Mùa xuân là mùa của sự sống đua nở, là mùa của những niềm hân hoan, phấn khởi đầy rộn rã, bởi vậy mà trong bốn mùa, mùa xuân luôn là một trong những mùa được ngòi bút thi nhân ưu ái phác họa nhiều nhất trong các tác phẩm của mình. Nguyễn Du là một trong những bậc thầy về miêu tả thiên nhiên, đặc biệt là thông qua những nét vẽ về thiên nhiên lại phác họa được tâm trạng, nỗi niềm của con người. Ta có thể thấy rõ được bức tranh thiên nhiên, bức tranh tâm trạng của con người rõ nét trong trích đoạn “Cảnh ngày xuân” trong truyện Kiều của vị đại thi hào này.
Tiết trời vào xuân, mùa xuân về nhuộm cho cảnh sắc thiên nhiên một màu sự sống đầy tươi đẹp, không chỉ cảnh vật mơn man đua nở mà tiết trời vào xuân còn làm lòng người trở nên náo nức, vui tươi. Ngày xuân đến một sự kiện không thể không nhắc đến, đó chính là lễ hội trong Tiết thanh minh. Năm nay, vào tiết thanh minh, chị em Thúy Kiều, Thúy Vân đã cùng nhau ra ngoài dạo chơi, và ở đây, hai chị em không chỉ đắm mình vào không khí vui tươi, rộn rã của mùa xuân mà còn trải qua nhiều cung bậc cảm xúc từ vui tươi, náo nức đến cảm xúc man mác buồn khi kết thúc một ngày lễ hội, chị em sắm sửa ra về.
Thời gian thấm thoắt tựa thoi đưa, đặc biệt là thời gian vào xuân càng trôi qua nhanh chóng hơn, cũng bởi có lẽ, những gì tươi đẹp thì nhanh chóng lụi tàn, thời khắc mùa xuân trôi qua nhanh tựa như con thoi trên khung cửi của người thợ may, vô tình chảy trôi, mang theo đi bao cảm giác tiếc nuối của con người. Vì vậy mà mùa xuân mang đến cho con người nhiều cảm xúc náo nức, vui vẻ, yêu đời nhưng cũng mang đến bao sự nuối tiếc, lưu luyến. Trong tiết Thanh minh, cảnh sắc vươn lên nở rộ vô cùng tươi đẹp, rực rỡ, hình ảnh thu hút thị giác của con người nhất vào ngày Thanh minh này, có lẽ đó chính là không gian mênh mông, rộng lớn của bầu trời.
Nhưng khác với những ngày thường, bầu trời vào xuân rộng lớn nhưng không gợi cảm giác trống trải, vắng lặng mà gợi ra sự vận động của mầm sống đang trải ra bất tận. Đó chính là những ngọn cỏ non xanh mát bao trùm lấy không gian của bầu trời, nhuộm lên bầu trời ấy màu sắc của sự sống, khiến cho không gian bầu trời và không gian của mặt đất dường như hòa nhập làm một, cùng nhau đồng hành, cùng nhau làm cho mặt đất thêm rực rỡ, sống động hơn. Không chỉ có sắc xanh của ngọn cỏ, cái bao la, rộng lớn của bầu trời mà trên sắc xanh ấy lại được điểm xuyết bởi những cành lê trắng muốt, tinh khôi.
Những bông hoa lê trắng hò reo, hòa mình vào với sự sống của ngày xuân mà vươn những cánh trắng tinh khiết, nở rộ trong không gian, làm cho bức tranh mùa xuân càng trở nên tươi đẹp, tràn đầy sự sống. Làm cho tiết thanh minh trong tiết tháng ba càng thêm náo nức, nhộn nhịp, thanh minh là lễ hội lớn trong năm với hai phần lễ và hội đầy tươi vui, không chỉ diễn ra lễ Tảo mộ truyền thống mà đây còn là dịp lễ hội đầu xuân để những người trẻ tuổi vui chơi, kết bè kết bạn đầy náo nức. Vì vậy mà khi lễ hội Thanh minh diến ra, nam thanh nữ tú từ khắp mọi vùng đã kéo nhau về vui chơi, ngắm cảnh, người qua kẻ ại vô cùng tấp nập, nhộn nhịp.
Cũng giống như bao người trẻ khác, chị em Thúy Kiều cũng vô cùng hồi hộp, mong chờ đến ngày thanh minh để có thể hòa mình vào không khí của lễ hội. Là con cái trong một gia đình có truyền thống gia giáo, lại sống trong chế độ phong kiến xưa nên chị em Thúy Kiều ít khi ra khỏi cửa mà chỉ sống lặng lẽ, yên bình trong cảnh “chướng rủ màn che”, nhưng Thúy Kiều, Thúy Vân đều là những cô gái trẻ tràn đầy nhiệt huyết thanh xuân của tuổi trẻ, luôn mang trong mình những tò mò khám phá cũng như những khát vọng tình yêu. Nên, dịp thanh minh này chính là một dịp lí tưởng để chị em có thể ra ngoài, thỏa sức vui chơi, khám phá, chị em Thúy Kiều sắm sửa từ đầu tóc, trang phục sao cho tươm tất nhất để đi chơi
Không khí của tiết thanh minh vô cùng nhọn nhịp, không chỉ có người qua kẻ lại tấp nập mà ngựa xe qua lại cũng nhiều như nêm, những tài tử giai nhân đi chơi đều xúng xính quần áo lượt là, bóng mượt nhất. Sự xuất hiện của những con người trẻ tuổi trong lễ Thanh minh làm cho không khí có phần vui tươi, náo nhiệt hơn. Trên đường du hành mùa xuân, chị em Thúy Kiều đã chứng kiến nhiều phong tục truyền thống trong ngày thanh minh, đó là những nén nhang nghi ngút, những thếp giấy tiền vàng tung bay trong không gian, đây cũng chính là những nghi thức không thể thiếu trong phần lễ của tiết thanh minh.
Thời gian tươi đẹp thường trôi qua vô cùng nhanh chóng , cùng với sự thay đổi của cảnh vật là sự thay đổi rõ nét trong tâm trạng của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Đúng như trong câu thơ “Ngày xuân con én đưa thoi”, thơi gian ngày xuân trôi nhanh tựa như thoi đưa, không gian náo nức, nhộn nhịp của ngày xuân, những lễ nghi đầy thú vị trong tiết ngày xuân cũng nhanh chóng kết thúc, thay thế vào đó là thời gian dần ngả về chiều, mặt trời ngà ngà ngả về phía tây, đây chính là dấu hiệu kết thúc của một ngày. Bầu trời cũng không còn trong xanh như khi ban sáng mà nhuộm đỏ không gian bởi một màu sắc tà tà.
Sắc chiều đến tựa như những chuyển động vô cùng chậm dãi, dường như không chỉ có con người lưu luyến ngày xuân đẹp đẽ, mà ngay cả những cảnh sắc cũng lụi dần phía sau bầu trời cũng rầu rĩ mà chậm chạp khác thường. Cảnh vật như chịu sự chi phối của cảm xúc, tình cảm của con người, nhưng những cảnh vật cũng có sự tác động trở lại đối với con người. Cảnh sắc chiều về như nhuốm vào tâm trạng con người một cảm xúc trầm buồm, nuối tiếc, sự nuối tiếc cảnh sắc ngày tàn này dường như vượt ra cảm xúc của những con người trảy hội mà thấm đượm cả vào cảnh sắc khiến cho cảnh sắc cũng mang một tông màu trầm, một sắc thái buồn thương.
Vui chơi một ngày dài, sau khi lễ hội kết thúc thì cũng là lúc mà chị em Thúy Kiều, Thúy Vân trở về nhà, dường như dư âm náo nhiệt của ban sáng vẫn còn nên chị em Thúy Kiều mang cảm xúc buồn thương man mát trở về nhà, dáng đi thơ thẩn, khuôn mặt lưu luyến đượm buồn khiến cho cảnh vật cũng như đeo tâm trạng mà trầm xuống theo. Những bước chân buồn bã qua khe suối, qua ngọn cỏ đều lưu luyến như không muốn rời, những ngọn tiểu khê bên đường dường như hiểu được tâm trạng của hai chị em mà thấm đượm màu buồn bã.
Khung cảnh xung quanh cũng thay đổi một cách rõ nét, không còn là vẻ nhộn nhịp, xanh tươi khoe sắc như tiết trời vào xuân ban sáng mà khi về chiều, phong cảnh cũng trở nên nhẹ nhàng, u buồn hơn, mọi thứ đều mang một màu thanh thanh, có phần nhạt nhòa như chính cảm giác của con người thời điểm hiện tại, không có cao trào, không xúc động cũng không náo nức rộn ràng mà mọi thứ trầm lắng lại thành những dư âm của một ngày đầy ấn tượng rộn ràng.
Ta có thể thấy rằng, trong cuộc đi chơi tiết Thanh minh chính là thời điểm mà cuộc sống của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân êm đềm và bình lặng nhất, được sống với đúng lứa tuổi, hòa nhập vào không khí của tuổi trẻ mà không phải lo toan trước những biến cố của cuộc sống như sau này.