Puskin từng viết: ''Linh hồn là ấn tượng của tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca và một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút''. Và đến với thi phẩm ''Câu cá mùa thu'' (Thu điếu) của tác giả Nguyễn Khuyến, người đọc sẽ thấy được một bức tranh mùa thu của làng quê Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng.
Nguyễn Khuyến (1835−1909), ông sống chủ yếu ở quê ngoại thuộc tỉnh Hà Nam. Ông là nhà thơ tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam. Ông sáng tác bằng cả chữ Hán, chữ Nôm nhưng nổi tiếng hơn cả là về chữ Nôm. Thơ Nguyễn Khuyến mang phong cách trong sáng, giản dị; văn phong đầy tinh tế và đượm buồn. Ngoài ra, thơ ông còn thể hiện một tình yêu với thiên nhiên đất nước.
Về tác phẩm ''Câu cá mùa thu'', tác phẩm được rút từ trùm thơ thu của Nguyễn Khuyến với ba bài: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh và đặc biệt hơn cả phải kể đến bài thơ ''Thu điếu''. Bài thơ vừa thể hiện vẻ đẹp của bức tranh mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ và vừa cho thấy được tâm trạng thầm kín của tác giả.
Qua sáu câu thơ đầu, tác giả đã tái hiện cho người đọc thấy được vẻ đẹp của bức tranh mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ - cũng chính là quê hương của tác giả. Cảnh vật trong bức tranh tươi đẹp ấy được cảm nhận từ gần đến cao xa rồi từ cao xa trở lại gần. Từ điểm nhìn ấy, Nguyễn Khuyến đã bao quát được cả bức tranh mùa thu, trời thu, cảnh thu của làng quê Việt Nam. Bức tranh ấy được khắc họa rất tinh tế nhưng cũng không kém phần giản dị dưới ngòi bút thần kì của ông
Mở đầu bài thơ, ông đã viết:
''Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo''
Bức tranh thu được mở đầu bằng hình ảnh ao thu nhỏ bé, lạnh lẽo gợi không khí se lạnh khi trời vào thu. Có lẽ, cái lạnh lẽo này cũng đang ngấm dần vào làn nước và cả tâm hồn của con người . Từ hình ảnh ao thu nhỏ bé, lạnh lẽo ấy đã khiến cho hình ảnh chiếc thuyền câu và người ngồi trên thuyền như thu bé lại. Tác giả đã sử dụng từ láy ''tẻo teo'' để diễn tả sự cô đơn, nhỏ bé của không gian. Nhà thơ đi câu cá chỉ là cái cớ để hòa mình vào không khí, cảnh sắc mùa thu bởi ngay từ đầu tác giả đã nói ao thu nước trong veo (đó không phải là môi trường phù hợp để câu cá). Cảnh mùa thu quả là đẹp nhưng dưới cái nhìn của Nguyễn Khuyến lại buồn tẻ, tĩnh lặng như vậy. Chắc chắn rằng, phải là người có giác quan nhạy bén và tinh tế như Nguyễn Khuyến mới nhận ra được những biểu hiện tinh vi làm tôn thêm vẻ đẹp của khung cảnh mùa thu.
Từ chiếc thuyền câu, tác giả đưa người đọc đến với những chuyển động, màu sắc của bức tranh thu:
''Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo''
Bức tranh thu tiếp tục được hiện lên rõ nét với hình ảnh ''sóng, lá vàng''. Màu sắc chủ đạo là màu xanh (màu xanh của sóng, xanh của ao) nhưng lại chen vào một hình ảnh lá vàng rơi tạo nên sự hòa sắc cho bức tranh. Mọi vận động đều rất nhẹ, rất khẽ: ''sóng biếc hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo''. Cảnh vật trong bức tranh được miêu tả theo hướng lấy động để tả tĩnh; dù bức tranh có âm thanh nhưng lại rất nhẹ, rất khẽ đã cho thấy được vẻ tĩnh lặng của bức tranh. Tác giả đã sử dụng từ ''vèo'' ở câu thơ thứ tư để chỉ tốc độ bay của lá nhưng cũng để thể hiện được tâm trạng của tác giả trước sự thay đổi nhanh chóng của thời thế. Như trong bài thơ ''Cảm thu tiễn thu'' nhà thơ cũng viết:
''Vèo trông lá rụng đầy sân''
Từ bức tranh thu dưới mặt đất, tác giả ngước nhìn lên trên:
''Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo''
Không gian được mở rộng ra cả tầm cao và rộng. Có lẽ cuộc sống không hối hả hay tâm hồn của nhà thơ đang mang đầy tâm sự mà mây cũng ''lơ lửng'' chẳng muốn bay. Màu xanh là gam màu chủ đạo mà màu xanh lại gợi lên sự lạnh lẽo, u buồn nhưng đây lại chính là tâm trạng của tác giả. Không gian thu được mở rộng, bức tranh thu có thêm chiều cao của trời với màu ''xanh ngắt''. Xanh ở đây là xanh có chiều sâu, xanh thăm thẳm gợi cái sâu lắng của không gian. Đây là một trong những thủ pháp ước lệ tượng trưng trong thơ trung đại Việt Nam. Trong hai bài thơ còn lại của chùm thơ Thu, Nguyễn Khuyến cũng miêu tả bầu trời với màu xanh ngắt. Trong ''Thu vịnh'', ông viết: ''Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao'' còn trong ''Thu ẩm'' ông lại viết: ''Da trời ai nhuộm màu xanh ngắt''. Từ trên cao, tác giả hướng đến ngõ trúc, xóm thôn vắng lặng; con đường quanh co, heo hút không một bóng người được thể hiện qua từ ''vắng teo'' đã cho thấy được cái không gian tĩnh lặng đến rợn người của làng quê mùa thu.
Ở trên, tác giả đã khắc họa bức tranh thu điển hình hơn cả cho mùa thu của đồng bằng Bắc Bộ và bức tranh chủ yếu là gam màu xanh gợi lên sự lạnh lẽo nhưng cũng thể hiện được tâm trạng thầm kín của nhà thơ. Qua đó, tác giả cũng thể hiện tình yêu với thiên nhiên, đất nước.
Từ bức tranh mùa thu có phần tĩnh lặng nhưng lại tuyệt đẹp ấy, Nguyễn Khuyến đã thể hiện tâm trạng, tâm sự và nỗi lòng của mình qua hai câu thơ cuối:
''Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo''
Đến đây, hình ảnh con người đã xuất hiện nhưng lại với hình ảnh ''tựa gối, ôm cần''. Cảnh vật đã cô đơn nhưng con người lại càng cô đơn hơn. Bởi vậy, nhà thơ ngồi câu lâu chẳng được. Từ ''cá đâu'' là cách hỏi mơ hồ không định hướng nhưng cũng có thể là sự ngỡ ngàng trong lòng người. Nhà thơ chìm sâu trong suy nghĩ miên man, mất cảm giác thực tại nên mới ''cá đâu đớp động dưới chân bèo''. Sự tĩnh lặng của cảnh vật lại càng làm cho nhà thơ chìm sâu trong tâm trạng của sự cô đơn và bất lực trước sự thay đổi của thời thế.
A-tô-ni Phơ-răng đã từng nói: ''Đọc một câu thơ hay tức là ta gặp gỡ được một tâm hồn con người''. Qua ''Thu điếu'', ta thấy ở Nguyễn Khuyến một tâm hồn gắn bó với thiên nhiên, một tấm lòng yêu nước thầm kín nhưng sâu sắc. ''Thu điếu'' đã tạo cho Nguyễn Khuyến một chỗ đứng trong thơ ca trung đại Việt Nam nói chung và những thi phẩm với đề tài mùa thu nói riêng. Chính những hình ảnh tuyệt đẹp và tâm trạng của một thi sĩ yêu nước đã tạo nên những giá trị trường tồn cho tác phẩm.