Tùng! Tùng! Tùng!...Tôi bước vào lớp dạy của mình. Cô Lê Thị Mai Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường và cô Nguyễn Thị Phượng GV bộ môn Ngữ Văn cũng bước vào lớp. Một cảm giác bồn chồn, lo lắng bắt đầu xuất hiện trong tôi. Tiếng của em lớp trưởng vang lên: “Các bạn đứng!”. Cảm giác lo lắng trong tôi tự nhiên tan biến, thay vào đó là sự hồi hộp, sung sướng trước sự trang nghiêm chào cô của các em, sự chỉnh tề trong những bộ trang phục mà trước kia tôi cũng đã từng mặc khi còn là học sinh THCS. Tiếng vỗ tay nhộn nhịp chào đón các thầy cô đến dự với tiết học lớp 7A. Đó là buổi lên lớp đầu tiên của một cô giáo dạy Văn. Tôi không biết nó có giống cảm giác của các thầy cô giáo khác không. Nhưng tôi biết, với các sinh viên sư phạm, thời gian kiến tập, thực tập được làm quen học sinh, được thử đứng trên bục giảng. Là điều hạnh phúc nhất, tuyệt vời nhất. Sau 5 phút ổn định lớp và làm quen học sinh, cảm xúc về bài giảng trong tôi bắt đầu dâng trào. Không phải lần đầu tiên tôi cầm viên phấn, nhưng sao hôm nay thấy nó lạ vậy. Tay tôi hơi run nhưng lại đầy kiêu hãnh và thầm nhủ: Hôm nay mình làm đạo diễn chứ không phải là một diễn viên làm theo sự hướng dẫn của một đạo diễn như thời mình còn đi học nữa. Tôi bắt đầu viết bài, dòng chữ đẹp và rõ ràng.“Tiết 106. Văn bản. Sống chết mặc bay (tiếp theo) của Phạm Duy Tốn. Có một số em bên dưới xì xào “Cô giáo gì mà trẻ thế! Thấp như mình luôn”. Tôi nghe mà không dám ngoảnh xuống lớp. Sau khi ghi đầu bài xong, tôi quay xuống và bắt đầu giảng bài. Thật khó khăn với mình đây, những dòng chữ hôm qua như đã thuộc, hôm nay nó bay đi đâu mất rồi, bắt đầu từ đâu? Tôi đang miên man trong đầu thì ở phía cuối lớp có hai em học sinh đang ngồi nói chuyện gì đó. Tôi như giật mình bừng tỉnh và nghĩ rằng rồi mình sẽ cháy giáo án. Tôi từ từ đi xuống cuối lớp, vừa đi vừa quan sát hai em. Thật may, các em lại ngồi im trở về vị trí ban đầu. Tiếp tục đi lên bục, tôi bắt đầu giảng bài, nhưng sao thấy lớp trầm và im vậy. Liếc qua trang giáo án thì thấy mục câu hỏi dành cho học sinh, tôi bắt đầu dừng lời và đàm thoại với các em. Câu đầu tiên tôi hỏi: Em hãy cho cô biết quan phụ mẫu đi hộ đê đang ở đâu lúc đê sắp vỡ? Rất nhiều những cánh tay giơ lên. Nghĩ lại ngày xưa mình cũng hăng hái như thế. Nhìn những cánh tay xinh xắn nhỏ bé của các em hăng hái phát biểu xây dựng bài cảm giác hồi hộp trong tôi biến đâu mất rôi? Thay vào đó là sự tự tin. Thể hiện những gì mình có để truyền đạt kiến thức cho các em. Cô và trò làm việc tích cực, sau một hồi đàm thoại, nhìn đồng hồ chỉ còn 5 phút nữa là đến giờ ra chơi. Tôi củng cố nội dung chính và cho các em làm bài tập nhanh để khắc sâu kiến thức của bài và đặt câu hỏi để kiểm tra xem các em có hiểu bài hay không. Các em trả lời xong, tôi dặn dò hướng dẫn các em về nhà học bài và chuẩn bị cho buổi học sau. Vừa lúc ấy tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ ra chơi đã đến. Tôi thở phào: “Thế là mình không bị cháy giáo án”. Tôi gập giáo án và bước ra khỏi lớp trong tiếng đồng thanh chào vui vẻ của các em. Cảm giác nhẹ bỗng, lâng lâng tràn ngập trong tôi…Quên sao được cái cảm giác ấy. Cảm giác ngày đầu tiên đứng trên bục giảng.