Từ cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn phát triển mới, được gọi là thời kỳ chủ nghĩa tư bản toàn cầu (global capitalism) với những đặc trưng mang tính toàn cầu; là sản phẩm của xu thế toàn cầu hóa gắn với lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất có trình độ xã hội hóa ở quy mô toàn cầu; mặt khác, sự bùng nổ mạng lưới các công ty xuyên quốc gia và internet tạo ra nền tảng to lớn để chủ nghĩa tư bản thực hiện tham vọng lũng đoạn, khống chế toàn cầu(1). Bên cạnh đó, chủ nghĩa tư bản toàn cầu ra đời còn dựa trên sự hậu thuẫn từ nhiều biến cố chính trị, như sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, sự sụp đổ của bức tường Béc-lin, sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa Liên Xô và các nước Đông Âu; sự phá sản của các phương án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội do các chính quyền cánh tả, tiến bộ, cách mạng triển khai ở đông đảo các nước thuộc Thế giới thứ ba,...