Soạn bài tự tình II của Hồ Xuân Hương
I. Đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Tâm trạng và hoàn cảnh của tác giả trong bốn câu thơ đầu
Thời gian bao giờ cũng được thể hiện trong sự nghịch đối với cuộc sống của con người, đặc biệt là tuổi trẻ và tình yêu. Với Hồ Xuân Hương, nhà thơ đầy nữ tính thì yếu tố về thời gian càng sâu sắc hơn. Bài thơ Tự tình (bài II) được mở đầu bằng thời gian: Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn và kết thúc cũng bằng thời gian: Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại – Mảnh tình san sẻ tí con con. Bốn câu thơ đầu đã nêu bật được hoàn cảnh hoàn cảnh và tâm trạng của nhà thơ.
Thời gian được thể hiện qua câu với âm thanh văng vẳng trống canh dồn. Âm thanh văng vẳng không chỉ đơn thuần là sự cảm nhận âm thanh bằng thính giác mà còn là sự cảm nhận về sự trôi đi của thời gian – thời gian vô thủy, vô chung nhưng thời gian còn chứa đựng sự phá hủy. Trong Tự tình (bài I), âm thanh của tiếng gà gáy đã gợi sự não lòng (tiếng gà văng vẳng trên bom) thì trong Tự tình (bài II), cái nhịp điệu gấp gáp, liên hồi của tiếng trống vừa là sự cảm nhận, vừa là sự thể hiện bước đi của thời gian và sự rối bời của tâm trạng.
Từ trơ được đặt ở đầu câu với nghệ thuật đảo ngữ vừa nói được bản lĩnh nhưng lại cũng thể hiện được nỗi đau của nhà thơ. Trơ là tủi hổ, là bẽ bàng. Nhưng trơ vỡi Hồ Xuân Hương còn là sự thách thức. Điều này hoàn toàn giống với cái trơ của Bà Huyện Thanh Quan: Đá vẫn trơ gan cũng tuế nguyệt (Thăng Long thành hoài cổ).
Hồng nhan: cách nói về người phụ nữ nhưng đi liền với cái, gợi lên sự rẻ rúng, mỉa mai.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh: Câu thơ gợi lên cái vòng luẩn quẩn, như là sự cảm nhận duyên tình đã trở thành trò đùa của tạo hóa: Hương rượu và hương tình đi qua chỉ để lại vị đắng chát, khổ đau của tác giả.
Hình ảnh Vầng trăng bóng xế nguyệt chưa tròn là hình tượng chứa hai lần bi kịch: trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn. Đó là sự tương đồng với thân phận của người phụ nữ. Câu thơ tả ngoại cảnh nhưng chứa đựng nội tâm của tác giả, tạo nên sự thống nhất giữa trăng và người.
Câu 2. Tâm trạng và thái độ của nhà thơ qua hình tượng thiên nhiên trong câu 5 và 6.
Thiên nhiên trong hai câu thơ 5 và 6 như cũng mang theo nỗi niềm phẫn uất của con người. Rêu là một sinh vật nhỏ yếu, hèn mọn nhưng cũng không chịu khuất phục, mềm yếu; nó phải xiên ngang mặt đất. Đá vốn rất chắc nhưng giờ cũng ngọn hơn để đâm toạc chân mây.
Nhà thơ sử dụng biện pháp đảo ngữ để làm nổi bật tâm trạng phẫn uất của thiên nhiên mà cũng là sự phẫn uất của con người. Các động từ mạnh như xiên, đâm kết hợp với các bổ ngữ như ngang, toạc thể hiện sự bưởng bỉnh, ngang ngạnh của thi sĩ. Chính biện pháp đối lập và đảo ngữ, cách dùng các từ ngữ tạo hình đó đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, làm nên cá tính sáng tạo của Hồ Xuân Hương. Đó cũng là cách miêu tả sáng tạo về thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương. Đó cũng là cách miêu tả sáng tạo về thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương: bao giờ cũng chuyển động, căng đầy sức sống ngay cả trong những tình huống bi thảm nhất.
Câu 3. Tâm sự của tác giả qua hai câu kết
Hai câu kết nói lên tâm trạng chán chường, buồn tủi của nhà thơ. Ngán là chán ngán, ngán ngẩm. Xuân đi xuân lại lại chính là cái vòng luẩn quẩn của tạo hóa. Xuân vừa là mùa xuân, tức là thời gian nhưng cũng chính là tuổi trẻ. Sự trở lại của mùa xuân cũng đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi trẻ. Từ lại thứ nhất có nghĩa là thêm một lần nữa, từ lại thứ hai là sự trở lại. Vì vậy, hai từ lại giống nhau về âm nhưng khác nhau về nghĩa, về cấp độ nghĩa.
Câu cuối Mảnh tình – san sẻ - tí – con con sử dụng nghệ thuật tăng tiến. Đây không phải là khối tình (khối tình cọ mãi với non sông) mà là mảnh, tình, tức là hết sức bé nhỏ. Mảnh tình bé nhỏ lại đem san sẻ để chỉ còn tí con con. Đó là tâm trạng của kẻ làm lẽ nhưng cũng là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa, khi hạnh phúc với họ luôn là điều gì không đầy đủ.
Câu 4. Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương
Bài thơ là bi kịch duyên phận (bi kịch ấy được thể hiện trong cảm thức về thời gian trong bốn câu thơ đầu) và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc (thể hiện trong bốn câu thơ cuối). Bi kịch duyên phận được thể hiện qua các nghịch đối: duyên phận muộn màng, lỡ dở trong khi thời gian cứ lạnh lùng trôi đi (hai câu đầu). Sự nghịch đối này dẫn đến tâm trạng buồn tủi, phẫn uất nhưng ở đó vẫn tiềm ẩn khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc. Khát vọng ấy được thể hiện rõ trong hai câu thơ 5 và 6.
Câu 5. Giá trị của bài thơ
Cấu tạo của thơ Nôm Đường luật và sự vận dụng sáng tạo những từ ngữ mang tính biểu cảm cao.
Nỗi lòng của Hồ Xuân Hương được thể hiện trong bài thơ: buồn đau, phẫn uất nhưng vẫn cháy lên khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc. Đó chính là vẻ đẹp của nhà thơ, cũng chính là con người của nhà thơ.
Câu 6. Sự giống nhau và khác nhau giữa hai bài thơ Tự tình I và II của Hồ Xuân Hương
- Giống nhau:
+ Cùng sử dụng thơ Nôm đường luật thể hiện cảm xúc của tác giả.
+ Đều mượn cảm thức về thời gian để thể hiện tâm trạng. Điều đó được thể hiện qua kết cấu vòng tròn của hai bài thơ: mở đầu bằng thời gian và kết thúc cũng là thời gian.
+ Đều sử dụng nhiều từ ngữ biểu cảm: văng vẳng, trở, cái hồng nhan, ngán, tí con con, oán hận, rền rĩ, mõm mòn, già tom…
Khác nhau:
+ Cảm xúc trong Tự tình I là nỗi niềm của nhà thơ trước duyên phận hẩm hiu, nhiều mất mát, trước lẽ đời đầy nghịch cảnh, đồng thời là sự vươn lên của chính bản thân, thách đố lại duyên phận.
+ Còn ở Tự tình II, cũng là sự thể hiện của bi kịch duyên phận muôn màng, cố gắng vươn lên nhưng cuối cùng cũng không thoát được bi kịch. Chính vì thế bi kịch như được nhân lên, phẫn uất hơn. Sự khác nhau đó chính là do cảm xúc chủ đạo trong từng bài thơ.