay sai?, phù hợp hay không phù hợp? qua đó chuẩn mực đạo đức góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi sai trái, phạm pháp và tội phạm
2. Cấu trúc của hành vi đạo đức
2.1. Ý thức đạo đức
Ý thức đạo đức là năng lực hiểu biết của con người về những chuẩn mực đạo đức, thừa nhận tính tất yếu phải tôn trọng triệt để những chuẩn mực ấy và tự giác triển khai những chuẩn mực đạo đức theo sự thôi thúc động cơ bên trong. Ý thức đạo đức thường biểu lộ ở tri thức và niềm tin đạo đức.
+ Tri thức đạo đức là sự hiểu biết của con người về những chuẩn mực đạo đức hành vi của họ trong mối quan hệ với người khác và với cộng đồng, đây là yếu tố quan trọng chi phối hành vi đạo đức.
+ Niềm tin đạo đức là sự tin cậy một cách triệt để của cá nhân vào chính nghĩa.
2.2. Động cơ và tình cảm
+ Động cơ đạo đức là động cơ bên trong con người được ý thức và trở thành động lực chính làm cơ sở cho những hành vi của con người trong mối quan hệ giữa người này với người kia, biến hành vi của mình thành hành vi đạo đức.
Động cơ với tư cách là nguyên nhân sẽ trở thành động lực tâm lý nội tại, phát động mọi sức mạnh tinh thần và vật chất của con người, thúc đẩy con người hành động theo tri thức, niềm tin đã có.
Tình cảm đạo đức là một loại tình cảm cấp cao của con người, là tác nhân bên trong của hành vi đạo đức, giữ vai trò động lực thôi thúc con người thực hiện hành vi một cách đạo đức.
2.3. Thiện chí và thói quen đạo đức
- Ý chí của con người hướng tới việc tạo ra giá trị đạo đức hay còn gọi là thiện chí.
Thói quen đạo đức là những hành vi đạo đức không thay đổi con người, nó trở thành một nét tính cách của con người. Thói quen đạo đưc được hình thành trên những hành vi đạo đức được lặp đi lặp lại.
3. Vai trò của đạo đức
Vai trò của đạo đức là điều chỉnh hành vi của con người theo các chuẩn mực và quy tắc đạo đức đã được xã hội thừa nhận bằng sức mạnh của sự thôi thúc lương tâm cá nhân, của dư luận xã hội, của tập quán truyền thống và của giáo dục.
Đạo đức quy định thái độ, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân cũng như đối với người khác và xã hội. Vì vậy đạo đức là khuôn mẫu, tiêu chuẩn để xây dựng lối sống, lí tưởng mỗi người.
Đối với cá nhân
- Đạo đức góp phần hoàn thiện nhân cách con người
- Giúp cá nhân có ý thức và năng lực sống thiện, sống có ích.
- Giáo dục lòng nhân ái và tinh thần vị tha.
Đối với gia đình
- Đạo đức là nền tảng, là nhân tố xây dựng gia đình hạnh phúc.
- Tạo nên sự ổn định và phát triển vững chắc của gia đình.
Đối với xã hội
Đạo đức giúp xã hội ổn định, phát triển bền vững