Trong biên khảo Quân Sự Nhà Thanh, chúng tôi đã trình bày hệ thống chỉ huy và tiếp liệu của Bắc quân, nêu lên tính chất chính qui của quân đội của một quốc gia thời bình. Để có sự so sánh và làm nổi bật sự khác biệt giữa hai đoàn quân, trong bài Văn Minh Đàng Trong, chúng tôi miêu tả về bối cảnh sinh hoạt của khu vực Đông Nam Á, sau hơn hai trăm năm chia cắt đã hình thành một quốc gia hoàn toàn khác hẳn với Đàng Ngoài về mọi mặt.
Chính sự xa lạ với văn minh Đàng Trong - còn chịu ảnh hưởng nhiều của văn minh Ấn Hồi - đã tạo sự bất ngờ cho đối phương vì những gì quân Thanh biết được về nước ta, chỉ hoàn toàn dựa trên hiểu biết của họ về nước An Nam, tức miền Bắc với những qui chế và tập quán gần như một nước Tàu thu nhỏ.
Sự hiểu biết của họ về Đàng Trong chỉ qua triều đình chúa Nguyễn, cũng lại là một tiểu long khác, một thứ thái thú đối với dân chúng miền Nam. Trong địa bàn rộng lớn của Nam Á, cư dân không phải là một chủng tộc thuần nhất mà là một khu vực rất co dãn, rất linh động với hàng chục sắc tộc khác nhau, mỗi sắc tộc có một truyền thống và tập quán, được tập hợp trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Một điều đáng cho chúng ta quan tâm là miền Nam Việt Nam không phải là một vùng hoang địa ít dân cư, mới được khai phá như nhiều lục địa khác ở thế kỷ 17, 18. Việc bành trướng của dân tộc Việt Nam - nói đúng ra là của người Kinh từ châu thổ sông Hồng tiến xuống phương Nam - chỉ là sự bao trùm một nền văn minh này lên những nền văn minh khác. Người Kinh dần dần lấn chiếm các vùng đồng bằng dọc theo duyên hải, đẩy các dân tộc bản địa lên cao nguyên và làm chựng lại sinh hoạt thương mại mặt biển vốn dĩ là một phần quan trọng của đời sống. Trên một qui mô nào đó, người Việt miền Bắc còn giữ tinh thần nông dân gắn bó với ruộng vườn nên đã tận thu bình nguyên, chia núi rừng, đồng bằng và biển cả ra ba khu vực biệt lập, liên hệ rời rạc. Sự bòn rút thiên nhiên trở nên gắt gao hơn nên sớm muộn rồi cũng đưa đến kết quả đồng qui ư tận.
Tiến trình khai thác đó vẫn tiếp tục, khi mạnh khi yếu nhưng càng lúc người ta càng ít gắn bó với khu vực dung thân hàng nghìn năm qua. Chế độ phong kiến, chế độ thực dân, chiến tranh và các chính thể độc tài chỉ càng lúc càng làm gia tốc tiến trình tự huỷ. Chính vì ba thế lực đó trung hoà và hoá giải lẫn nhau nên người ta có cảm tưởng trong nhiều năm, trái tim lịch sử bị ngừng đập. Tuy nhiên, đó chỉ là một giấc đông miên mà đôi khi vì một ngẫu nhiên nào đó, một tổng hợp dù vội vã và khiên cưỡng của cả ba khu vực vẫn tạo được những thành tích đáng kể.
Đặt vị trí của Việt Nam trong khung cảnh vỡ hạt của cuối thế kỷ 18, với rất nhiều pha trộn khác nhau - văn minh bản địa, Bà La Môn, Hồi giáo, Khổng, Lão, Phật rồi sau đó là văn minh Tây phương theo chân các nhà truyền giáo và thương nhân - hoà quyện với nhau trở thành một nếp sống đặc thù. Cái lò luyện kim đó, với tác động từ phương Bắc tràn xuống, từ phương Tây lan qua, từ miền Nam đi lên, từ biển Đông ập tới, trong một thời điểm nhất định đã đủ mạnh để làm thay đổi cả cuộc diện.