Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chuyên mục. Câu hỏi của bạn xin được tư vấn như sau:
Liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh hiện nay, Điều 39 của Luật cạnh tranh số 27/2004/QH11 ngày 14/12/2004 đã quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
Tuy nhiên, do hoạt động ngân hàng mang tính chất đặc thù, nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng chưa được cụ thể hoá trong Luật Cạnh tranh và Nghị định 120/2005/NĐ-CP.
Trên thực tế, hành vi cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng rất đa dạng, phức tạp, khó phát hiện, nhận biết và quy kết. Vấn đề cạnh tranh đang tồn tại ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh của các ngân hàng.
Ví dụ như tình trạng các tổ chức tín dụng cạnh tranh nhằm mục đích tăng thị phần huy động vốn của mình. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đua nhau nâng mức lãi suất huy động tiền gửi trong dân cư mà không tính đến hiệu quả kinh tế mà sâu xa là gây mất an toàn hệ thống. Vì vậy nếu việc đưa ra lãi suất huy động cao dựa trên cơ sở sự tính toán hiệu quả kinh tế và có lợi nhuận thì đây là cạnh tranh lành mạnh.
Ngoài ra, còn một loạt các hình thức cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng như: việc thu hút tiền gửi với mức lãi suất tiền gửi cao hơn tại một số ngân hàng khiến cho tiền gửi chuyển lòng vòng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác; quảng cáo đưa ra không đúng hoặc gây hiểu lầm về nguồn lực tài chính, đưa ra những báo cáo kiểm toán gây hiểu lầm để hỗ trợ những quảng cáo, với quan điểm là để thu hút người gửi tiền từ những ngân hàng khác; Cung cấp các thông tin về vấn đề và khó khăn của các ngân hàng khác, gièm pha đối thủ cạnh tranh và cung cấp thông tin sai trái để gây nhầm lẫn cho khách hàng;
Hay hình thức áp dụng các khoản vay lãi suất thấp hơn cho khách hàng của một lĩnh vực cụ thể so với lãi suất cho người vay các khu vực khác; hoặc hành vi cung cấp thông tin dễ gây hiểu lầm có hại cho các tổ chức tín dụng khác như sử dụng tên gọi, logo, chỉ dẫn địa lý để gây nhầm lẫn với các tổ chức tín dụng nước ngoài, khiến khách hàng tưởng dịch vụ đó do tổ chức tín dụng nổi tiếng cung cấp,…cũng bị xem là một biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh.
Việc cung cấp tiền thưởng và thù lao cho nhân viên dựa trên mức huy động vốn; giảm giá tùy tiện mà không có lý do hợp lý hoặc cung cấp dịch vụ dưới chi phí; cho một khách hàng vay để họ có thể sử dụng khoản vay đó như là một khoản tiền gửi tối thiểu để mở một tài khoản; nới lỏng các điều kiện bắt buộc đối với khách hàng khi xem xét các đề xuất vay vốn… cũng được xem là một biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng.