Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Trong truyện Kiều Nguyễn Du thường viết: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Trong truyện Kiều Nguyễn Du thường viết:
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"
Hãy làm sáng tỏ ý thơ trên bằng việc phân tích đoạn thơ sau: "Buồn trông cửa bể chiều hôm....
.....Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"
4 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
6.634
4
1
Nguyễn Thành Trương
19/05/2019 05:27:11
Một trong những yếu tố làm nên thành công cho kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Đại thi hào đã có hai câu thơ thật hay để khái quát về bút pháp nghệ thuật tài tình này:
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”...
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Đạt đến thành công tuyệt vời của thiên tài Nguyễn Du trong bút pháp này là tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều, SGK Văn học 9, tập 1):
“Buồn trông của bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi“.
Bản thân tên gọi của bút pháp đã hàm chứa phương thức biểu đạt “tả cảnh” nhưng “ngụ tình”. Nghĩa hiển ngôn của câu chữ là tả thiên nhiên, cảnh vật nhưng qua đó nhà thơ muốn gửi gắm cái tình, cái ý cùa nhân vật trữ tình. Như trong hai câu thơ dưới đây:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Nhà thơ đã khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa cảnh và tình: cảnh theo tình, tình buồn cảnh cũng buồn theo. Và như thế, bức tranh phong cảnh đã trở thành bức tranh tâm cảnh.
Trong tám câu thơ cuối của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du đã vận dụng thành công bút pháp tả cảnh ngụ tình ấy.
Cảnh được miêu tả theo kiểu tứ bình trong con mắt trông bốn bể và từ xa tới gần. Cảnh đầu tiên mà Kiều trông là cảnh cửa bể lúc chiều hôm:
“Buồn trông cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”…
Không gian mênh mông rợn ngợp và thời gian khi chiều tà muôn thuở luôn gợi nỗi buồn trống vắng bơ vơ. Giữa khung cảnh ấy cánh buồm “thấp thoáng” vô định hiện hữu như một ảo ảnh. Hình ảnh cánh buồm dễ khiến ta liên tưởng đến những chuyến đò ngược xuôi về bến bờ của quê hương xứ sở. Cảnh đã gợi trong lòng người tha hương nỗi nhớ buồn về cha mẹ, quê nhà cách xa, nỗi cô đơn và khát khao sum họp.
Trên mặt nước mênh mông của chốn biển cả lênh đênh, cánh hoa trôi man mác trên ngọn nước mới sa gợi trong lòng Kiều nỗi buồn về thân phận trôi nổi, không biết rồi sẽ bị trôi dạt, bị vùi dập ra sao:
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu “…
Cảnh làm Kiều xót xa cho duyên phận, số kiếp của mình. Sau một cửa biển một cánh hoa giữa dòng nước là cảnh của một nội cỏ:
"Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh"...
Cả một nội cỏ trải ra mênh mông nhưng khác với cỏ trong ngày thanh minh: "cỏ non xanh rợn chân trời" là sắc cỏ "rầu rầu" - một màu vàng úa gợi tới sự héo tàn, buồn bã. Màu xanh nhàn nhạt trải dài từ mặt đất tới chân mây không phải là màu xanh của sự sống của hy vọng mà chỉ gợi nỗi chán ngán vô vọng vì cuộc sống vô vị, tẻ nhạt, cô quạnh này không biết bao giờ mới kết thúc. Cảnh mờ mịt cũng giống như tương lai mờ mịt, thân phận nội cỏ hoa hèn của Thuý Kiều. Và cuối cùng là cảnh con sóng nổi lên ầm ầm sau cơn gió:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Tiếng sóng kêu như báo trước sóng gió dữ dội của cuộc đời hay cũng là tiếng kêu đau đớn của Kiều đồng vọng với thiên nhiên. Kiều không chỉ buồn mà còn lo sợ, kinh hãi như đang đứng trước sóng gió, bão táp của cuộc đời sắp đổ xuống đầu nàng. Cảnh được miêu tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động. Cảnh ngày một rõ hơn để diễn tả nỗi buồn từ man mác mông lung đến âu lo kinh sợ dồn đến bão táp nội tâm. Thiên nhiên chân thực, sinh động nhưng mờ ảo bởi nó được nhìn theo quy luật "cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Và đó cũng là hiện thân, là tang vật của quá khứ khổ đau, hiện tại lẻ loi bất hạnh và báo hiệu một tương lai khủng khiếp. Tất cả đều là hình ảnh về sự vô định, mong manh, vô vọng, sự trôi dạt, bế tắc.
Bên cạnh những từ láy, từ tượng thanh, tượng hình đầy sức gợi, đoạn thơ còn thành công ở việc dùng điệp ngữ “buồn trông”. Điệp ngữ này Nguyễn Du mượn trong ca dao:
“Buồn trông con nhện giăng tơ...
Buồn trông chênh chếch sao mai...”
Bốn cặp câu lục bát cũng là bốn cảnh và các cặp câu được liên kết nhờ điệp ngữ giàu tính truyền thống này:
Buồn trông của biển chiều hôm
Buồn trông ngọn nước mới sa
Buồn trông nội cỏ dàu dàu
Buổn trông gió cuốn mặt duềnh
"Buồn trông" là nhìn xa mà trông ngóng một cái gì mơ hồ sẽ đến làm thay đổi hiện tại nhưng trông mà vô vọng. "Buồn trông" có cái thảng thốt lo âu, có cái xa lạ cuốn hút tầm nhìn, có cả sự dự cảm hãi hùng của người con gái lần đầu lạc bước giữa cuộc đời. Điệp ngữ kết hợp với những hình ảnh đứng sau cùng các từ láy đã diễn tả nỗi buồn với nhiều sắc độ khác nhau, trào dâng lớp lớp như những con sóng lòng. Điệp ngữ tạo nên những vần bằng, gợi âm hưởng trầm buồn man mác, diễn tả nỗi buồn mênh mang sâu lắng, vô vọng đến vô tận. "Buồn trông" trở thành điệp khúc của đoạn thơ cũng như điệp khúc của tâm trạng. Bằng một gam màu nhạt và lạnh, Nguyễn Du đã vẽ lên một bộ tứ bình tâm trạng hết sức độc đáo và xúc động. Nguyễn Du đã chọn cách thể hiện "tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này" thật độc đáo tạo nên đoạn thơ tuyệt bút với bút pháp tả cảnh ngụ tình.
Bút pháp tả cảnh ngụ tình là một bút pháp nghệ thuật tinh tế và đặc sắc. Phải có sự đồng cảm đến tri âm tri kỉ với nhân vật trữ tình mới có thể đạt đến độ chín của bút pháp. Và bởi vậy, với việc vận dụng thành công thủ pháp nghệ thuật này trong việc diễn tả tâm trạng “Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích” Nguyễn Du đã bộc lộ một tâm hồn nhạy cảm, đa đoan và một tâm hồn nhân ái đến tuyệt vời.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Quỳnh Anh Đỗ
19/05/2019 07:18:47
Tiếng thơ “ai động đất trời” ấy chính là một nỗi sầu, một nỗi đau không bao giờ nhạt phai theo năm tháng của dòng sông thời gian đều đặn chảy. Nhắc đến Truyện Kiều - kiệt tác của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du - cũng là nhắc đến “tiếng thương”, tiếng kêu không chỉ cho “phận đàn bà” mà còn cho mọi kiếp bất hạnh, không phải cho một đời mà cho đến “nghìn năm sau” và cho “muôn đời”. Và khi đọc trích đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích, những độc giả không thể ngăn được dòng lệ trước bi kịch hết sức xót xa của cuộc đời Kiều:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
trích đoạn Kiều ở lẩu Ngưng Bích)
Tám câu thơ tả cảnh ngụ tình thành công trên đây được trích từ câu 1047 đến 1054 trong Truyện Kiều.
Sau cơn tai biến lớn, không đành lòng để gia đình tan nát, Thúy Kiều phải gạt nước mắt nhờ cậy Thúy Vân thay mình giữ trọn lời nguyện ước với chàng Kim, để nàng bán mình lấy tiền cứu cha và em ra khỏi nanh vuốt của bọn lang sói. Thúy Kiều bị Mã Giám Sinh “Vốn là một đứa phong tình đã quen” đánh tiếng là cưới Kiều về làm vợ nhưng kì thực gã đã mua Kiều đem về cửa hàng thanh lâu ở Lâm Tri của gã cùng với mụ Tú Bà chung lưng mở để tiếp khách làng chơi. Phần bị gã họ Mã lừa dối và làm nhục, lại biết mình bị đầy vào chốn lầu xanh, nhân lúc mụ Tú Bà sắp sân vào đánh đập nàng để ra uy, Thúy Kiều rút ngay con dao đã thủsẵn từ trước ra để quyên sinh nhưng không chết. Sợ Thúy Kiều liều mình thì bao nhiêu, vốn liếng của mụ “đi đời nhà ma”, Tú Bà đành phải chăm lo thuốc thang cho nàng và dỗ dành nàng ra ở lầu Ngưng Bích, chờ cơ hội để thực hiện những âm mưu mới. Tại đây, Thúy Kiều buồn nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, trong cảnh sầu thương, buồn tủi, nàng cô đơn, bé nhỏ trước khung cảnh thiên nhiên mênh mông:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Trong thi ca, buổi chiều thường khơi gợi nỗi buồn từ cõi sâu hun hút trong tâm hồn con người, nhất là những con người hay da sầu, đa cảm như Thúy Kiều. Cảnh “cửa bể chiều hôm” tươi đẹp và thi vị nhưng cũng mang nặng tâm trạng buồn của nàng Kiều, bởi lẽ:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Nhìn cánh buồm khi ẩn, khi hiện giữa biển khơi mênh mông, xa vắng, đơn côi, Kiều nhớ thương quê hương và gia đình da diết. Chắc có lẽ giờ này, Vương Ông, Vương Bà, Vương Quan, Thúy Vân đang trông ngóng tin nàng. Và người yêu của nàng, chàng Kim, chắc chắn sẽ nhớ thương, đau khổ, chờ mong nàng nhiều lắm. Thật bẽ bàng thay! Chén rượu thề nguyền cùng lòng, cùng dạ với nhau mới hôm nào có “Vầng trăng vằng vặc giữa trời” sáng soi, chứng giám, thế mà phút chốc bỗng chia lìa đôi đứa đôi nơi.
Các từ láy “thấp thoáng”, “xa xa” và câu hỏi tu từ trong câu “Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?” có sức gợi tả, gợi cảm mãnh liệt. Con thuyền đi xa rồi cũng có ngày trở về với bến. Còn Kiều biết ngày nào mới được đoàn tụ với gia đình?
Cánh buồm tiến dần vào vô cực, Kiều lặng buồn nhìn “ngọn nước mới sa”.
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
“Ngọn nước mới sa” là một hình ảnh tình cờ ập vào đôi mắt trong như làn nước mùa thu của nàng. Nước sa là thời điểm thủy triều đang xuống nhanh và ở những dòng sông, nước sẽ chảy ra biển khơi bao la. Nhìn cánh hoa trôi lênh đênh giữa dòng, lòng nàng chợt dâng lên nỗi buồn “man mác”. Từ láy “man mác” được nhà thơ dùng rất tài tình trong phép nhân hóa “hoa trôi man mác” kết hợp với câu hỏi tu từ “Hoa trôi man mác biết là về đâu?”. Hoa là loài sinh vật vô tri, vô giác, chuyên tỏa sắc khoe hương làm đẹp cho đời mà khi nát nhụy, phai hương rồi phải chịu cảnh gió dập sóng dồi còn biết buồn, huống chi nàng Kiều tài sắc, nết na vẹn toàn? Liên tưởng đến thời gian trước, đang độ tuổi xuân thì mơn mởn, sống trong cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che”, và cảnh ngộ hiện tại, nàng xót xa, tan nát cả cõi lòng. Số kiếp hoa trôi bèo dạt của nàng không biết rồi sẽ đi đâu? về đâu? Chao ôi! Cũng một kiếp người mà biết mây nổi trôi?!
Kiều nhìn ra biển khơi mịt mùng rồi lại trông vào đất liền:
Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Những tưởng cánh đồng cỏ sẽ tươi non, sẽ bừng tuôn nhựa sống, nào ngờ, cỏ cũng rầu rĩ, héo hon! Phải chăng cỏ đang ngóng chờ phép nhiệm màu của những cơn mưa để sớm vượt qua mùa nắng hạn do thiên nhiên khắc nghiệt gây ra? cỏ úa tàn, sầu não hay đó chính là nỗi lòng Kiều? Từ láy “dầu dầu” và phép nhân hóa “nội cỏ dầu dầu” đã tô đậm và nâng cấp nỗi bơ vơ, thống khổ của nàng Kiều.
Riêng số từ “một” trong cụm từ “một màu” và từ láy hoàn toàn “xanhxanh” vừa có tác dụng nhấn mạnh sự mịt mùng của đời Kiều, vừa gợi tả sự hiu quạnh, vắng vẻ đến lạnh người của khoảng không gian mông mênh, cô liêu. Dường như bóng chiều đang xuống dần, hoàng hôn sắp xuống trên mặt biển, hoàng hôn sắp trùm lấy cuộc đời Kiều để tiếp tục vùi hoa dập liễu, để “Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân”. Ôi! Kiều sợ làm sao cái cảnh “Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng” ấy!
Kiều nhìn ra vùng biển trước mặt:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Kìa! Những cơn gió dữ dội đang nổi lên giữa hoàng hôn. “Gió cuốn mặt duềnh” hay gió đang chờ chực để cuốn Kiều đưa vào bểkhổ của địa ngục trần gian? Cái “ghế ngồi” của nàng nào đã được yên. Tiếng sóng “ầm ầm” đang gào thét liên hồi đưa nàng trở về thực tế với lo sợ kinh hoàng. Từ láy hoàn toàn “ầm ầm” và phép đổi trật tự cú pháp trong câu “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” kết hợp với điệp ngữ “buồn trông”, được lặp đi lặp lại đến bốn lần ở tám câu thơ có tác dụng dự báo những tai họa sắp sửa giáng xuống cuộc sống của Kiều trong tương lai.
Ngoài ra, đoạn thơ trên còn sử dụng phép song hành rất cân đối đểlàm phương tiện liên kết câu một cách chặt chẽ. Bên cạnh phép điệp dễ thấy như đã nói, đoạn thơ còn tiềm ẩn một phép điệp cấu trúc cú pháp cực kì điêu luyện. Nếu câu lục nói về thiên nhiên thì câu bát nói về thân phận nàng Kiều.
Mặt khác, bằng ngôn ngữ độc thoại tinh xảo, bằng ngôn ngữ văn học chữ Nôm trang nhã, bằng ngôn ngữ văn học dân gian trong sáng, thiên tài Nguyễn Du vừa biểu đạt được ngoại cảnh một cách tinh tế, chính xác, sống động vừa biểu đạt được tâm cảnh đa dạng, phức tạp nội tâmcủa nhân vật Thúy Kiều. Trong chiều sâu của lời thơ, ý thơ, trong nỗi buồn của Thúy Kiều, chúng ta lại cảm được một tiếng kêu đến đứt ruột, một lời tố cáo đanh thép cái xã hội phong kiến bất công, phi nghĩa, nhơ nhớp đã cướp đoạt quyền sống, quvền hạnh phúc của con người, đã xô đẩy con người vào ngõ cụt không lối thoát, vào đêm tối mông mênh của cuộc đời.
Nhìn chung, cái buồn của đoạn thơ là: “Cái buồn có sức thôi thúc con người biết yêu thương và căm giận” (GS.TS Nguyễn Sĩ Cẩn). Nhưng cảm hứng chủ đạo của đoạn thơ không bắt nguồn từ sự yêu thích, miêu tả phong cảnh thiên nhiên mà bắt nguồn từ tấm lòng yêu thương vô hạn của đại thi hào Nguyễn Du đối với những kiếp hồng nhan bạc mệnh.
Tóm lại, tám câu thơ trích trong đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích là một bức tranh tâm tình đầy xúc động. Qua đoạn thơ, chúng ta thấy Nguyễn Du vừa là một thiên tài về thi ca, vừa là một nhà hội hoạ kì tài, vừa là một người có “con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” (Mộng Liên Đường). Càng nâng niu, quý trọng Truyện Kiều, chúng ta càng căm giận xã hội cũ, càng xót thương cho thân phận nàng Kiều:
Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lắm truân chuyên?
1
1
(•‿•)
19/05/2019 08:28:22
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, đoạn nói về tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích vẫn được người đọc xưa nay coi là một trong những đoạn thơ tuyệt vời về nghệ thuật tả cảnh và tả tình. Thế nhưng cái hay của cả đoạn thơ như ngưng đọng lại trong những câu thơ cuối cùng, ở bốn bức tranh:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Tám câu thơ trên là cảnh nhưng thực sự là tình, Nguyễn Du tả cảnh nhưng thực sự là tả tình.
Bốn bức tranh đều được nhà thơ khởi đầu bằng hai tiếng “buồn trông" nghĩa là nỗi buồn đã sẵn tự trong lòng trước khi nhìn vào cảnh và ngắm cảnh cùng với nỗi buồn ấy, vừa ngắm vừa buồn, càng ngắm càng buồn, càng buồn càng ngắm. Nói như thế thật là hợp lí, thật đúng với tâm trạng Thúy Kiều lúc này. Vì sao vậy? Vì nỗi buồn của Kiều là nỗi buồn lớn, không phải là nỗi buồn thoáng qua vì một chuyện có chốc lát, mà là nỗi buồn đeo đẳng suốt cả đời người. Quả thật, trong suốt phần đầu của Truyện Kiều, chưa bao giờ Kiều buồn như lúc này, bởi chưa bao giờ Kiều có dịp nhìn vào chuyện buồn của mình, ngẫm cho kĩ, thấm cho sâu về chuyện buồn ấy . Xa Kim Trọng, phải bán mình chuộc cha, Kiều chỉ kịp đau đớn. Nhưng gia biến nặng nề, nỗi đau của cha, nỗi đau của mẹ, nỗi buồn của các em, những điều ấy đòi hỏi Kiều phải đứng vững, tạm quên mình đi để giải quyết việc nhà cho trọn đạo một người con, một người chị. Phải rời gia đình, cùng Mã Giám Sinh ra đi, trong nỗi buồn vì không vẹn tình với Kim Trọng, Kiều có niềm an ủi đã cứu được gia đình. Vừa đến Lâm Tri, bước vào nhà mụ Tú Bà, chưa kịp hồi sức sau một chặng đường dài “ Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh", Kiều đã hoảng hốt vì quang cảnh nhà mụ, Kiều đã gặp ngay một trận “tam bành" của con mụ buôn thịt người ác độc ấy. Có lẽ Kiều đã đau, đã nhục, đã căm hờn, nhưng chưa kịp buồn.
Bây giờ mới thực sự buồn. Ta hình dung Kiều ngồi một mình trên lầu Ngưng Bích (thực chất là lầu rước khách của mụ Tú), bốn bể là mênh mông vắng lặng. Cảnh như dội vào lòng Kiều, xui nàng nghĩ về thân phận của mình. Nỗi buồn mỗi lúc một thấm thía. Nàng buồn vì nhớ tới Kim Trọng, người mới cùng nàng thề bồi tha thiết mà nay thì vĩnh viễn cách xa. Nàng buồn vì nỗi xa cha mẹ, từ nay mỗi ngày một già yếu mà không có nàng để hôm sớm đỡ đần chăm sóc. Nỗi buồn thật là vời vợi mênh mông, giờ đã đọng thành khối trong lòng Kiều. Nếu ban đầu nỗi buồn còn từ cảnh dội vào lòng thì lúc này nỗi buồn lại chính từ lòng buồn. Với hai tiếng “buồn trông”', Nguyễn Du sao mà hiểu lòng người sâu sắc quá vậy!
Kiều trông gì?
Đây là bức tranh thứ nhất:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Trông về “cửa bể' mà lại “cửa bể chiều hôm". Lúc ấy mặt trời sắp tắt, chỉ còn để lại những ánh sáng thoi thóp cuối cùng trên mặt nước. Nhìn về cửa bể tức là còn nhìn thấy cả một dải bể đang mất hút đi ở cuối chân trời. Phía ấy không có gì cả ngoài một trống vắng mênh mông, một bầu trời đang dần tối. Thế mà trên cái nền trống vắng lại nổi lên hình ảnh “thuyền ai”. Thuyền ai tức là chỉ có một chiếc thuyền, chứ không phải cảnh đoàn thuyền đông đúc tấp nập từ biển trở về để gợi lên một điều vui vẻ. Con thuyền gần như mất hút cuối chân trời, vì Kiều chỉ nhìn thấy cánh buồm của nó, mà cánh buồm thì lại cũng chỉ “thấp thoáng”. Thấp thoáng, hai âm “th" gợi một cảm giác lặp lại, với hai âm “ấp" và uoáng' một âm tắc, một âm vang - diễn tả hình ảnh cánh buồm mờ mờ tỏ tỏ, chợt hiện rồi chợt ẩn, nhấp nhô trên sóng biển, như mơ hồ, như ảo ảnh ở cuối biển xa xa. “ Thuyền ai...” thuyền ai đó, thuyền ai thế nhỉ? Thuyền đang đi về nơi quê nhà thân yêu của ta chăng? Hay thuyền đang đi về nơi vô định, cũng cô đơn, cũng lưu lạc giang hồ như chính ta? Tâm sự này đã buồn, trông vào cảnh ấy, sao có thể không thấm thìa nỗi buồn hơn. Như để tìm một chút lãng quên, Kiều ngoảnh mặt nhìn sang hướng khác. Thì đây:
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu ?
Trước mắt Kiều là một ngọn nước từ trên thác cao đang đổ xuống. Mới từ lòng suối chảy trôi khỏi đầu ngọn thác, ôi thôi, thế là tan tác đời trong trẻo với êm đềm của nước. Bây giờ là lúc bắt đầu của dập vùi, cuộn xoáy, sôi trào, xô đập, ngầu đục cát bùn. Kinh hãi thay cái phút từ trên mỏm đá cao sa xuống thác! Cảnh ngọn nước đã buồn, mà nhìn đến chân ngọn nước thì: hoa trôi man mác... Giá nhà thơ viết "tan tác' thì cũng đành đi một nhẽ, cho nó tan vỡ đi, chìm lấp đi những cánh hoa mỏng manh kia! Nhưng không, hoa rụng xuống dòng nước và bập bềnh trôi đi, bị đưa qua đẩy lại, rồi lại trôi đi, lặng lẽ, buồn bã, để đến một nơi nào không làm sao có thể biết được. Ngọn nước mới sa ấy, cánh hoa trôi ấy, có khác chi cuộc đời Kiều! Chính Kiều cũng là một ngọn nước vừa mới đi qua lòng suối êm đềm và vừa mới sa xuống giữa ngọn xoáy dập vùi. Chính Kiều cũng là đóa hoa đang man mác trôi đi, đơn độc và mỏng manh trên một dòng nước vừa dài vừa rộng với bao nhiêu đe dọa chưa thể nào hình dung ra hết. Lòng đã buồn, cảnh lại buồn quá. Thôi, hãy đưa mắt trông đi nơi khác.
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Lại một cảnh mênh mông hoang vắng: một đồng cỏ phẳng lặng kéo mãi đến cuối tầm nhìn, không một bóng cây, không một dòng sông, không một gò núi, không một mái nhà để phá vỡ bớt cái đơn điệu chán nản ấy đi. Chỉ có cỏ, cỏ và cỏ. Mà cỏ thì cũng có tươi tốt gì đâu! Từ “rầu rầu'” không chỉ gợi lên ý buồn bã, mà còn cho ta hình dung thấy những ngọn cỏ lưa thưa ủ ê như đang dần héo hắt đi, đang mất dần sức sống. Đây không phải là đồng cỏ xuân đầy sức sống và niềm vui khi Kiều đi dự hội thanh minh:
Cỏ non xanh tận chân trời...
Đây là đồng cỏ cuối mùa, cũng đang buồn bã như chính lòng người ngắm cảnh. Thế mà cái đồng cỏ ấy, cái màu cỏ ủ ê ấy lại kéo dài ra vô tận, tiếp cả với nền trời, thành một màu duy nhất: “xanh xanh". Nếu Nguyễn Du viết:
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh thì hẳn nàng Kiều đã tìm được ở đó một niềm an ủi, đôi chút lãng quên. Nhưng “xanh xanh" thì chưa hẳn là xanh, chỉ có vẻ xanh thôi, một màu xanh nhợt nhạt, xa xôi, làm gợi lên một niềm ngao ngán. Và có lẽ cái màu “xanh xanh" ấy là cái màu của tâm trạng được nhìn từ đôi mắt đẫm ướt khổ đau.
Thế là Thúy Kiều đã ngoảnh nhìn hết ba hướng. Nàng chỉ còn một hướng cuối cùng. May ra có chút đổi thay chăng?
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Hóa ra cái buồn của ba cảnh trước tuy buồn mà chưa thực là buồn. Ba cảnh trên buồn đến thế còn là nhẹ quá. Cảnh này mới thực là buồn. Ba bức tranh trên chỉ là những bước chuẩn bị cho cảnh buồn cuối cùng này. Một vùng biển ăn sâu vào đất liền, ngoài kia là biển lớn. Gió biển hun hút chạy vào duềnh, gió cuốn ào ào khiến mặt biển nổi đầy sóng lớn, trắng xóa một màu. Sóng vỗ “ầm ầm" chứ không phải “ ì ầm" như những ngày ít gió; sóng gào thét cuồng nộ, đập vào bờ, xô đập nhau, lớp sóng này chưa tan đã ào lên lớp sóng khác, liên tục, bất tận. Tiếng sóng lớn lắm, không chỉ vang ầm trên biển mà vang đi rất xa, vang khắp bốn bể. Kiều tưởng như mình không còn ngồi trên lầu Ngưng Bích nữa, mà ngồi đâu chính giữa duềnh biển mênh mông ấy, bốn bên nàng là sóng vỗ. Mấy từ “ầm ầm tiếng sóng” nghe đã dữ dội bên tai nàng, đang gào thét trong tâm hồn nàng, vây bủa lấy nàng.
Nếu trong ba bức tranh trên, giữa người và ngoại cảnh còn là hai đối tượng phân biệt, đâu là chủ, đâu là khách, thì đến bức tranh này, con người đã nhập vào ngoại cảnh; ngoại cảnh trùm phủ lấy con người, nỗi buồn thực đã đi đến mức tột cùng của cao trào. Lúc này, con người sẵn sàng tan đi cùng với ngoại cảnh, sẵn sàng làm bất cứ việc liều lĩnh nào để hoặc thoát khỏi nỗi buồn ghê gớm ấy, hoặc có thể chết đi cũng không cần. Chính tâm trạng này đã dọn đường cho việc Kiều gặp Sở Khanh, liều lĩnh theo y rồi bị lừa gạt.
Bốn bức tranh của Nguyễn Du thật ra thì không lạ lùng. Nhưng thật là lạ lùng cách của Nguyễn Du diễn tả những bức tranh ấy trong sự hòa hợp với hoàn cảnh và tâm trạng của Thúy Kiều. Bởi Nguyễn Du rất tinh tế khi nhìn cảnh, rất sâu sắc về tình người, nhưng còn bởi điều này nữa: Nguyễn Du rất tài tình trong ngôn ngữ.
1
0
Quỳnh Anh Đỗ
19/05/2019 11:17:21
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Không có chữ “Buồn trông” thì hai câu thơ vẫn mang giọng điệu buồn, nhớ của Kiều. “Cửa bể chiều hôm”, một hình ảnh mà người yêu thơ, yêu hội họa cần tưởng tượng nhiều mới thấy hết cái nên thơ, huyền ảo của nó. Dĩ nhiên người đọc sẽ tự hỏi: “Ai buồn, ai trông?”. Và lúc ấy, người đọc hiểu ngay trong cái đẹp, cái nên thơ huyền ảo kia bàng bạc những buồn! Sau giây phút đớn đau khôn lường của đời con gái, sau lần tự tử hụt, Kiều đang ngồi nơi đây, một mình. Nàng làm bạn với ai? Tất cả những kẻ kia chỉ là bọn giả nhân giả nghĩa. Chỉ còn có thiên nhiên. Nàng chợt nhận ra ở ngoài khơi “thuyền ai thấp thoáng”. Cái hình ảnh di động đưa người đi như đồng cảm với tâm trạng của Kiều. Hình ảnh lúc ẩn lúc hiện của cánh buồm kia đã chập chờn lại cô đơn, cô đơn như Kiều đang vò võ ở lầu Ngưng Bích. Nhưng thuyền sẽ về với bến, còn Kiều thì biết về nơi đâu?!
Hai câu thơ mang hình ảnh biển chiều đẹp, thanh vắng nhưng lại đượm buồn bởi tâm trạng của con người. Nỗi buồn của Kiều không dừng lại ở đó, nó như con nước xoáy quyện sâu vào tâm tư của nàng. Tố Như viết tiếp:
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Nhà thơ đã mượn hình ảnh bên ngoài để diễn đạt nội tâm của Kiều. Nhìn thấy “hoa trôi”, Kiều lo buồn cho tương lai, thân phận đen tối của nàng.
Thần tình làm sao ở cách chọn từ cho hợp vần, trọn nghĩa! Thoáng hình ảnh “xa xa” thì đã thấy “ngọn nước mới sa”, một hình ảnh gần. Một hình ảnh tình cờ có tính bao quát như báo hiệu cho người đọc chú ý đến một chi tiết, một hình ảnh khác trong hình ảnh “ngọn nước mới sa” ấy. Và điều ấy đã đến. Hình như hoa cũng biết “man mác” cho thân phận của mình. Nhìn hoa bị sóng dập, cát vùi Kiều không thể không liên tưởng đến hoàn cảnh hiện tại và tương lai của nàng. Mới hôm nào đó, Kiều sống trong cảnh:
Em đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
thì bây giờ phải sống một mình cô đơn cùng với nỗi đau bị Mã Giám Sinh, Tú Bà lừa, hành hạ. Về đâu, tương lai của Kiều?!
Chỉ một hình ảnh “hoa trôi” trong nước, cụ Tố Như đã tiên đoán số phận bọt bèo của nhân vật. Nhớ gia đình, người yêu, nghĩ đến thân phận đen tối của mình từ những hình ảnh trên biến. Kiều lo sợ, muốn tránh những hĩnh ảnh gợi buồn kia. Nhưng...
Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Kiều ở lầu Ngưng Bích trong buổi quá nửa chiều qua ngòi bút miêu tả của nhà thơ ở bốn câu trên đã buồn, thêm vào hai câu này lại càng buồn, càng quạnh quẽ hơn. Kiều trông xa rồi lại trông gần. Trông vời cửa bể, trông ngọn nước liếm bờ, nay Kiều lại trông vào “nội cỏ” vọng nhớ quê nhà vời vợi nghìn trùng. Nếu chỉ là “nội cỏ” thì chưa có gì đáng nói nhưng khi có thêm định tố “dầu dầu” thì hình ảnh “nội cỏ” trở nên nặng nề, héo úa, cỏ mà “dầu dầu”? Đúng là nghệ thuật nhân hóa tài tình của Nguyền Du. Chừng như cỏ cây sắp úa tàn vì nắng hạn kia đang mỏi mòn trông đợi từng giọt mưa long lanh. Cây cỏ chỉ có môi trường sống ấy đang khắc khoải cũng như Kiều đang bị tách rời khỏi quê nhà yêu dấu, sống vò võ một mình cùng với quá khứ hãi hùng. Nhà thơ đã gắn thiên nhiên với một tâm trạng. Không chỉ là sự “héo úa” của thiên nhiên mà đích thực là tâm trạng của nhân vật. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, một trong những đặc điểm tả cảnh của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Câu 8 “Chân mây mặt đất một màu xanh xanh” có âm hưởng nhè nhẹ với thanh bằng - ngang chiếm ưu thế nhưng không để diễn tả một tâm trạng đã qua rồi âu lo mà còn làm tăng thêm bởi hai từ “một màu”. Tất cả như mở ra một không gian bao la hiu quạnh và không một đổi thay, chẳng thấy bóng người. Một màu “xanh xanh” kia chừng như là hoàng hôn lạnh vắng, hoàng hôn phủ kín đường về, một hoàng hôn đời Kiều không lối thoát. Hoàng hôn trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan cũng man mác buồn, nhưng dù sao vẫn còn:
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố...

Nghĩa là vẫn còn bóng người, vẫn còn âm thanh... vẫn còn hướng mở ra, vẫn còn sự sống chứ không chờ chết, bế tắc như hoàng hôn của đời Kiều.
Sống giữa bức tranh thê lương, ảm đạm đó làm sao Kiều không lo sợ? Kịp khi Buồn trông gió cuốn mặt duềnh - Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi thì đúng Kiều đang hãi hùng lo sợ cho một hiện tại hàm chứa tương lai đen tối, não nề.
Ai đã từng ở biển chắc sẽ nhận ra sức gió hoàng hôn. “Gió cuốn mặt duềnh” nào ai thấy được nếu không có con sóng bạc đầu vươn dậy từ mặt biển bao la lăn dài vào bờ cát đá? Như thế thì các giác quan của nhà thơ quả là tinh tế thật! Lại càng tinh tế hơn khi liên tưởng đến nàng Kiều. Gió cuốn, sóng gào thét dữ dội đến đâu cũng là hiện tượng tự nhiên vô tri, vô giác. Nhưng khi có sự hiện diện của con người thì gió và sóng như có tâm hồn nghĩa là gió và sóng có ý nghĩa hẳn lên. Kiều đang trong tâm trạng buồn lo. Tâm trạng ấy tăng theo thời gian cũng như gió và sóng. Càng hoàng hôn, gió sóng càng mạnh càng cảm thấy cô đơn, quạnh què, buồn lo. Cả hai nào có kém gì! Mới đây, Kiều đã bị lừa, bị hành hạ... Và ngày mai? Mịt mù sóng đêm! Tiếng sóng ầm ầm tự nhiên đã ập vào lòng Kiều, bao quanh Kiều như chực cuốn Kiều vào vũng xoáy... Tiếng sóng ấy đã đưa Kiều trở về thực tại, một thực tại hãi hùng đến tột đỉnh nàng mới mắc mưu Tú Bà mà đi theo Sở Khanh... bước vào nỗi truân chuyên khác càng thảm khốc và tồi tệ hơn nhiều!
Đoạn thơ như lời dự báo số phận lênh đênh, cực nhục của người con gái tài sắc vẹn toàn. Cả tám câu thơ, từng cặp đề sử dụng điệp từ nhuần nhị. Ngữ điệu buồn ở sáu câu đầu nhưng ở hai câu sau lại vào tiết tấu mạnh thật phù hợp với tâm trạng của con người bị giam lỏng trong hoàng hôn.
Nguyễn Du là nhà thơ tài hoa nhất trong nghệ thuật tả cảnh lồng tình, tình và cảnh trong đoạn thơ trên như chan hòa là một, khiến người đọc càng xót xa cho thân phận của Kiều. Cuộc đời như Kiều thì đời nào cũng có nhưng rõ ràng nguyên nhân mở đầu chuồi ngày truân chuyên thì đã khác xa. Vấn đề còn lại ấy là những phụ nữ đang chìm trong bóng tối có nghị lực vươn tìm ánh sáng!
Cảm ơn cụ Nguyễn Du đã cho em được thưởng thức những dòng thơ hay. Khi đọc những dòng thơ ấy, chắc ai cũng rung động như nhà thơ Tố Hữu:
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu.
(Bùi Thức Phước)

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×