Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam, bài thơ thần "Nam quốc sơn hà" của chủ tướng Lí Thường Kiệt đã trở thành một áng thơ văn bất hủ, không chỉ khẳng định được vấn đề về lãnh thổ, chủ quyền, độc lập của dân tộc Việt Nam, mà bài thơ còn thể hiện được tính thần lực, tự tôn dân tộc mạnh mẽ của vị chủ tướng tài ba Lí Thường Kiệt cũng như những người dân Việt Nam nói chung. Bài thơ cũng là lời khẳng định tuyên bố đanh thép của tác giả đối với những kẻ có ý định xâm lăng vào lãnh thổ ấy, xâm phạm vào lòng tự tôn của một dân tộc anh hùng.
Trong cuộc chiến đấu chống quân Tống của quân dân Đại Việt, chủ tướng Lí Thường Kiệt đã đọc bài thơ thần "Nam quốc sơn hà" ở đền thờ hai vị thần Trương Hống, Trương Hát - Là hai vị thần của sông Như Nguyệt. Khi bài thơ thần này vang lên vào thời điểm đêm khuya, lại được vọng ra hùng tráng, đanh thép từ một ngôi đền thiêng liêng nên đã làm cho quân Tống vô cùng khiếp sợ, chúng đã vô cùng hoảng loạn, lo lắng, nhuệ khí của quân giặc bị suy giảm một cách nhanh chóng. Cũng nhờ đó mà quân dân ta có thể tạo ra một chiến thắng lừng lẫy, oai hùng sau đó.
Mở đầu bài thơ, tác giả Lí Thường Kiệt đã khẳng định một cách chắc chắn, mạnh mẽ về vấn đề chủ quyền, ranh giới lãnh thổ của dân tộc Đại Việt, đó là ranh giới đã được định sẵn, là nơi sinh sống của người dân Đại Việt. Lời khẳng định này không phải chỉ là lời khẳng định của tác giả, mà tác giả còn đưa ra những luận chứng sắc sảo, đó là bởi "sách trời" quy định. Tức sự độc lập, chủ quyền về lãnh thổ ấy được trời đất quy định, chứng giám. Một sự thật hiển nhiên mà không một ai có thể chối cãi được:
"Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời"
Sông núi nước Nam là những vật thuộc quyền sở hữu của người Nam, cũng là những hình ảnh biểu tượng không chỉ cho ranh giới, chủ quyền của người nam mà còn khẳng định một cách chắc chắn quyền sở hữu của "sông núi" ấy là của người Nam. Chúng ta cũng có thể thấy đây là lần đầu tiên trong một tác phẩm thơ văn mà vấn đề chủ quyền dân tộc được khẳng định mạnh mẽ, hào sảng đến như vậy. Không chỉ là dân tộc có chủ quyền, có lãnh thổ mà dân tộc ấy còn có người đứng đầu, người quản lí, làm chủ người dân của quốc gia ấy, đó chính là "vua Nam". Chủ quyền ấy, lãnh thổ cương vực ấy không phải do người Nam tự quyết định lựa chọn cho mình, người dân nơi ấy chỉ sinh sống, làm ăn sinh hoạt từ rất lâu đời, do sự định phận của "sách trời", đó là đấng cao quý vì vậy mọi sự quy định, chỉ dẫn của "trời" đều rất có giá trị, đều rất đáng trân trọng.
"Rành rành" là dùng để chỉ sự hiển hiện, tất yếu mà ai cũng có thể nhận biết cũng phân biệt được. "Rành rành định phận ở sách trời" có nghĩa vùng lãnh thổ ấy, chủ quyền ấy của người Nam đã được sách trời ghi chép rõ ràng, dù có muốn cũng không thể chối cãi, phủ định. Như vậy, ở hai câu thơ đầu, tác giả Lí Thường Kiệt không chỉ đưa ra luận điểm là lời khẳng định hào sảng, chắc chắn về vùng lãnh thổ, ranh giới quốc gia và chủ quyền, quyền làm chủ của nhân dân Đại Việt với quốc gia, dân tộc mình mà tác giả còn rất tỉnh táo, sắc sảo khi đưa ra những luận cứ đúng đắn, giàu sức thuyết phục mà còn đưa ra một sự thật mà không một kẻ nào, một thế lực nào có thể phủ định, bác bỏ được nó. Giọng văn hào hùng, mạnh mẽ nhưng không giấu được niềm tự hào của bản thân Lí Thường Kiệt về chủ quyền của dân tộc mình.
Từ sự khẳng định mạnh mẽ vấn đề chủ quyền của dân tộc Đại Việt, Lí Thường Kiệt đã lớn tiếng khẳng định, cũng là lời cảnh cáo đến kẻ thù, đó chính là cái kết cục đầy bi thảm mà chúng sẽ phải đón nhận nếu biết nhưng vẫn cố tình thực hiện hành động xâm lăng lãnh thổ, gây đau khổ cho nhân dân Đại Việt:
"Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh cho tơi bời"
Sự thật hiển nhiên rằng, "Sông núi nước Nam" là do người Nam ở, người Nam làm chủ. Nhưng lũ giặc không hề màng đến sự quy định mang tính tất yếu ấy, chúng cố tình xâm phạm Đại Việt cũng là xúc phạm đến sự tôn nghiêm của đạo lí, của luật trời: "Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm" hành động ngông cuồng, phi nghĩa này của bọn chúng thật đáng bị phê phán, thậm chí đáng để trừng phạt bằng những hình thức thích đáng nhất. Và ở trong bài thơ này, tác giả Lí Thường Kiệt cũng đã đanh thép khẳng định cái kết cục đầy bi đát, ê chề cho lũ cướp nước, coi thường đạo lí: "Chúng bay sẽ bị đánh cho tơi bời". Với tất cả sức mạnh cũng như lòng tự tôn, tính chính nghĩa của dân tộc Đại Việt thì lũ xâm lăng chỉ có một kết cục duy nhất, một kết quả không thể tránh khỏi "bị đánh cho tơi bời".
Như vậy, bài thơ thần "Nam quốc sơn hà" là một bài thơ, một bài thơ mang tính chính luận rõ ràng, sâu sắc, một bản tuyên ngôn hùng hồn, mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Bài thơ thể hiện lòng tự hào của người Việt Nam về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, về sức mạnh vĩ đại của người dân trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |