Trình bày suy nghĩ của em về vẻ đẹp của Trần Đăng Khoa
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (sinh ngày 26 tháng 4 năm 1958), người làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, vùng đất nổi tiếng là nơi sản sinh ra nhiều văn nhân nổi tiếng. Có thể nói rằng nhà thơ Trần Đăng Khoa là gương mặt thân quen với bạn đọc yêu thơ trên cả nước. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và văn học, ngay từ khi còn trong nôi, Trần Đăng Khoa đã được nuôi dưỡng bằng những dòng sữa ngọt ngào của dòng văn học dân gian qua những điệu chèo Lưu Bình – Dương Lễ, Quan âm Thị Kính của bà ngoại, qua những lời kể về tích Hoàng Trừu, Tống Trân – Cúc Hoa của mẹ. Đặc biệt hơn, mẹ của Trần Đăng Khoa có thể đọc ngược Truyền Kiều. Anh trai và em gái của ông đều là những người say mê văn học. Trần Đăng Khoa viết bài thơ đầu tiên Con bướm vàng vào tháng 2/1966 được đăng báo từ năm ông 8 tuổi. Tập thơ đầu tiên “Từ góc sân nhà em” in ở Nhà xuất bản Kim Đồng lúc Trần Đăng Khoa tròn 10 tuổi. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết lời giới thiệu Trần Đăng Khoa trên báo (6/6/1973) khi tập thơ thứ hai “Góc sân và khoảng trời” được in năm 1973. Năm 1975, đang học lớp 10, trong đợt Tổng động viên, khi cuộc Kháng chiến chống Mĩ cứu nước bước vào giai đoạn cuối, Trần Đăng Khoa tình nguyện vào quân ngũ. Khi kháng chiến chống Mĩ giành thắng lợi, đất nước hoàn toàn giải phóng, Trần Đăng Khoa về học trường Sĩ quan lục quân rồi tiếp tục học ở trường Viết văn Nguyễn Du khóa IV. Sau đó, ông được cử sang Cộng hòa liên bang Nga học tại Học viện Văn học Thế giới mang tên M.Gorki. Trở về nước Trần Đăng Khoa làm việc cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Về sau chuyển công tác tại Ban văn học nghệ thuật của Đài tiếng nói Việt Nam. Sinh thời các nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu đánh giá cao về tài năng thơ của ông, nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Đăng Mạnh cũng đã khen ngợi “Trần Đăng Khoa luôn cảm nhận được vẻ đẹp trong trẻo, trinh nguyên, thuần nhất của vùng quê dân dã”. Cảm quan chi phối xuyến suốt trong những sáng tác của ông chính là tình cảm của ông dành cho trẻ thơ một cách chân thành và mộc mạc. Độc giả có thể cảm nhận được tình cảm thân thương, trìu mến, gũi gũi khi nhà thơ gọi đúng được nét suy nghĩ, sức liên tưởng dưới góc nhìn của trẻ em.